Ngân hàng
Vàng lao dốc; Ngân hàng Nhà nước phủ nhận tin đồn về tỷ giá
H.T - 26/05/2024 09:14
Vàng chứng kiến tuần rớt thảm trong khi tỷ giá vẫn liên tục tăng, NHNN phủ nhận thay đổi chính sách điều hành tỷ giá, nợ xấu bán lẻ tăng, chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém có chuyển biến mới... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
TIN LIÊN QUAN
Ngân hàng Nhà nước: Tin đồn gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá là không chính xác
Tỷ giá đang chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế lẫn một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)
Ông đánh giá thế nào về áp lực đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong năm 2024?

Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua; cụ thể như sau:

Trước hết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ (CSTT), cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Thứ hai, từ đầu năm đến giữa tháng 5 năm 2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

Thứ ba, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại; trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống TCTD, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.

Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đề cập ở trên, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%).

Tuy nhiên, tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây. Đồng thời, giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND. Dựa trên các yếu tố căn bản trong và ngoài nước như đề cập nêu trên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo khả năng VND tăng giá trở lại khi các yếu tố căn bản này dần được hiện thực hóa trong thời gian tới.

Trước áp lực nêu trên, NHNN đã có biện pháp gì để ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế áp lực lên tỷ giá? Gần đây, xuất hiện một số tin đồn về dự kiến thay đổi biện pháp điều hành tỷ giá của NHNN, ông cho biết quan điểm của NHNN về những thông tin này?

Trong bối cảnh thách thức, khó khăn nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT, thời gian qua NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ CSTT theo sát diễn biến thị trường. Thứ nhất, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá trong điều kiện thanh khoản VND của các TCTD tương đối dư thừa, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm trên thị trường liên ngân hàng như đề cập ở trên, NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá. Thứ hai, từ ngày 19/4/2024, NHNN bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời bình ổn tâm lý thị trường, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Giải pháp điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp được NHNN thực hiện nêu trên cũng tương tự các giải pháp được các ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua.

Mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới (như đề cập ở trên). Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. Như vậy, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn.

Với bối cảnh quốc tế và trong nước còn thách thức, khó khăn nêu trên, dự kiến điều hành của NHNN như thế nào trong thời gian tới?

Mặc dù tình hình quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, khó lường, nhưng với nền tảng kinh tế vĩ mô, đối ngoại vững chắc và việc Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất từ cuối năm nay như đề cập ở trên, áp lực đối với tỷ giá sẽ giảm bớt. Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc tiếp tục kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường, qua đó phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu Hội đồng Vàng thế giới - trao đổi về các biện pháp quản lý thị trường vàng tại Việt Nam thời gian qua.  
Tại Việt Nam, cơn sốt vàng diễn ra cuối năm ngoái đến nay đang làm xáo trộn tâm lý của người dân. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng khiến Chính phủ và NHNN phải can thiệp. Trên thế giới có quốc gia nào chênh lệch giá vàng cao đến mức phải can thiệp như Việt Nam không, thưa ông?
 

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nên cầu vàng rất lớn. Riêng trong quý I/2024, cầu vàng miếng và vàng xu tại Việt Nam tăng tới 12%, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới lên tới 650 USD/ounce.  

Tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng xảy ra ở một số nước trên thế giới, đơn cử như Trung Quốc.  Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giá vàng ở các nước không cao như ở Việt Nam nên đa phần Chính phủ các nước cũng không không phải can thiệp.

Gần đây nhất , chỉ có Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào thị trường vàng. Nguyên nhân là cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kì diễn ra vào tháng 3 – tháng 4/2024 khiến người dân lo ngại về đồng nội tệ mất giá, ồ ạt mua vàng và ngoại tệ khác để phòng ngừa rủi ro. Trong bối cảnh này, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã bán ra một lượng vàng dự trữ lớn theo giá giao ngay để đáp ứng nhu cầu vàng tăng đột biến của thị trường, sau đó lập tức mua vào vàng bổ sung.

Một ví dụ khác là Ấn Độ từng phát hành trái phiếu Chính phủ gắn với giá vàng nhằm hạ nhiệt thị trường vàng trong nước. Trái phiếu này biến động theo giá vàng nhưng không được bảo lãnh bằng vàng.  

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này của NHNN?

Tôi vừa có chuyến công tác tới Việt Nam và đã làm việc với các doanh nghiệp vàng cũng như với Chính phủ, tôi biết các bên liên quan đều đang cố gắng để cải thiện thị trường vàng.

Tôi không thể đánh giá chi tiết mức độ hiệu quả của chính sách này song rõ ràng việc đấu thầu sẽ có tác động nhất định tới thị trường vàng trong nước. Dù vậy, kết quả các phiên đấu thầu vàng chưa rõ ràng do thời điểm Ngân hàng Nhà nước tiến hành đấu giá vàng diễn ra đúng vào thời điểm giá vàng trên thế giới tăng rất mạnh. Vì vậy, ngay cả khi nguồn cung trong nước có thể được tăng lên thông qua việc các phiên đấu thầu thì giá vàng trong nước vẫn tăng theo giá vàng thế giới.

Theo tôi được biết, việc đấu giá mới chỉ bắt đầu, NHNN đang nỗ lực để cải cách thị trường vàng. Tôi hi vọng Chính phủ và NHNN sẽ có thêm một số thay đổi về chính sách để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đặc biệt là xem xét đến việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng.

Trên thế giới, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, không có quốc gia nào tăng cung cho thị trường vàng bằng hình thức đấu thầu. Chỉ có hai cách duy nhất để tăng cung cho thị trường vàng: một là khuyến khích người dân bán vàng ra – điều này là bất khả thi trong bối cảnh giá vàng trong xu hướng tăng; hai là nhập khẩu vàng.  

Việc áp dụng một số giải pháp như: mua bán vàng phải có hóa đơn điện tử, thanh tra thị trường vàng, xem xét cấm mua vàng bằng tiền mặt… sẽ tác động như thế nào tới thị trường vàng, theo ông?

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đưa ra những yêu cầu nhất định với giao dịch vàng, cả với bên mua và bên bán, bao gồm cả thẩm định nhân thân người mua nhằm phòng chống rửa tiền.

Việc giao dịch vàng phải có hóa đơn (kể cả qua sàn giao dịch hay không) gần như phổ biến ở các nước. Việc cho phép mua vàng bằng tiền mặt hay không tùy thuộc vào từng quốc gia, thường thì các quốc gia mặc định mua vàng phải thông qua tài khoản ngân hàng, một số quốc gia quy định mua vàng ở mức bao nhiêu trở lên sẽ phải thông qua tài khoản ngân hàng.  

Các cơ quan quản lý Việt Nam dường như đang lúng túng trong câu chuyện ổn định tỷ giá với nhập khẩu vàng để tăng cung vàng. Các nước đã giải quyết vấn đề này thế nào?

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đứng trước tình trạng khó khăn này. Ấn Độ là một ví dụ điển hình, nước này đã có nhiều giải pháp để vừa tạo ra cân bằng cung – cầu vàng trong nước mà vẫn không bị ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân tài khoản vãng lai.

Thực tế, các quy định về nhập khẩu vàng của Việt Nam hiện nay rất chặt chẽ song  bằng cách nào đó, vàng nhập khẩu vẫn vào Việt Nam qua các kênh khác nhau. Nói cách khác, Việt Nam vẫn đang phải chi lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, nếu Chính phủ cho phép nhập khẩu thì sẽ quản lý được tốt hơn.

Giá vàng tăng cao chưa từng có trong gần 5 tháng đầu năm nay là do đâu? Theo ông, giá vàng sẽ diễn biến thế nào thời gian tới?

Căng thẳng địa chính trị thế giới, sự bấp bênh của nền kinh tế, sức mua tăng kỷ lục của các ngân hàng trung ương… là các yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng thời gian qua. Tại châu Á, sự mất giá của đồng nội tệ cũng thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng.  Theo công bố, chỉ tính riêng trong quý I/2024, các ngân hàng trung ương đã mua vào 290 tấn vàng song con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều con số báo cáo. Làn sóng mua vào của cá ngân hàng Trung ương đã bắt đầu từ hai năm qua và đang tiếp tục gia tăng. Tính chung trên toàn thế giới, cầu vàng quý I đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý I tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.   

Hội đồng vàng thế giới không đưa ra về dự báo giá vàng. Tuy nhiên, theo tôi xu hướng của giá vàng vẫn là đi lên.

Có nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng tới giá vàng thời gian tới. Thứ nhất là chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là động thái cắt giảm lãi suất của Fed. Thứ hai, năm nay có nhiều cuộc bầu cử quan trọng diễn ra, quan trọng nhất là bầu cử Tổng thống Mỹ. Lo ngại chính sách chưa rõ ràng khi thay đổi chính quyền cũng thúc đẩy nhà đầu tư tăng mua vàng để đề phòng rủi ro. Thứ ba, căng thẳng địa chính trị trên thế giới (xung đột Nga – Ukrane,  Israel Hamas) cũng hỗ trợ giá vàng. 

Nợ xấu cho vay mua nhà đang tăng cao
Báo cáo cập nhật của ngành ngân hàng do VIS Ratings vừa công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đang gia tăng, chủ yếu từ cho vay bán lẻ, đặc biệt là các khoản vay mua nhà.
Theo dữ liệu của VIS Ratings, tỷ lệ nợ xấu (NPL) trung bình toàn ngành tính đến tháng 3/2024 đã tăng lên 2.2% từ mức 1.9% vào năm 2023 do cho vay bán lẻ.

Các ngân hàng tập trung vào bán lẻ như VIB, VPBank, ABBank ghi nhận nợ quá hạn tăng cao từ cho vay mua nhà. Trong số các ngân hàng quốc doanh, BIDV giảm chất lượng tài sản đáng kể nhất do tỷ lệ nợ xấu gia tăng và tỷ lệ xóa nợ thấp.

Trong số các ngân hàng tư nhân lớn, nợ xấu của MB tăng đáng kể do một khoản nợ xấu lớn của một công ty năng lượng tái tạo. OCB đã giải quyết một phần đáng kể các khoản cho vay có vấn đề bằng cách xử lý tài sản bị tịch thu. LPBank duy trì tỷ lệ nợ xấu ổn định thông qua biện pháp thắt chặt điều kiện cho vay và hoạt động thu hồi nợ.

Dù vậy, VIS Ratings nhận định, đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng của ngành sẽ giảm so với năm trước do tỷ lệ hình thành nợ xấu mới suy giảm và các ngân hàng giải quyết các khoản nợ xấu thông qua việc thu hồi hoặc xóa nợ.  

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của ngành giảm xuống 86% từ mức 92% trong cùng kỳ. Ngược lại, một số ngân hàng tư nhân như OCB và Sacombank đã cải thiện khả năng xử lý nợ xấu và khả năng trích lập dự phòng. LLCR dành cho các ngân hàng nhỏ vẫn ở mức thấp nhất trong ngành ở mức 22%. 

Tiền gửi CASA của ngành vẫn khá ổn định ở mức 20% trên tổng dư nợ trong 3 tháng đầu năm 2024.  Một số ngân hàng cỡ vừa như LPBank, MSB ghi nhận dòng tiền gửi CASA tốt từ các doanh nghiệp lớn.

Nhìn chung, các ngân hàng duy trì đủ lượng tài sản thanh khoản và sẽ huy động thêm trái phiếu dài hạn để bổ sung nguồn vốn và duy trì dưới mức giới hạn quy định về vốn ngắn hạn cho các khoản vay trung và dài hạn (SMLR) là 30%.

Theo VIS Ratings, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của các ngân hàng 3 tháng đầu năm cải thiện nhẹ lên 1.6% từ 1.5% tính trong quý I/2024 do chi phí tín dụng thấp hơn và biên lãi ròng (NIM) cải thiện. Lợi nhuận cao hơn dẫn đến tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình của ngành tăng 0,3% so với cuối năm 2023 lên mức 8.9% tính tới cuối tháng 3/2024. 

 Lợi nhuận của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2024 nhờ điều kiện hoạt động trong nước tốt hơn và lãi suất thấp hỗ trợ khả năng trả nợ của người đi vay và NIM cải thiện hơn. Nguồn vốn và thanh khoản sẽ duy trì ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi theo kịp tăng trưởng cho vay và các ngân hàng tăng nguồn vốn dài hạn. 

Tăng trưởng tín dụng ngành trong 3 tháng đầu năm 2024 ở mức khiêm tốn 0.26%, với động lực chủ yếu từ cho vay doanh nghiệp lớn của một số ngân hàng tư nhân. Các ngân hàng này ghi nhận ROAA cao hơn từ NIM cải thiện (ví dụ: Techcombank, LPBank, HDBank), hoặc thu nhập từ đầu tư và phí cao hơn cũng như chi phí vốn thấp hơn (ví dụ: TPBank).

Ngược lại, một số ngân hàng như VIB ghi nhận khả năng sinh lời yếu hơn do tăng trưởng cho vay chậm và NIM bị thu hẹp.

ROAA của VietinBank và MB cũng giảm do nợ quá hạn và chi phí tín dụng cao hơn. Trong các quý tới, nhu cầu tín dụng sẽ dần tăng và NIM sẽ cải thiện so với mức năm 2023, từ đó thúc đẩy ROAA của các ngân hàng tăng dần.

 Tuần “rớt thảm” của vàng trên toàn cầu
Giá vàng thế giới bốc hơi 100 USD/ounce tuần qua từ mức đỉnh vừa xác lập (2.449 USD/ounce), sàn vàng Thượng Hải cũng ghi nhận bước sụt giảm mạnh. Tương tự, thị trường vàng trong nước đã có tuần giảm thứ hai liên tiếp, dù mức giảm khiêm tốn hơn.
Bất ngờ giao dịch thăng hoa, thậm chí xác lập kỷ lục giá mới trong những giờ giao dịch đầu tiên của tuần mới, vàng nhanh chóng quay đầu trong cả tuần vừa qua. Khép lại tuần vừa qua, giá vàng thế giới giao ngay đóng cửa tại 2.333,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York không chênh lệch quá nhiều, giao dịch ở mức 2.335,2 USD/ounce.
Từ đỉnh cao mới, vàng thế giới xuống vùng thấp nhất kể từ ngày 10/5.

Tương tự, tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải - sàn giao dịch vàng vật chất lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất châu Á, giá vàng sau khi lập đỉnh mới hôm 19/5 (gần 575 nhân dân tệ/gram) đã quay đầu giảm còn 550,6 nhân dân tệ/gram, tương ứng giảm hơn 4,2% chỉ trong vòng vài ngày.

Đà giảm có phần khiêm tốn hơn tại Việt Nam. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng SJC đóng cửa ở mức 87,5 triệu đồng/lượng (mua vào ) và 89,5 triệu đồng/lượng (bán ra); lần lượt giảm 200.000 đồng/lượng và 900.000 đồng/lượng trong cả tuần. Do chấp nhận giá bán ra thấp hơn, chênh lệch giá mua – bán đối với vàng miếng SJC do đó thu hẹp về còn 2 triệu đồng/lượng.

Cũng trong tuần qua, NHNN đã đấu thầu tổng cộng 21.300 lượng vàng trong hai phiên 21/5 và 23/5. Tương ứng, với giá trung bình quanh 89 triệu đồng/lượng, bên mua chi trả hơn 1.895 tỷ đồng. Cú rơi sâu của giá vàng đặc biệt ở hai ngày cuối tuần đã khiến giá vàng có tuần giảm thứ hai liên tiếp.Vàng miếng đang ở mức giá thấp nhất kể từ ngày 14/5.

Dù vậy, do giảm chậm hơn các thị trường khác, khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi hiện vẫn quanh 17 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân kéo cả thị trường vàng đi xuống các ngày qua tiếp tục đến từ kỳ vọng của các nhà đầu tư liên quan đến động thái điều hành lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Số liệu kinh tế của Mỹ công bố gần đây cho thấy hoạt động kinh doanh tại Mỹ đã cải thiện. Chỉ số PMI tổng hợp sơ bộ tháng 5 của Mỹ đã tăng hơn 3 điểm lên 54,4, cao nhất kể từ tháng 4/2022, vượt mọi ước tính của các nhà kinh tế. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ít hơn dự kiến, tiếp tục cho thấy sức mạnh của thị trường lao động.Cùng đó, biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed công bố tuần vừa qua cũng tiết lộ những lo ngại của các quan chức Fed về diễn biến lạm phát. Các số liệu gần đây không đủ để củng cố niềm tin rằng lạm phát có thể hướng đến mục tiêu 2%. Một số quan chức đề cập đến khả năng tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn tiếp tục.

Kỳ vọng trên cũng ảnh hưởng đến sức mạnh của USD và đặt lên áp lực nặng nề hơn đối với hoạt động điều hành tỷ giá. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ mạnh đóng cửa tuần qua ở mức 104,75 điểm.  

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết áp lực đối với tỷ giá các tháng qua đến từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng cùng những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước.

Trong đó, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Có thời điểm chỉ số DXY tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, bao gồm cả đồng nội tệ của Việt Nam.

Thứ hai, từ đầu năm đến giữa tháng 5 năm 2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.

Thứ ba, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại; trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống TCTD, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, theo ông Quang, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

“Tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đưa ra dự báo.

Cũng theo ông Quang, tỷ giá đang chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế lẫn một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường. Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. Thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường.

Trong tuần qua, ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm tổng cộng 25 đồng/USD, lên 24.264 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên trước. Sau một tuần liên tục tăng, tỷ giá trần đã nới lên 25.477 đồng /USD.

Cơ chế tỷ giá trung tâm với mức trần tối đa vẫn đang là công cụ ghìm chân đà tăng của tỷ giá tại các ngân hàng thương mại. Hầu hết nhà băng đều yết tỷ giá bán ra cao kịch trần.

Tại Vietcombank, tỷ giá yết ở mức 25.257 đồng /USD (mua chuyển khoản) và 25.477 đồng/USD, tăng 27 đồng/USD so với tuần trước. Khảo sát một số cửa hàng, giá USD trên thị trường tự do đang được thu mua ở mức 25.730 đồng trong khi bán ra khoảng 25.770 đồng.

Khó khăn của doanh nghiệp vàng ra nghị trường
Thời gian gần đây, việc các cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng được cử tri đặc biệt quan tâm. 
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng, theo đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh).

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trình bày một số ý kiến của cử tri về việc quản lý, sản xuất, kinh doanh vàng, đại biểu Trần Hữu Hậu nói, thời gian gần đây, việc các cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng được cử tri đặc biệt quan tâm. Về cơ bản, cử tri rất đồng tình, tuy nhiên có một số vướng mắc cụ thể từ phía các doanh nghiệp và dẫn đến hiện tượng không ít doanh nghiệp đã tạm thời đóng cửa.

Ông Hậu cho biết, vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh đã tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các cơ quan quản lý liên quan, từ đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh đã tổng hợp và gửi một số kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh, tập trung vào 3 nội dung chính.

Thứ nhất, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng. Một số nguyên nhân chính là phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng là doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể, tức là các cửa hàng vàng bạc sang doanh nghiệp theo yêu cầu của Cục Quản lý nhà nước, do đó tài sản hàng hóa, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng. Ví dụ, số vàng của gia đình có khi từ nhiều đời để lại được đưa vào kinh doanh mà không ghi trong vốn, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng không kê khai.

Thứ hai, việc mua vàng lẻ của người dân mang đến bán do thói quen nên doanh nghiệp không kê khai thông tin, mặt khác người dân cũng ngại không cung cấp thông tin cá nhân, do đó để thuận lợi trong việc mua bán, doanh nghiệp không lấy thông tin và cũng không kê khai.

Ngoài ra, vàng mua từ nhiều người dân được doanh nghiệp nấu chung, phân kim thành một cục chung, bây giờ không thể xác định được rõ nguồn gốc mua của vàng. Một thực trạng là nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động theo thói quen của hộ kinh doanh, chưa thực hiện đúng chuẩn mực kế toán dẫn đến tình trạng chênh lệch sổ sách và thực tế, khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý của nhà nước.

Về mặt quản lý nhà nước, đại biểu Hậu cho rằng có thể nói mặc dù đã có những quy định khá rõ ràng và có từ lâu về việc kê khai khi mua bán, nhưng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên cũng khiến cho doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các quy định.

Từ thực trạng đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho theo một thời điểm nhà nước quy định. Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc vàng hiện có, sau thời điểm đó, mọi hàng hóa nhập vào, xuất ra thì doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ các quy định về quản lý liên quan.

Nếu nhà nước cho phép như vậy sẽ tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp và của cả các cơ quan quản lý trong việc xử lý số vàng không chứng minh được nguồn gốc.

Ngoài ra, nhà nước sẽ thống kê được lượng vàng các doanh nghiệp hiện nắm đưa vào kinh doanh, đây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô. Đây là cách nhà nước ta đã từng làm và đã tạo được sự thay đổi căn bản trong quản lý. Ví dụ, nhà nước ta đã công nhận quyền sử dụng đất của người dân, nếu đã sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp trước năm 1993 hay việc cho người dân tự kê khai, đo đạc rồi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vào đầu những năm 2000, ông Hậu phát biểu. 

 Vị đại biểu Tây Ninh cũng nêu một số vướng mắc trong vấn đề nhãn hiệu hàng hóa, đề nghị cơ quan chức năng xem xét. Người dân có nhu cầu về vàng, trang sức có hình dạng, logo của các hãng danh tiếng thế giới. Đề nghị cơ quan chức năng công bố danh mục nhãn hiệu được bảo hộ để doanh nghiệp không vi phạm, đồng thời không xử phạt doanh nghiệp khi chế tác và kinh doanh những nhãn hiệu không đăng ký bảo hộ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mua vàng trang sức do doanh nghiệp khác chế tác từ vàng trang sức còn mới, nếu liên hệ để bán lại cho doanh nghiệp chế tác kinh doanh thì trong nhiều trường hợp rất khó khăn do ở xa và thậm chí không biết ở đâu. Nếu đưa nấu lại thì tăng chi phí và lãng phí. Đề nghị có quy định phù hợp cho kinh doanh trong trường hợp này, ông Hậu nêu quan điểm.

Vấn đề thứ ba được ông Hậu phản ánh là các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều bày tỏ mong muốn tuân thủ pháp luật và đồng tình với việc cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh vàng. Tuy nhiên, trong trường hợp kiểm tra đột xuất cần phải đảm bảo minh bạch và đúng quy định. Nhất là người kiểm tra phải được xác định thực hiện đúng nhu cầu của cơ quan quản lý, không đi lẻ để tránh việc làm tùy tiện, gây khó dễ cho doanh nghiệp, thậm chí, có thể có đối tượng thực hiện giả danh, lừa đảo, ông Hậu phản ánh.

Hồi âm đại biểu ngay cuối phiên thảo luận, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói “liên quan đến nội dung về vàng là vấn đề phát sinh mới ngày hôm nay, đây là những kiến nghị liên quan đến nhiều các bộ, ngành, xin phép cho Ngân hàng Nhà nước và các bộ, các ngành nghiên cứu. Những đề xuất của đại biểu, cử tri thì chúng tôi sẽ có những trả lời bằng văn bản”.

Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: Xử lý phần nổi của tảng băng chìm
Không chỉ xử lý những ngân hàng yếu kém hay xử lý nợ xấu, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn rất cam go, kéo dài, khi vấn đề sở hữu chéo và cho vay sân sau vẫn hết sức phức tạp.
Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đầu tuần này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5. 

Trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (OceanBank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, định giá là cơ sở đầu tiên để hoàn thành bất kỳ một thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) nào. Việc hoàn tất quá trình định giá đồng nghĩa với lộ trình chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ được tăng tốc trong thời gian tới.

Như vậy, sau hơn một thập kỷ tắc nghẽn, việc xử lý các ngân hàng yếu kém bắt đầu có bước chuyển mạnh mẽ.

Tại mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, lãnh đạo các ngân hàng Vietcombank, MB, HDBank, VPBank đều đề cập việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém đã được ngân hàng này hoàn thiện, đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến việc chuyển giao được thực hiện trong năm 2024.

Trong khi đó, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho hay, ngân hàng này mong muốn sẽ chốt thương vụ chuyển giao ngân hàng yếu kém trong năm nay hoặc năm 2025. Hiện phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém đã được MB trình Ngân hàng Nhà nước. 

Trên thực tế, các ngân hàng yếu kém không phải là một món hời, bởi đa phần đều trong tình trạng thua lỗ, nợ xấu lớn. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho rằng, nếu xét ở góc độ tài chính đơn thuần, thì hầu hết các ngân hàng không ‘tha thiết’ tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, bởi các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ lũy kế và đang tiếp tục lỗ. Sở dĩ VPBank tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là do dư thừa nguồn vốn và phải đối mặt với bài toán tăng trưởng quy mô. Việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu sẽ được ưu ái về room tín dụng, cũng như có cơ hội được nới room vốn ngoại.

Ngoài VPBank, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hiện nay (Vietcombank, MB, VPBank, HDBank) đều là các ngân hàng có tiềm lực vốn lớn, bảng cân đối tài sản lành mạnh, hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả. Việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém chủ yếu là vì nhiệm vụ chính trị và mục tiêu tăng trưởng lâu dài. 

Mặc dù đánh giá cao bước chuyển mới về tái cơ cấu ngân hàng yếu, song các chuyên gia cho rằng, xử lý ngân hàng yếu chỉ là xử lý phần nổi của tảng băng chìm. Gốc rễ gây ra tình trạng ngân hàng yếu kém vẫn còn đó, đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau của ngân hàng, tình trạng nền kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng quá sớm. Các ông chủ ngân hàng - đa phần cũng là các ông chủ tập đoàn bất động sản - chủ yếu rót vốn cho các công ty sân sau, các Dự án bất động sản. Điều này dẫn tới Việt Nam  không thể dồn nguồn lực tài chính cho công nghiệp, nông nghiệp, trong khi thị trường bất động sản luôn tăng trưởng nóng, thường xuyên rơi vào tình trạng đầu cơ.  

Báo cáo tại Quốc hội đầu tuần này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra thực trạng là, nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tình trạng sở hữu chéo dù giảm trên giấy tờ, song thực chất vẫn ăn sâu, bám rễ và ngày càng tinh vi khiến việc xử lý vô cùng khó khăn. TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sở hữu chéo khiến xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng kéo dài, khó xử lý dứt điểm.

Nói cách khác, tái cơ cấu ngân hàng không chỉ là xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém, mà còn phải tái cấu trúc cả dòng vốn tín dụng toàn ngành. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải có cơ chế phù hợp để khuyến khích các lĩnh vực tín dụng ưu tiên. 

Ngoài ra, tái cơ cấu ngân hàng cũng không thể tách rời tái cấu trúc hệ thống tài chính. Hiện nền kinh tế đang dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, trong khi các kênh khác của thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) vẫn còn phát triển hạn chế. Điều này gây rủi ro cho không chỉ hệ thống ngân hàng, mà cho toàn bộ nền kinh tế.

 
 
Tin liên quan
Tin khác