USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt sau phát biểu diều hâu từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Đồng đô la Mỹ đã tăng 1,4% so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 112,88 điểm. Tỷ giá Euro so với USD tăng 0,04% ở mức 0,9755. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,20% ở mức 1,1181. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,02% ở mức 148,25.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng dao động quanh mức đỉnh gần đây khi vọt lên 4,22% đã kích thích nhiều người thu gom USD để mua trái phiếu.
Fed đã uyết định nâng biên độ lãi suất cho vay cơ bản USD lên khoảng 3,75 - 4% sau cuộc họp kết thúc vào cuối ngày 2/11. Đây là lần tăng 0,75% thứ tư liên tiếp do Fed đưa ra và là lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng 3/2022.
Sau đó, ông Powell còn cảnh báo trước suy đoán rằng, ngân hàng trung ương sẽ sớm thay đổi lập trường về việc tăng lãi suất và còn rất sớm để nghĩ đến việc tạm dừng.
Động thái này không nằm ngoài dự đoán của thị trường, nhưng cũng báo hiệu việc nâng chi phí đi vay trong tương lai có thể được thực hiện với các mức tăng nhỏ hơn để giải thích cho chính sách thắt chặt tiền tệ tích lũy mà cơ quan này đã ban hành cho đến nay.
Do đó, thị trường đang dự báo, xác suất 50% Fed sẽ nâng 50 điểm cơ bản trong tháng 12 và thêm một vài lần tăng với mức thấp hơn trong năm 2023.
Vàng rất nhạy cảm với việc nâng lãi suất của Mỹ, vì điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Giới phân tích lĩnh vực vàng còn đưa ra dự báo, mặt hàng kim quý vàng có thể còn xuống mức thấp nhất và xuyên thủng mức 1.600 USD/ounce nếu lợi suất tiếp trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng.
Tâm điểm của thị trường hiện chuyển sang dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 10/2022 của Mỹ, dự kiến được công bố vào hôm nay (4/11). Đây là yếu tố có thể cung cấp rõ ràng hơn về quỹ đạo tăng lãi suất của Fed.
Quả thực, vàng nhận được hỗ trợ khi dữ liệu cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần hai năm rưỡi vào tháng 10, cho thấy việc Fed tăng lãi suất đang làm chậm nhu cầu trong nền kinh tế nói chung.
Đối với thị trường vàng trong nước, mở cửa phiên sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,2 triệu đồng/lượng và bán ra 67,2 triệu đồng, tăng 100.000 đồng/lượng so với sáng ngày hôm qua.
Chênh lệch giữa giá mua và bán 1 triệu đồng/lượng, nhưng điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí) nên mua vàng trong nước rủi ro cao.
Ngày 4/11, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 6 đồng, lên 23.693 VND/USD, các ngân hàng tăng giá USD lên kịch trần. Tại ngân hàng Vietcombank mua vào 24.561 - 24.591 đồng, bán ra 24.871 đồng.