Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng lên cao nhất gần một năm, UBS dự đoán giá vàng có thể đạt đỉnh 2.200 USD/ounce
Phạm Anh - 06/04/2023 09:46
Giá vàng ổn định trên mốc 2.000 USD/ounce sau dữ liệu mới được công bố cho thấy Mỹ đang có dấu hiệu suy thoái. UBS - dự báo giá vàng sẽ đạt 2.200 USD cuối tháng 3/2024.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước thấp hơn khoảng hơn 9 triệu đồng/lượng, thu hẹp khoảng cách nhờ sự đi lên của vàng thế giới.

Sau khi thiết lập mức giá cao nhất kể từ tháng 3/2022, giá vàng thế giới tiếp tục giữ vững phong độ ở trên mức 2.000 USD/ounce. Giới chuyên gia nhận định, trước dữ liệu kinh tế Mỹ mới được công bố có phần yếu kém có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất hoặc thậm chí tạm dừng chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo CME FedWatch, các dự đoán của thị trường vẫn khá ngang ngửa về khả năng Fed tăng 25 điểm cơ bản hoặc giữ nguyên mức lãi suất hiện tại. Tương lai của các đợt tăng lãi suất tiếp theo cũng là điều giới đầu tư chờ đợi dù cuộc họp tới gần tháng nữa mới diễn ra.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay ở mức 2.012,49 USD/ounce, cao nhất trong gần một năm trở lại đây. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2023 trên sàn Comex New York đạt 2.029 USD/ounce.

Mới đây, báo cáo thị trường lao động trong tháng 3 của Mỹ cho thấy nền kinh tế tạo ra 145.000 việc làm, giảm mạnh so với con số 261.000 trong tháng 2 và thấp hơn nhiều mức 210.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Trong quý I/2023, trung bình nền kinh tế Mỹ tạo ra 175.000 việc làm mỗi tháng, giảm từ mức 216.000/tháng trong quý IV/2022 và 397.000/tháng trong quý I/2022.

Trước đó một ngày, số việc làm cần tuyển dụng trong tháng 2 giảm còn 9,9 triệu, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và là lần đầu tiên dưới ngưỡng 10 triệu trong gần hai năm qua. Đây là những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đã bị giảm sút. Thị trường lao động cũng đã giảm nhiệt sau quãng thời gian đẩy mạnh thuê mướn và tăng trưởng tiền lương. Trước viễn cảnh của suy thoái, nhiều khả năng Fed có thể sẽ phải xem xét lại về cuộc chiến chống lại lạm phát. 

Không chỉ thế, báo cáo bảng lương khu vực tư nhân vào tháng 3 cũng thấp hơn so với dự đoán càng làm trầm trọng thêm những lo ngại về thiệt hại kinh tế từ việc tăng lãi suất mạnh từ Fed.

Giới chuyên gia nhận định, dữ liệu kinh tế ảm đạm đã khiến khẩu vị rủi ro của giới đầu tư giảm sút và từ đó dòng tiền tìm đến những loại tài sản trú ẩn an toàn như vàng. UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ dự báo giá vàng sẽ vượt qua mức cao nhất mọi thời đại và đạt 2.200 USD vào cuối tháng 3/2024.

Ngoài ra, giá vàng cũng được thúc đẩy từ sự suy yếu của đồng USD và sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Vị thế của USD đang có dấu hiệu mất chỗ đứng do ngày càng có nhiều quốc gia lựa chọn đồng nội tệ, hoặc một đồng tiền khác để dự trữ và giao dịch. Hai cái tên nổi bật nhất phải kể đến Nga và Trung Quốc do những lo ngại về sự thống trị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu và khả năng “vũ khí hóa” đồng USD của Washington. Kể từ khi Mỹ và các nước phương Tây thiết lập hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga, Moscow và Bắc Kinh đã cùng hợp lực để giảm sự phụ thuộc vào USD và thiết lập cơ chế hợp tác giữa hai nền tài chính.

Sự kiện cho thấy sự lung lay của USD trên hệ thống tài chính quốc tế, đó là Trung Quốc hoàn tất thương vụ mua bán khí hóa lỏng (LNG) với tập đoàn TotalEnergies của Pháp bằng đồng nhân dân tệ vào ngày 28/3. Ấn Độ, quốc gia Mỹ đang muốn thu hút nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng đang rời bỏ đồng bạc xanh. Ngày 2/4, tờ Times of India dẫn lời Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ấn Độ và Malaysia đã có thể sử dụng đồng rupee cho hoạt động thương mại.

Ngày 29/3, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có cuộc thảo luận về việc giảm sự phụ thuộc vào USD, EUR, yen Nhật (JPY) và GBP cho các giao dịch tài chính, và sử dụng đồng nội tệ để thay thế.

Mặt khác, các ngân hàng trung ương (đặc biệt là của Nga và Trung Quốc), đã mua vàng với tốc độ cao nhất kể từ năm 1967. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Nga đang có dự trữ vàng hơn 2.300 tấn (134 tỷ USD), đứng thứ 5 trên toàn thế giới.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã có thời điểm rơi xuống dưới 101 điểm nhưng hiện hồi phục nhẹ.

Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 6/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.601 đồng/USD, giảm 1 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.422 - 24.782 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.280 đồng/USD (mua vào) và 23.620 đồng/USD (bán ra).

Tin liên quan
Tin khác