Vốn FDI vào Việt Nam trong hai tháng qua, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm, đã sụt giảm 62,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến ngày 20/2/2014, cả nước có 122 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 830,87 triệu USD, bằng 80,7% so với cùng kỳ năm 2013.
| ||
Bên cạnh đó, có 41 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 708,79 triệu USD, bằng 23% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhìn vào danh mục các dự án được cấp chứng nhận đầu tư trong hai tháng qua, có thể thấy rõ, lý do khiến vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm mạnh so với năm ngoái là vì chưa có dự án quy mô lớn nào được cấp phép.
Bằng tầm này năm ngoái, đã có hai dự án lớn, là Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tăng vốn thêm 2,8 tỷ USD và Samsung Thái Nguyên, 2 tỷ USD, được cấp chứng nhận đầu tư.
Vốn đăng ký sụt giảm, nhưng bù lại, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn giải ngân lại khá tích cực, với 1,12 tỷ USD, tăng 6,7% với cùng kỳ năm 2013.
Hai tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất.
Có 62 dự án, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,178 tỷ USD, đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm 76,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 2 tháng.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 278,33 triệu USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư.
Hiện Hàn Quốc đang dẫn đầu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, với 468,98 triệu USD, chiếm 30,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 264,55 triệu USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư.
Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 263,36 triệu USD, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư.
Nguyên Đức