Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,50 - 67,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước cao hơn khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng bất ngờ đảo ngược xu hướng giảm và hồi phục lên trên mốc 2.000 USD/ounce sau khi chạm mức đáy thấp nhất hai tuần ở mức 1.981 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày hôm nay.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,06% lên 2.006,17 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,06% xuống 2.018,8 USD/ounce.
Giới chuyên gia nhận định, chỉ số DXY hạ nhiệt là nguyên nhân chính khiến giá vàng được định giá bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.
Theo dữ liệu của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, GDP trong quý I/2023 tăng trưởng 4,5%, so với mức tăng 2,2% trong quý IV/2022.
Ngoài ra, một loạt số liệu kinh tế khác cũng gây nhiều sự chú ý. Trong đó, doanh số bán lẻ của nước này tăng vọt 10,6% trong tháng 3, mức cao nhất từ tháng 6/2021 và vượt xa mức dự báo là 7,4%, đóng góp phần lớn là do thị trường mua bán hàng trực tuyến sôi động. Tính chung trong quý I, doanh số bán lẻ tăng 5,8%.
Đầu tư vào tài sản cố định trong ba tháng đầu năm tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, yếu hơn so với mức dự báo 5,7%. Tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối tháng 3 giảm xuống 5,3%, thấp hơn 0,2% so với dự báo. Tuy nhiên, nó vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch COVID-19 là 5%.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tháng 3 lại không được như kỳ vọng, khi chỉ tăng 3,9%, thấp hơn đôi chút so với dự đoán của giới chuyên gia là 4%. Sản lượng công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 2,4% (Trung Quốc thường kết hợp dữ liệu kinh tế cho tháng 1 và tháng 2 để tính đến tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán).
Việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo của các chuyên gia đã tạo ra sức ép không nhỏ đối với chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Không chỉ thế, việc các quốc gia như Trung Quốc và nhiều nước khác đang ngày càng nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào USD đang ngày khiến sự thống trị của đồng USD trong hoạt động thương mại và tài chính quốc tế bị lung lay.
Sau khi đạt mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ vào cuối tháng 9 năm ngoái, chỉ số USD đã giảm hơn 10%, theo FactSet. Hôm 13/4, đồng bạc xanh đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một năm so với đồng euro.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Rabobank cho biết, USD là đồng tiền giao dịch kém nhất trong nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-10) trong tháng qua.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng thách thức mới đối với vị thế của đồng USD là việc Quốc hội Mỹ bế tắc về vấn đề trần nợ công.
Chiến lược gia thị trường hàng hóa tại TD Securities, ông Daniel Ghali phát biểu, thứ mà các nhà giao dịch vàng quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại đó là tốc độ tăng/giảm lãi suất. Thị trường đã có những động thái nhất định để chuẩn bị cho sự cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sớm nhất có thể bắt đầu từ mùa hè này.
Số liệu từ CME FedWatch cho thấy, giới đầu tư đang lựa chọn hơn 84% vào khả năng lãi suất tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 5 và đặt cược 71% vào khả năng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6.
Trong tuần này, giới đầu tư sẽ tiếp tục tập trung vào các bình luận của quan chức Fed trước khi cơ quan này ngừng hoạt động từ ngày 22/4 để chuẩn bị cho cuộc họp diễn ra vào ngày 2-3/5.
Chỉ số DXY đã giảm 0,03% xuống 101,71 điểm.Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 19/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.615 VND/USD, tăng mạnh 38 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.435 - 24.795 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá sáng nay đã giảm nhẹ 10 đồng ở cả hai chiều, yết ở mức 23.350 VND/USD (mua vào) và 23.690 VND/USD (bán ra).