Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng lậu khiến tỷ giá nóng; Ngân hàng phân trần duy trì lãi vay cao với nợ cũ
Như Loan - 17/03/2024 07:52
Tỷ giá tiếp tục nóng, lãi suất cho vay với khoản vay cũ vẫn ở mức cao, chấn chỉnh bán chéo bảo hiểm, tín dụng tiêu dùng kỳ vọng hồi phục, doanh nghiệp và ngân hàng cùng kêu khó về gói 120.000 tỷ... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

 Nợ cũ chịu lãi vay cao: Doanh nghiệp than trời, ngân hàng đổ tại thủ tục

Lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 20 năm qua, song lãi vay với các khoản vay cũ vẫn duy trì ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.

Theo ngân hàng Nhà nước, đến nay, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, lãi suất đối với các khoản vay cũ hiện vẫn còn cao. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay, bản thân ông vẫn đang phải chịu lãi suất cao với các khoản vay cũ trước đây.

“Lãi suất huy động đã giảm mạnh, tại sao các khoản vay cũ vẫn neo lãi suất cao như vậy? Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp “rắn” để các ngân hàng hàng thương mại hạ lãi vay các khoản nợ cũ của doanh nghiệp”, ông Thân đề nghị.

Mặc dù việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào lãi suất cho vay của các ngân hàng là không đúng, song kiến nghị mà doanh nghiệp đưa ra cũng cho thấy, các doanh nghiệp hiện đang rất bức xúc với lãi suất cho vay của các ngân hàng với các khoản vay cũ.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho hay, lãi suất cho vay của Việt Nam đang cao hơn nhiều các đối thủ cạnh tranh, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

“Hiện nay, lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu. Riêng Banglades hiện nay lãi suất khoảng 8%, nhưng họ lại lạm phát trên 10%, nên xét về lãi suất thực dương thì Việt Nam đang là nước có lãi suất thực dương lớn nhất trong các nước xuất khẩu dệt may”, ông Trường cho biết.

Theo Tập đoàn Dệt may, năm 2023, tổng dư nợ vay của Vinatex giảm 11% song chi phí trả lãi ngân hàng của tập đoàn lại tăng tới 10% so với năm 2022 và tăng 30% so với năm 2021. Gánh nặng nợ vay tiếp tục đè nặng sang năm 2024 khi chưa nhìn thấy khả năng chi phí lãi phải trả sẽ thấp đi so với năm 2023.

Từ năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần đề nghị các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất các khoản vay cũ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định lãi suất điều hành. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank lý giải, lãi suất cho vay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Lãi suất huy động thời gian qua đã giảm rất nhiều, song còn một yếu tố nữa ảnh hưởng đến chi phí vốn là thủ tục, chi phí liên quan, điều này khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm nhanh.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (big 4) và các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn với lãi suất cao (10-12%/năm trong năm 2022) đến nay vẫn chậm giảm lãi suất. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giảm lãi suất nhanh hơn. Điều này dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp vay vốn để “đảo nợ”.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, thực tế đang diễn ra hiện nay là giữa các ngân hàng thương mại đang cạnh tranh rất quyết liệt, giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ ngân hàng khác. Vì vậy, khả năng doanh nghiệp đang chuyển dịch từ vay ngân hàng này sang ngân hàng khác, hoặc đảo nợ cũ thành nợ mới có lãi suất thấp hơn. Điều này cũng lý giải cho việc, mặc dầu doanh số cho vay tăng nhưng dư nợ vẫn giảm.

“Hiện nay, đã có những doanh nghiệp đang được vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động và không loại trừ có doanh nghiệp đang vay ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác”, ông Phạm Đức Ấn nêu lên thực tế.

Áp lực tỷ giá trong ngắn hạn

Tỷ giá tăng nhẹ thời gian gần đây được cho là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa điều chỉnh lãi suất USD và giá vàng trong nước luôn “neo” cao hơn giá vàng quốc tế…

Sau khi tăng nhẹ, giá USD đã nhanh chóng hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 13/3 ở mức 23.957 đồng, tăng 2 đồng so với ngày 12/3. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD đồng loạt đi ngang, Vietcombank giữ nguyên giá mua 24.430 đồng, bán ra 24.800 đồng; Eximbank duy trì giá mua 24.410 đồng, bán ra 24.800 đồng... Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm mạnh còn 25.300 - 25.500 đồng.

Giá USD trên thị trường thế giới vẫn đứng ở mức thấp khi chỉ số USD-Index xoay quanh 102,49 điểm, không thay đổi nhiều gần đây. Đáng chú ý, theo báo cáo mới được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố ngày 12/3, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, phù hợp với các dự báo. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 3,2%, cao hơn dự báo 3,1% của các chuyên gia và cũng vượt qua mức 3,1% của tháng đầu năm nay.

Mặc dù lạm phát Mỹ đã giảm đáng kể so với mức đỉnh vào giữa năm 2022, nhưng vẫn đang ở mức cao hơn so với mục tiêu 2% của Fed. Do vậy, những tuần gần đây, các quan chức Fed dự báo sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng cũng thể hiện sự thận trọng về việc đảo chiều chính sách quá sớm nếu lạm phát chưa hạ nhiệt. Cuộc họp chính sách tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ diễn ra vào giữa tuần tới...

Một trong những nguyên nhân kéo tỷ giá giảm, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, là động thái hút tiền về của NHNN, với hơn 30.000 tỷ đồng trong 2 ngày (11 và 12/3) qua tín phiếu. Động thái hút ròng này chủ yếu do thanh khoản của hệ thống khá dồi dào. Đặc biệt, giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm, thậm chí còn âm.

Lãnh đạo NHNN thông tin, tín dụng đến hết tháng 2 giảm khoảng 1%, huy động vốn ước giảm khoảng 0,7%. Do đó, theo đánh giá của TS. Lực, động thái hút tiền về qua kênh đấu thầu tín phiếu nhằm mục tiêu quan trọng là đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn, sát hơn so với lãi suất USD để giảm áp lực tỷ giá.

Theo cuộc họp mới nhất của Fed, lãi suất sẽ chưa giảm ít nhất là cho đến hết nửa đầu năm nay. Việc Fed duy trì lãi suất cao mà lãi suất của Việt Nam quá thấp sẽ gây áp lực đến tỷ giá. Bằng chứng là tỷ giá thời gian qua đã có những biến động, từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 1,5%, thậm chí có thời điểm cao hơn.

Theo phân tích của giới chuyên gia, việc phát hành tín phiếu, hút bớt thanh khoản trên thị trường 2 làm tăng lãi suất VND, giảm áp lực đầu cơ USD trong ngắn hạn, vì lãi suất thấp làm giảm sự hấp dẫn của VND, tăng hấp dẫn của nắm giữ USD. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá thường trực, lãi suất liên ngân hàng được nhận định sẽ khó giảm trở lại mức thấp như giai đoạn cuối tháng 1/2024, thậm chí chịu áp lực tăng khi NHNN đã gọi thầu tín phiếu NHNN.

Các nhà phân tích Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) duy trì quan điểm rằng, việc phát hành tín phiếu của NHNN sẽ không gây ra những cú sốc, hay thay đổi quá nhanh đối với thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng, từ đó sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thay vào đó, biện pháp này được kỳ vọng sẽ phần nào giảm thiếu áp lực tỷ giá vốn luôn thường trực trong thời gian gần đây, khi VND đã giảm giá 1,6% so với USD từ đầu năm.

Ông Jang Young Jin, Giám đốc Bộ phận Nguồn vốn và Giao dịch toàn cầu, Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh vào đầu năm do các yếu tố liên quan đến dịp Tết Nguyên đán, giá dịch vụ giáo dục, y tế, điện và nhiều mặt hàng đầu vào của sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến yếu tố mùa vụ sẽ được giải quyết và việc ổn định giá cả vẫn tiếp tục diễn ra trên toàn cầu, Chính phủ cũng đang nỗ lực bình ổn giá.

Hơn nữa, theo ông Jang Young Jin, việc NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt và duy trì sự ổn định của VND là một trong những nỗ lực của Chính phủ, nhằm tránh gây áp lực về giá cho các doanh nghiệp nhập khẩu và ảnh hưởng đến lạm phát trong nước. Vì vậy, Ngân hàng Shinhan Việt Nam dự báo, lạm phát trung bình cho cả năm 2024 sẽ duy trì ở mức khoảng 4%, nằm trong mục tiêu đề ra.

Các chuyên gia Ngân hàng UOB cho rằng, USD/VND đã giao dịch lên mức cao mới 24.700 đồng/USD vào cuối tháng 2/2024 cùng với sự mạnh lên đáng kể của USD so với các đồng tiền châu Á. Bất chấp sự suy yếu trong ngắn hạn của VND, kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam (dự báo năm 2024 là 6,0% so với 5,05% vào năm 2023) và đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định VND.

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, sự phục hồi tiếp theo của nhân dân tệ - VND thường có cùng xu hướng - cùng với sự suy yếu của USD trước đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 6/2024 sẽ mang lại sự phục hồi nhẹ cho VND. 

Hạ giá USD, ngăn đầu cơ tỷ giá

Đà tăng USD trên thị trường tự do đang phả sức nóng lên thị trường chính thức tại các ngân hàng thương mại. Tỷ giá USD bán ra tại Vietcombank sáng nay vượt 24.900 VND/USD dù NHNN đã phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu trong 4 ngày qua.

Hạ nhiệt vài ngày gần đây, tỷ giá tại các ngân hàng và giá USD trên thị trường tự do lại tăng đáng kể trong phiên 15/3. Một phần nguyên nhân cũng đến từ diễn biến của USD trên thế giới. Chỉ số US Dollar Index (DXY) hiện giao dịch ở mức 103,4 điểm, tăng 0,71% so với mức đáy của tháng xác lập tròn một tuần trước. Cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng 3 đang gần kề với nhiều thông tin được chờ đợi sẽ công bố vào rạng sáng thứ Năm tuần sau.

Lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng lên 3,2% trong tháng trước, tăng so với tháng trước và cao hơn kỳ vọng của các chuyên gia. Điều này cũng ủng hộ thêm cho sự thận trọng của Fed  quyết định cắt giảm lãi suất. Trọng tâm được chờ đợi tại cuộc họp tới là quan điểm của các quan chức Fed, liệu có tiếp tục ủng hộ kế hoạch 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không.

Theo cập nhật mới nhất từ CME Group, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp điều hành chính sách tiền tệ thứ Năm tuần tới (21/3) gần như chắc chắn với tỷ lệ đặt cược lên đến 99%. Tuy nhiên, đối với cuộc họp vào tháng 6/2024, tỷ lệ đặt cược vào khả năng cơ quan này giữ nguyên lãi suất đang tăng lên từ 34,8% lên trên 40%. Dù vậy, các nhà giao dịch vẫn đặt cược nhiều nhất vào khả năng Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản (54,5%).

Ngân hàng Nhà nước sáng nay yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.979 VND/USD, tăng 12 VND/USD so với hôm qua, đồng thời, cũng đánh dấu ngày điều chỉnh tăng thứ 3 liên tiếp. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá tại các ngân hàng giao dịch trong khoảng 22.781 VND/USD - 25.177 VND/USD.

Cập nhật đến đầu giờ chiều nay, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại có dấu hiệu tăng nhiệt từ chiều qua. Phần lớn các nhà băng đã nâng tỷ giá bán ra lên khoảng 24.900 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá tăng 40 VND/USD so với hôm qua, lên mức 24.570 VND  (mua chuyển khoản) và 24.910 VND (bán ra), vượt qua các mốc kỷ lục từng ghi nhân trước đây. Tỷ giá tại VietinBank thấp hơn 7 đồng mỗi chiều. Ở một số ngân hàng tư nhân, tỷ giá thấp hơn nhưng không nhiều, phổ biến ở mức 24.890 VND/USD chiều bán ra.

Khảo sát tại một số cửa hàng, giá USD đang được thu mua ở mức giá 25.480 đồng chiều mua vào và 25.560 đồng chiều bán ra, tăng hơn 100 đồng mỗi chiều so với hôm qua. Dù vậy, giá USD tự do vẫn chưa trở lại mức đỉnh thiết lập đầu tuần.

Dù đã tăng đáng kể tại các nhà băng, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường chính thức và phi chính thức vẫn ở khoảng khá lớn, có thể thúc đẩy hành vi kiếm lời từ chênh lệch giá. Các động thái của Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn sức nóng của tỷ giá đã được thực hiện trong tuần qua.

Từ ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu tín phiếu với giá trị 14.999,8 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày, theo phương thức đấu thầu lãi suất. Lãi suất trúng thầu 1,4%/năm. Số thành viên tham gia các ngày qua đều vượt số thành viên trúng thầu. Tỷ lệ trúng thầu ngày càng cao hơn, đạt 10/11 thành viên tham gia trong ngày 14/3. Các đợt đấu tín phiếu vừa qua đều được tổ chức vào buổi chiều (14h-15h). Cập nhật đến đầu giờ chiều, trang thông tin của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có thông báo chào bán tín phiếu trong ngày hôm nay (15/3). Tính chung trong cả 4 phiên, tổng cộng, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu thu về gần 60.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Dragon Capital nhận định việc phát hành tín phiếu lần này là động thái điều hành cần thiết trong việc hạ nhiệt tỷ giá. Đồng thời, tổ chức này cũng nhấn mạnh động thái trên không mang ý nghĩa của sự thay đổi chính sách tiền tệ.

Theo chuyên gia phân tích từ quỹ này, từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND giảm 1,6%, thấp hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực như JPY (-4,3%), THB (-3,3%), KRW (-2,2%) hay TWD (-2,8%). Các yếu tố về dòng tiền như kiều hối, lượng FDI giải ngân và cán cân thương mại  thặng dư vẫn đang hỗ trợ cho đồng VND.

Tuy vậy, các yếu tố tác động tiêu cực đến tỷ giá cũng được chỉ ra.

“Trong vài tuần gần đây, tỷ giá trên thị trường chợ đen liên tục biến động, lên mức 25.750 VND/USD, ngoài ra, giá vàng miếng lên mức trên 82 triệu đồng/lượng và đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin liên tục lập đỉnh mới. Những yếu tố trên khiến nhu cầu mua USD trên thị trường chợ đen tăng vọt và tạo ra mức chênh lệch gần 4% giữa tỷ giá trên thị trường chợ đen và thị trường liên ngân hàng”. Chuyên gia từ Dragon Capital cũng nhấn mạnh tình hình trên khiến tỷ giá trên thị trường chính thức sẽ dễ tăng khi có dòng tiền ra, nhất là khi hoạt động xuất nhập khẩu đang có những tín hiệu hồi phục tích cực do nhu cầu nhập hàng về để xuất khẩu.

Do đó, quỹ đầu tư này cho rằng mục đích phát hành tín phiếu là nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Dù vậy, về dài hạn, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn đang theo chiều hướng nới lỏng, với ưu tiên là giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp để phục hồi kinh tế. Nhắc lại về đợt phát hành tín phiếu hút tiền năm 2023, chuyên gia từ Dragon Capital cho biết lãi suất vẫn tiếp tục giảm và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào.

Ngoài ra, trên thị trường thế giới, Fed được dự báo đang tiến rất gần đến quyết định cắt giảm lãi suất trong nửa sau năm nay và xu hướng chính sách tiền tệ Nhật Bản thắt chặt trở lại sau nhiều năm có thể làm USD yếu đi. Điều này sẽ gỡ bỏ được áp lực đối với tỷ giá VND và giúp Việt Nam có dư địa để tiếp tục duy trình chính sách tiền tệ nới lỏng.

Mạnh tay chấn chỉnh bán chéo bảo hiểm

Theo “lời hứa” của người đứng đầu Bộ Tài chính, có hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm chấn chỉnh bán bảo hiểm qua ngân hàng, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là một trong các nhóm vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chất vấn Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc vào sáng 18/3 tới.

Khá nhiều lần, những lình xình của thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, đã làm nóng nghị trường. Tại nghị quyết chung của Kỳ họp thứ năm (tháng 6/2023), Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Gửi báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhìn nhận, do phát triển nhanh, thời gian qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Nếu trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua, đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức, mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance). “Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, cần nhìn nhận lại để chấn chỉnh, đưa hoạt động này đúng hướng, lành mạnh.

Ông Phớc cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh bancassurance nói riêng.

Cụ thể, các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đã được bổ sung. Theo đó, các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý phải giải thích rõ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng. Việc tham gia bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức tín dụng hoạt động đại lý.

Các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay, nhằm tránh tình trạng các nhân viên ngân hàng sử dụng quyền xem xét, cấp duyệt khoản vay để gây sức ép buộc người vay mua bảo hiểm.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải ghi âm lại quá trình tư vấn, trong đó có xác nhận của khách hàng về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu tài chính. doanh nghiệp bảo hiểm không được phát hành hợp đồng trong trường hợp nội dung ghi âm không có xác nhận của bên mua bảo hiểm về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.

Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra cũng được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề cập, như trong năm 2022 và năm 2023, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance chiếm 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh bancassurance của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ).

Tuy nhiên, kết quả thanh tra được Bộ trưởng đề cập khá chung chung. Đó là, đã phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance như sai phạm về việc ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.

Qua thanh tra, đã kiến nghị xử lý về tài chính tổng số tiền 21.000 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn.

“Năm 2024, Bộ Tài chính lên kế hoạch thanh tra đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam)”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Là đại biểu từng mạnh mẽ đề nghị cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại khi sửa Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho biết, sau khi quy định này được đưa vào luật, tình trạng bán chéo bảo hiểm đã được cải thiện rõ rệt. “Cho phép bán bảo hiểm qua ngân hàng là một lỗ hổng của pháp luật, đây là việc làm thể hiện lợi ích nhóm, chứ không có lợi gì cho khách hàng”, ông Thịnh nhận định.

Bên cạnh cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng, để thị trường bảo hiểm hoạt động lành mạnh hơn, theo đại biểu Thịnh, cần tăng cường sự minh bạch và có cơ chế hiệu quả tiếp nhận ý kiến của khách hàng để xử lý kịp thời khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ở góc độ quản lý nhà nước, cần có đủ số liệu và số hóa dữ liệu về thị trường bảo hiểm giúp cho việc phân tích, đưa ra chính sách kịp thời. 

Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. “Hủy năm đầu đồng nghĩa khách hàng mất không số phí đã nộp, hủy ở năm thứ hai cũng chỉ được chi trả 10%, như thế rõ ràng là có sự không tự nguyện của người mua. Nếu cơ quan quản lý có đủ dữ liệu thì sẽ thấy ngay vấn đề và có phản ứng chính sách phù hợp”, ông Thịnh phân tích. 

Nhiều ngân hàng chia cổ tức ở mức cao

Đón đầu mùa đại hội cổ đông thường niên ngành ngân hàng 2024, các nhà băng bắt đầu công bố chính sách cổ tức chia cho cổ đông năm nay ở mức cao bằng cổ phiếu và tiền mặt.

Cụ thể, VIB vừa công bố loạt tài liệu cho ĐHĐCĐ thường niên 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 2/4. ĐHĐCĐ dự kiến sẽ nghe các báo cáo, thảo luận thông qua báo cáo và đề xuất của HĐQT và Ban Kiểm soát.

Theo đề xuất của HĐQT, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (CBNV) với tỷ lệ 0,44%. 

Theo đó, ngân hàng này sẽ chia cổ tức theo hai đợt, lần thứ nhất tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6% và lần thứ hai là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng.

Việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 đã được ĐHĐCĐ VIB phê duyệt vào cuối năm 2023 và đã chi trả vào ngày 21/2/2024. Hiện vẫn chưa có đề xuất về thời điểm cụ thể chi trả cổ tức lần 2. Sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền, lợi nhuận còn lại của VIB là hơn 4.483 tỷ đồng.

Ngoài việc chia cổ tức bằng tiền mặt, HĐQT VIB cũng đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên Ngân hàng. 

Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 17%, giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 4.312,6 tỷ đồng. Ngoài ra, VIB cũng phát hành 11,1 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,44%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 110,6 tỷ đồng. 

Cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng, trong khi cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Tổng cộng, sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn 17,44%. 

Tương tự, ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024.

Theo ACB, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm tăng thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các Dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính.

Nam A Bank (mã NAB) sẽ tiến hành đại hội cổ đông vào ngày 29/3 tới trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh 2024 và kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh. Về kế hoạch tăng vốn, năm nay, Nam A Bank đặt mục tiêu tăng vốn lên trên 13.700 tỷ đồng và mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Ngân hàng đã phát hành hơn 211,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, với tỷ lệ 25%, qua đó, đưa vốn điều lệ từ mức 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng.

Phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 của Nam A Bank, cụ thể, Ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 3.145 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức trên 10.580 tỷ đồng lên mức 13.725 tỷ đồng.

Cụ thể: tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận chưa phân phối) với hơn 2.645 tỷ đồng, tương ứng trên 264,5 triệu cổ phần; và tăng vốn từ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động của Nam A Bank (ESOP) là 500 tỷ đồng, tương ứng phát hành 50 triệu cổ phần.

HĐQT Nam A Bank cho biết, việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi đã thực hiện tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. HĐQT trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 giao HĐQT tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tăng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn điều lệ.

Mục tiêu tăng vốn được nhà băng này cho hay, nhằm tăng cường năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động ngân hàng như mua sắm, đầu tư tài sản cố định; cải tiến cơ sở vật chất; nâng cao công nghệ ngân hàng; phát triển nguồn nhân lực..

Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có ngân hàng nói "không" với cổ tức trong năm 2024. Cụ thể, trong tờ trình về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2023, HĐQT ABBank cho biết, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2023 là 398,2 tỷ đồng.

Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 298,7 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là 1.542 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 1.840,7 tỷ đồng. HĐQT có đề xuất sẽ để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Trước đó, trong năm 2023, ABBank đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.530 tỷ đồng. Giai đoạn ba năm 2021 đến 2023, ngân hàng đều liên tục nâng vốn điều lệ. 

Vay từ 100 triệu đồng trở xuống không phải chứng minh mục đích sử dụng vốn

Dự thảo quy định mới của NHNN cho phép với các khoản vay nhỏ (từ 100 triệu đồng trở xuống), khách hàng không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (TCTD).

Đáng chú ý, Thông tư có quy định về khoản vay có mức giá trị nhỏ: là khoản cho vay theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Các tổ chức tín dụng và không vượt quá 100.000.000 (một trăm triệu) đồng Việt Nam.

Liên quan đến quy định về khoản cho vay có mức giá trị nhỏ: Luật Các TCTD năm 2024 có điều khoản về sửa đổi, bổ sung quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ.

 Theo đó, tại dự thảo Thông tư, NHNN đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để đồng bộ với các quy định tại Luật Các TCTD năm 2024; trong đó, dưới giác độ thận trọng, NHNN đề xuất đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ không vượt quá 100 triệu đồng, khách hàng không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi, thông tin về người có liên quan.

Thay vào đó, Thông tư quy định, các TCTD có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận, việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Quy định này phù hợp với đặc thù các khoản cho vay nhỏ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục đơn giản hơn, góp phần mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó hạn chế “tín dụng đen”.

Trước đó, NHNN cũng ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, cho phép các ngân hàng được cho vay bằng phương tiện điện tử (online), đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác cho phù hợp với hình thức cho vay online. Theo đó, tổ chức tín dụng  tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, xem xét, quyết định thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử theo quy định tại Thông tư. Các TCTD phải có giải pháp, công nghệ kỹ thuật để nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có).

Việc hợp thức hóa cho vay bằng phương tiện điện tử và tới đây là không bắt buộc khách vay phải chứng minh mục đích sử dụng vốn với khoản vay nhỏ lẻ sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn, đơn giản hóa thủ tục, góp phần chống tín dụng đen.  

Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng hồi phục

Cầu tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng hồi phục trong năm nay, sau khi trải qua một năm giảm do kinh tế đi xuống, sức mua chậm, nợ xấu tiêu dùng tăng...

Mặc dù FE Credit chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2023, song theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS), lũy kế cả năm 2023, FE Credit ghi nhận thu nhập hoạt động đạt 17.756 tỷ đồng, giảm 13,8% so với năm 2022 và lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng. Song công ty tài chính trên đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế dương trong 2 quý liên tiếp và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy.

Cụ thể, MBS cho biết, trong quý IV/2023, FE Credit ghi nhận 4.234 tỷ đồng thu nhập hoạt động, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 0,6% so với quý liền trước. Mức giảm này đã cải thiện rất đáng kể so với mức giảm 15,4% và 27,1% so với cùng kỳ năm 2022 trong quý II và quý III/2023. Trong khi đó, chi phí hoạt động trong quý giảm 32,8% so cùng kỳ năm 2022 và giảm 10,2% so với quý trước.

Đáng chú ý, quý IV/2023 là quý thứ 2 liên tiếp FE Credit ghi nhận chi phí trích lập giảm so với cùng kỳ năm 2022 - đạt 2.162 tỷ đồng, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 1,7% so với quý trước. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý này của Công ty đạt mức 208 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận khoản lỗ 1.774 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của VietCredit ghi nhận, lợi nhuận sau thuế quý này ở mức 155,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 20,3 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao kỷ lục của Công ty. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng lợi nhuận không đến từ mảng kinh doanh chính, mà nhờ khoản thu bất thường từ xử lý nợ xấu.

Trong bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng tiếp tục gặp khó khăn, thu nhập lãi thuần quý IV/2023 của VietCredit giảm 53,5%, xuống 158,2 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh khác lại ghi nhận tăng đột biến, mang về hơn 404 tỷ đồng, tăng 804,5%, giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) của VietCredit vọt lên 548,6 tỷ đồng, tăng 47,7%.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, phần lớn thu nhập đột biến trên đến từ hoạt động xử lý nợ xấu, với 400 tỷ đồng trong năm 2023. Ngoài ra, chi phí hoạt động giảm 14,6%, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng tới 112,8% so với cùng kỳ, đạt 386,4 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, do kết quả không khả quan trong hai quý trước đó, lợi nhuận trước thuế cả năm của VietCredit vẫn giảm 66,1%, còn 25,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VietCredit đã tăng 4,9% so với đầu năm, đạt 6.852 tỷ đồng; số dư cho vay khách hàng tăng 4,6%, lên 4.621 tỷ đồng. Sau khi gia tăng trong 4 quý liên tiếp, nợ xấu của VietCredit đã đạt đỉnh vào cuối quý IV/2023, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 18,47%.

Theo đánh giá của MBS, chất lượng tài sản của FE Credit đã cải thiện đáng kể và có dấu hiệu tạo đáy kể từ quý II/2023 (nợ xấu và nợ nhóm 2 đạt lần lượt 28,4% và 10,3%). Tuy nhiên, việc FE Credit ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế dương trong 2 quý liên tiếp và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy cho thấy, áp lực trích lập trong những quý tiếp theo sẽ giảm dần.

Ngoài ra, đà giảm của tăng trưởng dư nợ bắt đầu chậm lại và tạo đáy trong quý III/2023 gia tăng thêm kỳ vọng FE Credit có thể lấy lại đà tăng trưởng dương trong năm 2024 và đóng góp đáng kể vào khả năng sinh lợi của VPBank. MBS dự báo, dư nợ của FE Credit có thể đạt 16,1% trong năm 2024. Giới phân tích dự báo, hoạt động FE Credit sẽ dần ổn định từ nửa cuối năm 2023 và bắt đầu hồi phục từ năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cho vay nhìn chung sẽ chậm lại so với giai đoạn trước và được tập trung vào khách hàng sẽ ít rủi ro hơn.

Ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc VietCredit cho biết, hiện có phân khúc cho vay tiêu dùng sáng, có phân khúc sẽ yếu đi. Trong đó, phân khúc thẻ tín dụng, nhất là thẻ tín dụng nội địa sẽ tăng trưởng tốt. Phân khúc cho vay tiêu dùng mua thiết bị phục vụ nhà cửa, đời sống, mua xe hai bánh, điện thoại sẽ khó tăng trưởng hơn.

Theo ông Hải, với các dự báo kinh tế dần hồi phục và tăng kích cầu tiêu dùng nội địa để đẩy sức mua, các công ty tài chính có kế hoạch đẩy mạnh cho vay trong năm 2024, với mức tăng khoảng 30-40%. Nhưng ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp tăng trưởng tín dụng theo các tiêu chí đã định ở mức 14%.

Dù thị trường còn khó khăn, song với chủ trương đẩy mạnh tiêu dùng, trong đó có cả tín dụng, nhằm tăng sức mua…, tín dụng ở phân khúc này được kỳ vọng cải thiện. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN cho hay, ngân hàng và công ty tài chính cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song cần kiểm soát rủi ro nợ xấu.

Trước đó, NHNN đã có Văn bản 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với khó khăn của thị trường, thì tình trạng bùng nợ khiến các công ty tài chính “chùn tay”.

Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro FE Credit cho hay, FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đang đối mặt với một vấn đề nan giải trong công tác thu hồi nợ. Với tỷ lệ khách hàng vay mà không trả gia tăng nhanh chóng, trong khi chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao.

Vàng lậu là thủ phạm đẩy tỷ giá tăng cao?

Nhiều chuyên gia cho rằng, cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng phi chính thức là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng thời gian qua.

Sáng nay, giá USD trên thị trường tự do đang ở quanh mốc 25.500 đồng/USD, tăng 3,3% so với đầu năm. Trước đó, trong năm 2023, USD trên thị trường tự do tăng 4,2%.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn tiếp tục neo ở mốc 24.820 đồng/USD (bán ra), tăng 1,32% so với đầu năm.

Trước diễn biến nóng lên của tỷ giá, NHNN đã có động thái hút tiền về. Trong hai phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã hút ròng gần 30.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng qua kênh tín phiếu.  

Theo chuyên gia phân tích Nguyễn Đức Hùng Linh, lý do chính làm tỷ giá tăng là lãi suất VNĐ đang ở mức rất thấp, làm giảm sức hấp dẫn của đồng VND, tăng hấp dẫn của nắm giữ USD. Thêm vào đó, chênh lệch giá vàng lớn và nhập khẩu tăng hai tháng đầu năm đã khiến tỷ giá chịu nhiều áp lực.

Trước đó, trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP chứng khoán VPBankS cũng cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ giá nóng lên đầu tiên là do chênh lệch lãi suất VND-USD kéo dài ở mức rất cao dẫn tới tâm lý đầu cơ vào ngoại tệ. Thứ hai, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ở mức  cao, tạo ra nhu cầu ngoại tệ rất lớn để nhập khẩu vàng, gây ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá. Thứ ba, việc nhà đầu tư nước ngoài rút bớt vốn trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm ngoái cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu USD trên thị trường căng thẳng hơn.

Theo Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới vài năm gần đây, năm ngoái, Việt Nam tiêu thụ khoảng 55,5 tấn vàng. Lượng vàng khai thác trong nước mỗi năm chỉ vài tấn, như vậy đa phần nhu cầu vàng trên thị trường được đáp ứng thông qua việc thu mua từ người dân và vàng nhập từ con đường không chính ngạch, trong đó có cả nhập lậu.

“Hàng năm nước ta phải chi hàng tỷ USD để nhập lậu vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn duy trì ở mức 15-20 triệu đồng/lượng càng kích thích nhập lậu vàng, gây áp lực lớn lên tỷ giá”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết.

Để ổn định tỷ giá, theo các chuyên gia, nhà điều hành có 2 lựa chọn: Một là bán ngoại tệ ra để bình ổn thị trường, hai là tăng lãi suất tiền đồng. Động thái của nhà điều hành cho thấy, cơ quan này đã chọn giải pháp thứ hai.

Động thái hút ròng tiền của NHNN trong hai phiên giao dịch gần đây đã giúp tỷ giá hạ nhiệt nhẹ. Thời gian tới, diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc rất lớn vào động thái của Fed và các chính sách điều hành, quản lý thị trường vàng của Chính phủ.

Dù cầu ngoại tệ tăng, song nếu cung ngoại tệ vẫn được duy trì tốt nhờ các nguồn xuất khẩu, kiều hối, giải ngân vốn FDI… như thời gian qua, tỷ giá sẽ không gặp phải cú sốc nào lớn trong năm nay.

Gói 120.000 tỷ: Doanh nghiệp than khó vay, ngân hàng phân trần mòn mỏi tìm khách

Chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho biết tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ không dễ dàng trong khi ngân hàng lại khẳng định mòn mỏi tìm khách vay, thậm chí đã ký hợp đồng tín dụng nhưng doanh nghiệp vẫn “không thèm” giải ngân.

Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư diễn ra sáng nay (12/3), NHNN cho biết, tính đến nay, mới 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình 120.000 tỷ với 68 dự án.

Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là: Hà Nội (6 dự án), Thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...Trong số 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 Dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng ; trong đó, có 10 Dự án có nhu cầu giải ngân bao gồm: 7 Dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng và đã được giải ngân 640 tỷ đồng; cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng. Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng. Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.

Giải ngân gói 120.000 tỷ đồng còn khiêm tốn, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là do các địa phương thiếu nguồn đất sạch, thủ tục vay vốn ngân hàng quá lâu.

Đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng cũng cho rằng, thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc. Lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng còn cao (không thấp hơn lãi suất bình thường trên thị trường).

Về lãi suất, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng - doanh nghiệp chuyên làm dự án nhà ở xã hội lại kiến nghị, có thể nhích lãi suất cho vay với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án lên 9-9,5%/năm nhưng giảm lãi suất cho vay với người dân xuống 6%/năm để hỗ trợ người mua nhà. Vì lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ hiện nay vẫn còn cao so với thu nhập và khả năng trả nợ của các đối tượng mua nhà ở xã hội.  Cũng theo ông Toàn, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp, cần đơn giản hóa hơn.

Trong khi doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn thì nhiều ngân hàng thương mại lại khẳng định đang mòn mỏi tìm khách hàng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng với hạn mức tín dụng khá lớn, song khách hàng vẫn chưa thèm giải ngân.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)  cho hay, tính từ đầu năm đến nay, tín dụng của BIDV vẫn âm hơn 1%, ngân hàng đang “đỏ mắt tìm khách hàng”.

Riêng với gói 120.000 tỷ đồng, BIDV đã tiếp cận 8 dự án, phê duyệt phê duyệt 4 dự án với tổng dư nợ gần 1.000 tỷ đồng song đến nay mới giải ngân hơn 96 tỷ đồng, nguyên nhân là các doanh nghiệp muốn thực hiện dự án bằng vốn tự có trước, chưa muốn dùng đến vốn vay ngân hàng.

Tương tự, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 dự án nhà ở xã hội, cam kết cho vay 2.500 tỷ và đã giải ngân 400 tỷ. Hiện ngân hàng đang tiếp cận 5 dự án mới với tổng số tiền khách hàng vay khoảng 2.000 tỷ.

Theo bà Bình, một trong các nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ giải ngân chậm là nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý, đối tượng mua nhà ở xã hội quá hẹp.

Đây cũng là tình trạng gặp phải tại nhiều ngân hàng, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đơn cử, BIDV từng rót vốn cho Tập đoàn Lan Hưng thực hiện một dự án nhà ở xã hội ở Thuận Thành (Bắc Ninh), song dự án thực hiện xong không bán được vì Sở Xây dựng chỉ cho phép công nhân tại huyện Thuận Thành được mua. Cuối cùng, hàng trăm hồ sơ đăng ký mua không được chấp thuận trong khi chủ đầu tư buộc phải xin ngân hàng cơ cấu nợ nhiều lần vì nhà không bán được.  

 Đại diện BIDV mong mỏi Bộ Xây dựng và các bộ ngành, địa phương tháo gỡ thủ tục pháp lý về dự án cho doanh nghiệp, mở rộng đối tượng thuê mua nhà ở xã hộ để ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm đầu tư vốn.  

Liên quan đến đề xuất của doanh nghiệp về việc giảm thêm lãi suất, các ngân hàng thương mại cho biết, nguồn vốn để duy trì gói 120.000 tỷ hiện nay là nguồn lực của chính các ngân hàng thương mại, không phải vốn hỗ trợ từ ngân sách. Trong bối cảnh xu hướng lãi suất chưa rõ ràng, kéo dài thời gian ưu đãi lãi suất lên 5 năm sẽ rủi ro cho ngân hàng. Do đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu cơ chế hỗ trợ lãi suất hoặc chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 2% (40.000 tỷ đồng) sang hỗ trợ nhà ở xã hội.  

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đang đề nghị các địa phương báo cáo về việc thực hiện gói 120.000 tỷ đồng để tìm ra các khó khăn cùng tháo gỡ giải quyết. Đồng thời, Bộ sẽ trao đổi với Ngân hàng Nhà nước để rà soát xem trong quá trình vay vốn chủ đầu tư, người mua nhà gặp phải những khó khăn để cùng tháo gỡ.

Tin liên quan
Tin khác