Báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ công bố ngày 4/2 cho thấy, sự tăng trưởng bất ngờ trên thị trường việc làm Mỹ trong tháng 1/2022 đã làm dấy lên lo ngại xoay quanh vấn đề lạm phát và gây áp lực lên khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư.
Dữ liệu cho thấy số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng thêm 467.000 trong tháng trước, so với dự báo được các chuyên gia thống nhất là chỉ tăng 150.000 việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1/2022 là 4,0%. Báo cáo này phù hợp với lập trường bảo thủ về chính sách tiền tệ của Mỹ và phần nào chứng minh cho sự diều hâu gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ vào tháng 12/2021 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tốc độ tăng theo năm nhanh nhất kể từ năm 1982. CPI đo lường những gì người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ.
Lạm phát theo năm của nước Anh tăng từ mức 5,1% trong tháng 11 lên mức 5,4%, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo và lên mức 6% trong tháng 2 và 3, trước khi đạt đỉnh ở mức khoảng 7,25% trong tháng 4, cao hơn so với dự báo trước đó.
Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, nhưng việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. Giá dầu cũng tăng lên mức cao nhất trong 7 năm, làm gia tăng thêm áp lực lạm phát hiện có.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ lên cao nhất trong hơn hai năm sau khi dữ liệu việc làm lạc quan của Mỹ củng cố cho khả năng tăng lãi suất của Fed. Lợi suất trái phiếu Mỹ trở nên hấp dẫn khi lãi suất từ 1,8%/năm vọt lên 1,9%/năm.
Đồng thời, sức khỏe đồng bạc xanh hồi phục khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với người mua bằng ngoại tệ khác. USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng khác tăng lên 95,45 điểm. Giá vàng quay đầu tăng vì lo ngại về lạm phát gia tăng trong nền kinh tế.
USD có xu hướng tăng trở lại từ mức thấp nhất trong hai tuần sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến. Theo các dữ liệu khảo sát, thị trường kỳ vọng sẽ xảy ra 5 đợt tăng lãi suất USD trong năm nay từ Fed.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục trở lại. Đóng cửa phiên 4/2, chỉ số S&P 500 tăng 0,52% lên 4.500,53 điểm; chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,58% lên 14.098,01 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones ngược chiều giảm nhẹ 21,42 điểm, tương đương giảm 0,06% còn 35.089,74 điểm.
Giới phân tích nhận định, 1.800 USD/ounce là mức quan trọng đối với vàng và nếu kim loại quý tiếp tục dao động quanh mốc này, điều đó sẽ rất lạc quan đối với đà tăng.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay giá vàng SJC được một số tiệm vàng giao dịch quanh 62,35 triệu đồng/lượng mua vào, 63,1 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng qua. Vàng miếng tăng nhanh hơn đã đẩy chênh lệch với vàng nhẫn lên cao hơn với mức 9,35 triệu đồng/lượng.