Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 67,9 - 68,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên trước. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 700.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 12 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng không có nhiều biến động và đang được giao dịch quanh mốc 1.910 USD/ounce sau khi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tại Mỹ được công bố.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,19% lên 1.909,85 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,04% lên 1.931,9 USD/ounce.
Theo đó, tại báo cáo mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/9 cho thấy giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 8/2023 đã tăng mạnh nhất trong hơn một năm do giá xăng tăng cao, nhưng việc lạm phát cơ bản chỉ tăng khiêm tốn có thể khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng trước đã tăng 0,6% so với tháng Bảy, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 tới nay và phù hợp với dự báo thị trường.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá xăng đã tăng nhanh và đạt đỉnh 3,984 USD/gallon vào tuần thứ ba của tháng Tám. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 3,676 USD/gallon trong cùng kỳ tháng Bảy.
So với cùng kỳ tháng 8/2022, CPI của Mỹ đã tăng 3,7% sau khi tăng 3,2% trong tháng Bảy. Trong khi con số trên đã giảm từ mức đỉnh 9,1% ghi nhận hồi tháng 6/2022, lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn mục tiêu 2% do Fed đặt ra.
Báo cáo được công bố một tuần trước cuộc họp lãi suất của Fed (kéo dài từ ngày 19-20/9) và theo sau báo cáo cho thấy các điều kiện của thị trường lao động Mỹ đã yếu đi trong tháng Tám.
Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI cốt lõi tăng 0,3% theo tháng và 4,3% theo năm - mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 9/2021 và nhỏ hơn con số 4,7% của tháng Bảy.
Mặc dù hầu hết giới đầu tư vẫn kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách tại cuộc họp tuần tới. Tuy nhiên, thị trường nhận định Fed vẫn có khả năng tăng lãi suất vào tháng 11 do lạm phát dịch vụ (không bao gồm nhà ở) vẫn ở mức cao.
Theo công cụ CME FedWatch, kỳ vọng của các nhà giao dịch đối với việc Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 19 - 20/9 đã trở nên mạnh mẽ hơn sau khi dữ liệu được công bố, với 61% khả năng Fed cũng sẽ tạm dừng chu kỳ thắt chặt lãi suất trong tháng 11.
Một dấu hiệu tích cực với thị trường vàng là báo cáo sơ bộ mới đây của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương tiếp tục “thống trị” thị trường kim loại quý. Theo nhiều nhà phân tích, đây là một trong những yếu tố lớn nhất hỗ trợ giá vàng trong môi trường phức tạp, khi lãi suất trái phiếu tăng và đồng USD duy trì sức mạnh một cách bền bỉ.
Theo đó, các quốc gia bổ sung nhiều vàng vào kho dự trữ bao gồm: Ba Lan, Ấn Độ, Uzbekistan và Cộng hòa Séc. Tính đến thời điểm này trong năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã mua 155 tấn vàng và tháng 8 là tháng mua thứ 10 liên tiếp.
Mặc dù nhu cầu của ngân hàng trung ương dự kiến sẽ không vượt quá tốc độ kỷ lục được thiết lập vào năm 2022 nhưng nó vẫn ở mức cao. Trong báo cáo xu hướng quý II, WGC lưu ý rằng nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương đạt kỷ lục mới trong nửa đầu năm 2023.
Ngoài ra, giới đầu tư sẽ tiếp tục chờ đợi chỉ số giá sản xuất và doanh số bán lẻ tháng 8 của Mỹ, cũng như phán quyết tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm (14/9) trước quyết định chính sách ngày 20/9 của Fed.
Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 14/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.013 đồng/USD, tăng 18 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.813 - 25.213 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.010 đồng/USD (mua vào) và 24.350 đồng/USD (bán ra).