Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,6 - 67,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng. So với tuần trước, giá vàng đã có sự chênh lệch chiều mua vào tăng 250.000 đồng/lượng, chiều bán ra tăng 150.000 đồng/lượng.
Giá vàng DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở 66,55 - 67,15 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước. Trong khi đó, tại TP.HCM giá vàng DOJI đang niêm yết ở mức 66,50 - 67,10 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng đóng cửa tuần ở mức 66,57 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,13 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng mỗi lượng.
Giá vàng trong nước đã nhích tăng trước nhịp biến động của giá vàng thế giới. Sau phiên giao dịch giảm mạnh, giá vàng thế giới cuối tuần đã hồi phục trở lại ở gần mốc 1.990 USD/ounce và hướng đến tháng thứ hai liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh trước những lo ngại về tình trạng bất ổn của ngành Ngân hàng Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,07% lên 1.989,33 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,02% lên 1.999,4 USD/ounce.
So với tuần trước, giá vàng đã có sự cải thiện đáng kể khi tăng hơn 7 USD/ounce. Giá vàng tương lai đạt mức tăng trưởng 0,43% trong tuần và cũng đang hướng đến tháng thứ 5 tăng điểm trong vòng 6 tháng trở lại đây.
Ngày 28/4, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) đã công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (core PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tăng 0,3% trong tháng 3, đúng như dự báo của các nhà kinh tế. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá PCE lõi tháng 3 đi lên 4,6%, thấp hơn mức 4,7% của tháng 2.
Chỉ số giá PCE lõi không tính đến giá của nhóm mặt hàng lương thực và năng lượng nhiều biến động. Chỉ số PCE toàn phần (bao gồm giá của tất cả mặt hàng) tăng 0,1% so với tháng 2 và 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể mức lạm phát 5,1% của tháng liền trước đó. Dữ liệu cũng chỉ ra rằng áp lực giá cơ bản vẫn còn mạnh, khiến giới đầu tư vẫn tin tưởng vào một đợt tăng lãi suất vào tuần tới.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I năm 2023 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2022, và giảm 2,6% so với quý IV năm 2022. Trong báo cáo có nêu, so với quý 4 năm 2022, sự giảm tốc của GDP thực trong quý 1 năm 2023 chủ yếu phản ánh sự suy giảm đầu tư tư nhân và sự chậm lại của đầu tư cố định. Thực tế này một phần được bù lại nhờ sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu.
Thực tế, tiêu dùng - động lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới - bắt đầu mạnh lên từ tháng 1/2023, nhưng giới chuyên gia cảnh báo sự hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng cũng như lãi suất tăng có nguy cơ phủ bóng đen lên triển vọng tiêu dùng.
Số liệu tăng trưởng thấp làm dấy lên mối lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế của Mỹ. Thêm vào đó, báo cáo về niềm tin tiêu dùng kém khả quan của Mỹ và số liệu ảm đạm về hoạt động chế tạo đã làm dấy lên lo ngại về khả năng kinh tế giảm tốc.
Một dữ liệu khác, được công bố hôm 27/4, cũng cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm lần đầu tiên sau ba tuần. Số lượng yêu cầu tiếp tục hỗ trợ, chỉ báo có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về việc người Mỹ thất nghiệp đang tìm việc mới nhanh như thế nào, đã không biến động mạnh.
Liên quan đến ngành Ngân hàng tại Mỹ, nguồn tin của Reuters cho biết Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đang chuẩn bị để tiếp quản First Republic Bank. Thông tin này khiến cổ phiếu First Republic giảm gần 50% trong phiên giao dịch mở rộng.
Theo nguồn tin, FDIC xác định tình hình của nhà băng có trụ sở tại San Francisco đã xấu đi và không còn thời gian để dàn xếp một cuộc giải cứu thông qua khu vực tư nhân.
Nếu First Republic Bank bị tiếp quản, đây sẽ là ngân hàng thứ ba của Mỹ sụp đổ kể từ tháng 3. Đầu tuần này, First Republic cho biết khách hàng đã rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong quý I vừa qua, khiến tình hình càng thêm tồi tệ. Ngân hàng này đang phải chật vật để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng lớn hoặc các công ty cổ phần tư nhân để xúc tiến đề xuất thành lập một “ngân hàng xấu” để cô lập các tài sản chịu lỗ chưa thực hiện hoặc bán các tài sản như chứng khoán nợ và khoản cho vay thế chấp nhà ở.
Fed cũng đã đưa ra một báo cáo chi tiết và có phần gay gắt về những tồn tại trong việc xác định và khắc phục liên quan đến sự sụp đổ của .SVB Vì vậy, cơ quan này cho biết sẽ giám sát và đưa ra những bộ quy tắc chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia nghiên cứu thị trường cấp cao tại RJO, cho biết báo cáo của Fed được đưa ra vào cùng thời điểm với sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giúp vàng chuyển sang tích cực, nhưng mọi thứ đều phụ thuộc vào những gì Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu vào tuần tới. Ngoài ra, đà tăng trưởng của vàng còn được “trợ lực” bởi sự suy giảm theo tháng của đồng USD.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,15% lên 101,65 điểm.
Tỷ giá trung tâm kết tuần cuối cùng của tháng 4 ở 23.639 VND/USD, chỉ tăng 5 đồng trong tuần qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.458 - 24.820 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá tiếp tục đi ngang, hiện đang được yết ở mức 23.290 VND/USD (mua vào) và 23.630 VND/USD (bán ra).