Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng leo đỉnh lịch sử; gói tín dụng 120.000 tỷ đã tăng lên 145.000 tỷ đồng
H.T - 27/10/2024 08:05
Giá vàng lập đỉnh lịch sử mọi thời đại, tỷ giá nóng trở lại, sở hữu lũng đoạn ngân hàng vẫn phức tạp, tấp nập giãn nợ trái phiếu, chưa đến lúc bỏ room tín dụng.. là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

 

Tỷ giá tăng trở lại do đâu?

Không chỉ USD trên thị trường tự do, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tăng trở lại gần đây.

Cụ thể, NHNN công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với USD hôm nay ở mức 24.260 đồng một USD trong ngày 24/10, tăng 10 đồng so với mức niêm yết hôm 23/10. Với biên độ 5%, các ngân hàng được phép giao dịch trong ngày hôm nay với tỷ giá trần là 25.473 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.047 đồng/USD.

Tỷ giá bán USD tham khảo được Sở Giao dịch NHNN cùng ngày cũng điều chỉnh tăng 10 đồng so với phiên trước lên 25.422 đồng/USD. Trong khi tỷ giá mua USD tham khảo vẫn được duy trì ở mức 23.400 đồng/USD. Giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay tiếp tục đi lên, nhưng mức tăng đã thu hẹp rất nhiều so với hai ngày trước đó.

Giá USD bán ra tại tất cả ngân hàng hôm nay đều tăng thêm 11 đồng và đều được niêm yết ở mức kịch trần cho phép là 25.473 đồng/USD. Đây là phiên thứ ba liên tiếp giá USD bán ra tại kênh ngân hàng tăng lên mức kịch trần.

Cụ thể, Vietcombank đưa giá USD mua vào tiền mặt lên 25.203 đồng/USD trong ngày 24/10, tăng 13 đồng so với sáng qua. Trong khi đó, Sacombank niêm yết giá mua USD lên mức 25.230 đồng/USD, tăng 10 đồng trong ngày 24/10. Eximbank cũng tăng giá USD thêm 20 đồng ở chiều mua, lên mức 25.190 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, dù tăng nhanh nhưng so với mức đỉnh 25.950-26.030 đồng/USD (mua-bán) được thiết lập vào tuần cuối tháng 6 (27/6), giá USD tự do hiện nay vẫn thấp hơn khoảng 230- 250 đồng/USD ở chiều mua và chiều bán.

Theo các chuyên tài chính – kinh tế, sở dĩ tỷ giá tăng trở lại trong tháng 10/2024 (sau khi giảm nhiệt vào giữa tháng 9/2024 - Fed cắt 0,5%) lãi suất vào ngày 19/9) là do chỉ số Dolla Index tăng trở lại gần đây. Một phần, tỷ lệ nhà đầu tư trên thị trường quốc tế (khoảng-14%) cho rằng, khả năng Fed sẽ không cắt thêm lãi suất trong tháng 11/2024. Điều này đã tác động tích cực trở lại với sức khỏe USD.

Trên thị trường quốc tế, giá đồng bạc xanh tăng mạnh trong chiều ngày 24/10 (giờ Việt Nam), chỉ số USD-Index đạt 104,3 điểm. Giá USD ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp khi một loạt dữ liệu kinh tế tích cực đã làm giảm kỳ vọng về quy mô và tốc độ cắt giảm lãi suất từ Fed. Chính điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên cao hơn. Lợi suất trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 3,4 điểm cơ bản, đạt mức 4,24%, gần bằng mức cao nhất trong 3 tháng là 4,26%.

Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam nhận định, kỳ vọng của thị trường gần đây có sự thay đổi, nhất là khi lạm phát của Mỹ vẫn giữ 3,3% trong tháng 9/2024 tăng so với mức 3,2% của tháng 8 trước đó. Lạm phát của Mỹ đã tăng lên từ tháng 3/2023 đến nay, hiện có tăng nhưng cũng chỉ ở mức nhẹ. Một khi lạm phát có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại thị trường cũng sẽ có những dự báo khác nhau, trong đó có việc dự báo Fed sẽ không cắt giảm mạnh 50 điểm % lãi suất như dự báo đưa ra trước đó.

Theo ông Khoa, nếu lộ trình tăng lãi suất của Fed được dự báo chậm lại thì chỉ số Dolla Index sẽ tăng trở lại. Khi Dolla Index tăng, tỷ giá tiền đồng cũng sẽ tăng trở lại và trong tháng 10/2024 tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng cũng như tỷ giá trung tâm đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, dự báo của HSBC, thời gian còn lại của năm khả năng Fed sẽ thêm 2 lần cắt lãi suất USD trong tháng 11 và tháng 12/2024, với mỗi lần cắt 25 điểm %.

Theo kế hoạch Fed sẽ còn cắt giảm thêm 1-2 lần lãi suất USD trong thời gian từ nay đến cuối năm và thêm khoảng 2-3 lần trong năm tới, với mỗi lần giảm khoảng 0,25%. TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, cứ mỗi lần Fed giảm lãi suất, giá trị đồng đôla Mỹ sẽ giảm, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, theo TS Hiếu, hiện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đi dần đi đến hồi kết, nhưng nếu Đảng dân chủ thắng cử sẽ có lợi cho Việt Nam. Còn nếu Đảng cộng hòa thắng cử, tức ông Donal Trump tái đắc cử thì chưa chắc Fed sẽ cắt giảm tiếp lãi suất USD. Bởi nếu Donal Trump tái đắc cử, khả năng sẽ đảo chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Mỹ và lộ trình cắt giảm thêm lãi suất của Fed thời gian tới. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ thanh toán sẽ gia tăng trong mùa cuối năm. 

Đầu tư vào vàng rất rủi ro, dù triển vọng tăng giá

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, vàng thế giới còn triển vọng tăng giá và không loại trừ khả năng tăng lên 3.000 USD/ounce, song việc mua vàng trong nước hiện tại rất rủi ro. 

Thị trường vàng đã được kiểm soát, nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới và khó kiềm chế được giá vàng miếng SJC khi vàng quốc tế tăng cao, thưa ông? 

Giá vàng là một vấn đề rất lớn. Hiện tại, Việt Nam đã kiểm soát giá vàng miếng SJC, nhưng một khi giá quốc tế tăng cao, thì vàng miếng SJC cũng khó đứng yên. Và thực tế trong những ngày vừa qua, khi vàng quốc tế vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce đã đẩy giá vàng miếng SJC lên 87-89 triệu đồng/lượng (mua-bán).

Trong khi đó, vàng nhẫn đang ở giai đoạn biến động tăng cao theo giá quốc tế, do giá vàng nhẫn không bị kiểm soát. Nhưng theo tôi, nếu giá vàng nhẫn quá “sốt” nóng, tác động đến kinh tế vĩ mô, thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đưa vào diện kiểm soát. Thị trường vàng thế giới đang biến động mạnh trước tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Trung Đông.

Vậy theo nhận định của ông, giá vàng sẽ đạt mức nào trong thời gian tới? 

Theo tôi, giá vàng thế giới sẽ còn nhiều triển vọng tăng trong thời gian tới, trước tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới ở khu vực Trung Đông, châu Âu…, trong khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang vào giai đoạn gay cấn. Những yếu tố này tạo sự bất định, khó đoán và các nhà đầu tư chọn vàng là nơi trú ẩn an toàn về tài chính.

Ngoài ra, giá vàng được tính bằng USD. Khi giá trị của USD đi xuống sau động thái giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng giúp giá vàng tăng lên.

Thêm vào đó, mãi lực vàng tăng dịp cuối năm, nên vàng có khả năng đạt mức 2.800 USD/ounce trong năm nay và không loại trừ khả năng lập đỉnh 3.000 USD/ounce trong năm tới.

Việc mua bán vàng miếng được kiểm soát ảnh hưởng đến thị trường, thưa ông?

Thực tế hiện nay, sức cầu về vàng miếng SJC rất lớn, trong khi cung về vàng miếng trên thị trường luôn trong tình trạng khan hiếm, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng thế giới đang ngày càng tăng.

Nếu quan sát, chúng ta có thể thấy, trong tháng 6/2024, khi cơn sốt vàng thế giới tác động đẩy giá vàng miếng trong nước tăng cao, có thời điểm vượt 90 triệu đồng/lượng, đã có tác động lên kinh tế vĩ mô và buộc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát thị trường vàng. Theo đó, “siết” lại nguồn cung vàng miếng SJC, nên khách hàng muốn mua cũng không dễ.

Tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giá vàng miếng SJC xuống, nhưng cung - cầu về vàng SJC không thể cân bằng được. Vả lại, nếu giá vàng quốc tế tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, thì liệu Việt Nam có kìm mãi được giá vàng miếng SJC không? Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cũng nên cân nhắc việc làm sao tạo ra sự cân bằng để kiểm soát tốt hơn.

Vậy có tiền nhàn rỗi có nên rót vốn vào kênh đầu tư vàng lúc này? 

Mặc dù giá vàng quốc tế được dự báo còn triển vọng tăng thời gian tới, song mua vàng trong nước hiện tại rất rủi ro, vì không biết chính sách quản lý thị trường vàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới như thế nào. Chính vì thế, đầu tư vào vàng ở thị trường trong nước hiện nay rủi ro cao, nên các nhà đầu tư và cá nhân cần thận trọng. Nếu có nhu cầu về vàng thì nên mua ít thôi, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, kể cả khi dự báo giá vàng thế giới còn tăng. Thị trường vàng trong nước và quốc tế lâu nay không được liên thông, đồng thời giá vàng SJC đang được kiểm soát, cung luôn thấp hơn cầu. 

Vậy theo ông, trong bối cảnh thị trường hiện nay, nên chọn kênh đầu tư nào hiệu quả hay vẫn gửi ngân hàng để hưởng mức lãi suất khá khiêm tốn?

Lãi suất tiết kiệm luôn thấp hơn so với các kênh đầu tư khác (chứng khoán, vàng, bất động sản) ở thời điểm hiện nay, song an toàn. Trong lúc này, bỏ vốn vào vàng rất rủi ro, trong khi thị trường chứng khoán còn lình xình và bất động sản thì giá ở mức cao và đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Do đó, theo tôi, gửi tiết kiệm lúc này vẫn là lựa chọn của nhiều người, nhất là đối với những người luôn thận trọng với rủi ro cao.

Big 4 ngân hàng ngày càng thụt lùi trong cuộc đua tăng vốn

Đứng đầu về tổng tài sản cũng như thị phần tín dụng, song các ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) đang ngày càng thụt lùi trong cuộc đua tăng vốn. Nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ không đạt an toàn vốn, hạn chế tăng trưởng tín dụng, sụt giảm lợi nhuận.

Giữa tuần này, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Mặc dù tính đến cuối năm 2023, Tỷ lệ An toàn vốn (CAR) của Vietcombank đạt 11,39% (hợp nhất), đảm bảo đúng quy định hiện hành (tối thiểu 8%), song hết sức bấp bênh do phụ thuộc lớn vào phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà Vietcombank đang giữ lại (khoảng 50% vốn tự có), trái phiếu tăng vốn (khoảng 5% vốn tự có).

Trường hợp Vietcombank phải chia cổ tức bằng tiền mặt đối với toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà không được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thì tỷ lệ vốn cấp 1 và CAR giảm xuống mức 5,64% và 6,28%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của Vietcombank do không đảm bảo yêu cầu về an toàn vốn.

Theo báo cáo của Chính phủ, nếu Vietcombank không được tăng vốn, năm 2024, ngân hàng này sẽ chỉ tăng trưởng tín dụng được ở mức 7% (thay vì mức dự kiến 15,93% như hiện tại) để tương ứng với phần vốn tự có giảm (27.666 tỷ đồng). Đồng thời, lợi nhuận trước thuế dự kiến cũng giảm tương ứng với phần giảm quy mô tín dụng (giảm khoảng 4% lợi nhuận).

Không chỉ thiếu vốn năm 2024, Vietcombank còn thiếu hụt tới 118.166 tỷ đồng cả giai đoạn 2024-2026 nếu muốn đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành. Trường hợp Vietcombank không được Quốc hội thông qua phương án tăng vốn, mà phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, thì mức vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024-2026 là 125.435 tỷ đồng. Trường hợp Vietcombank phải trả cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2024, với mỗi 5.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt, thì CAR của Vietcombank giảm 0,25% trong giai đoạn 2024-2026.

Nhiều ngân hàng khác trong nhóm Big 4 cũng đứng trước tình trạng mong manh hệ số CAR, có nguy cơ giảm tốc tăng trưởng tín dụng. Năm 2023, Agribank đã được Quốc hội chấp thuận đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy vậy, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho hay, số vốn này chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ.

Ngoài xin bổ sung vốn từ nguồn ngân sách (qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu), các ngân hàng thương mại nhà nước có rất nhiều giải pháp tăng vốn khác, như phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu huy động vốn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng Big 4, các hình thức này tốn kém và không mấy khả thi trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, với giải pháp phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, cả Vietcombank và BIDV đều đặt kế hoạch chào bán cho đối tác ngoại, với giá trị mỗi thương vụ lên tới hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Công ty chứng khoán MSB, cả hai thương vụ đều phải tạm hoãn.

Vietcombank cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với các dấu hiệu suy thoái, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, các hoạt động mua bán và phát hành cổ phiếu trên thị trường vốn trở nên trầm lắng. Việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu của Vietcombank và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm vừa qua gặp nhiều thách thức. Do đó, hiện tại, việc thực hiện phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ của Vietcombank vẫn chưa hoàn thành và đang được tiếp tục xúc tiến.

Trước tình trạng khó bán vốn hoặc không có cửa bán vốn (như VietinBank, Agribank), thời gian qua, nhóm Big 4 phải phát hành lượng lớn trái phiếu để tăng vốn.

Tuy vậy, theo Vietcombank, trái phiếu tăng vốn là nguồn vốn thứ cấp và tạm thời, không bền vững. Đồng thời, chi phí trả lãi cao, hiệu quả kinh tế thấp và tỷ lệ tính giá trị trái phiếu tăng vốn vào vốn tự có sẽ giảm dần theo thời gian. Riêng với Vietcombank, phát hành trái phiếu tăng vốn gây bất lợi cho ngân hàng do Vietcombank hướng tới áp dụng Basel III trong những năm tiếp theo. Basel III không khuyến khích các ngân hàng tăng vốn tự có bằng trái phiếu do thiếu bền vững. Cơ cấu trái phiếu tăng vốn cao trong vốn tự có cũng ảnh hưởng đến thứ bậc xếp hạng quốc tế của ngân hàng.

Trước tình trạng “ăn đong” về vốn, lãnh đạo ngân hàng Big 4 nhiều lần đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế dài hơi để các ngân hàng này có thể tăng vốn bền vững và chủ động hơn.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Ngân hàng”, Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Minh Bình cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng này được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm trong vòng 5 năm (giai đoạn 2024 - 2028) để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

NHNN cho biết, cơ quan này đang trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022. Đồng thời, đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn nhà nước cho VietinBank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009-2016, năm 2021 và năm 2022.

Bất cập nếu năm nào big 4 ngân hàng cũng phải trình xin tăng vốn

Các đại biểu quốc hội bày tỏ nhất trí cao về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank trong phiên thảo luận tổ sáng nay (26/10), song bên cạnh đó cũng còn những ý kiến băn khoăn.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) cho rằng, bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank là rất cần thiết, song cần đánh giá kỹ tác động. Nguyên nhân là vì hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng nói chung chưa bền vững. Các vụ phá sản 3 ngân hàng Mỹ (Silvergate Bank, Silicon Valley Bank, Signature Bank) và Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ xảy ra năm 2023 dù trước đó đều có chỉ số an toàn cao là những cảnh báo. 

Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động sâu hơn, kỹ lưỡng hơn, có phân tích định lượng, định tính về hiệu quả của việc đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank, ví dụ như quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng…   

Tuy vậy, hầu hết các đại biểu đều nhất trí bổ sung vốn nhà nước 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo các chỉ số an toàn rủi ro cho ngân hàng này, nhất là trong bối cảnh Vietcombank vừa tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có đại diện nào lọt vào top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Do đó, việc bổ sung vốn cho Vietcombank sẽ giúp Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu có ngân hàng lọt vào nhóm ngân hàng lớn nhất khu vực. Hơn nữa, Vietcombank có hiệu quả kinh doanh rất tốt, chỉ số ROE, ROA đều rất cao so với mặt bằng ngành ngân hàng. Vì vậy, vốn nhà nước được bổ sung cho Vietcombank sẽ được sử dụng hiệu quả.

Trong khi đó, đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội, cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, ông Phạm Đức Ấn lại có chia sẻ rất “gan ruột” của “người trong cuộc”.

Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Agribank

Theo ông Ấn, hiện 4 ngân hàng thương mại nhà nước đang chiếm 44,5% tổng dư nợ toàn hệ thống, có vai trò dẫn dắt trong thực hiện chính sách tiền tệ, là công cụ để NHNN điều tiết thị trường tiền tệ. Đây cũng là các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, sử dụng hiệu quả đồng vốn nhà nước.

Theo quy định hiện hành, các ngân hàng thương mại phải đạt hệ số an toàn vốn (CAR) từ 8% trở lên. Hệ số CAR được đo lường bởi công thức: Vốn tự có/tổng tài sản rủi ro (chủ yếu là dư nợ tín dụng). Có nghĩa là muốn tăng tín dụng thì vốn tự có phải tăng tương ứng. Hiện nay, mỗi ngân hàng trong nhóm big 4 nếu muốn tăng trưởng 10%/năm thì phải tăng vốn mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng. Theo quy định hiện hành, cứ bổ sung vốn nhà nước từ 10.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải trình Quốc hội thông qua.

“Nếu 4 ngân hàng thương mại nhà nước năm nào cũng phải xin ý kiến các bộ ngành trình Chính phủ rồi Chính phủ trình Quốc hội thông qua thì sẽ tốn rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian của Quốc hội. Thay vì năm nào cũng phải xem xét phương án tăng vốn cho các ngân hàng thì nên xây dựng một cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại”, ông Phạm Đức Ấn đề xuất.

Được biết, hiện nay, lợi nhuận của Agribank được nộp về ngân sách hàng quý (Agribank là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước). Trong khi đó, lợi  nhuận của 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước còn lại một phần lợi nhuận sẽ được chia cổ tức tiền mặt về ngân sách, một phần được giữ lại. Hiện các ngân hàng này đang đề xuất cơ chế dài hơi để được sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại này tăng vốn hàng năm thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. 

Tấp nập đàm phán giãn nợ trái phiếu

Theo dữ liệu của VNDirect, tính đến ngày 15/10, có hơn 100 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ, đã báo cáo chính thức lên HNX, chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản.

Báo cáo thị trường trái phiếu của VNDirect vừa công bố cho thấy, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong quý III/2024.

Tính đến ngày 15/10, có hơn 100 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX.

Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 156.000 tỷ đồng. Trong đó tổng giá trị trái phiếu có thời gian đáo hạn trong năm 2024 đã được gia hạn là hơn 58.700 tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã được gia hạn kỳ hạn.

Phần lớn lượng trái phiếu có thời gian đáo hạn trong năm 2024 đã được gia hạn này là của các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản. Những tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn với lượng trái phiếu có giá trị lớn trong quý III bao gồm: Công ty TNHH Điện gió Hòa Đông 2, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI, CTCP Đầu tư và Xây dựng Đại Thịnh Phát…

Danh sách các công ty chậm thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp vẫn gia tăng. Tính đến ngày 15/10/2024, có hơn 80 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Số tiền nợ gốc đến hạn trong quý III/2024 của các tổ chức phát hành chậm thanh toán là khoảng hơn 8.600 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng giá trị đáo hạn trong quý III/2024, và chiếm 30,6% tổng giá trị đáo hạn quý III (đã loại trừ nhóm ngân hàng).

Tổng số tiền nợ gốc đến hạn trong quý III/2024 của các tổ chức phát hành chậm thanh toán và giá trị trái phiếu có thời gian đáo hạn trong quý III đã được gia hạn kỳ hạn là khoảng hơn 21.700 tỷ đồng, chiếm 42,1% tổng giá trị đáo hạn trong quý III và chiếm 52,5% tổng giá trị đáo hạn trong quý III khi loại trừ nhóm Ngân hàng.

Theo ước tính của VNDirect, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của hơn 80 doanh nghiệp này là 190.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường, phần lớn là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Thống kê của VNDirect cũng chot hấy, phát hành trái phiếu doanh nghiệp quý III/2024 đã tăng gần 30% so với quý II/2024, trong đó nhóm ngân hàng chiếm 81% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhóm bất động sản chỉ chiếm 14,2% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành. Nếu loại trừ nhóm ngân hàng, giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành quý III giảm 14% so với quý II và giảm 44,4% so với cùng kỳ. 

Các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong quý III/2024 có lãi suất phát hành trung bình là 6,94%, giảm so với lãi suất phát hành trung bình 7,36% trong quý II/2024, chủ yếu do ngân hàng chủ yếu là tổ chức phát hành.

Hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp trước hạn tiếp tục tăng, đạt 69.878 tỷ đồng trong quý III, tăng 31,5% so với quý II/2024, và tăng 18,7% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn đạt hơn 146.525 tỷ đồng, giảm 18,5% sso với cùng kỳ. Ngân hàng vẫn là nhóm thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn nhiều nhất. Nhóm mua lại nhiều thứ 2 là nhóm bất động sản.

Chưa đến lúc bỏ room tín dụng

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bảo vệ quan điểm áp dụng “room” trong điều hành tín dụng.

Cơ chế điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) là một trong những vấn đề “nóng” nhất của lĩnh vực tiền tệ. Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước bỏ room tín dụng vì dễ làm nảy sinh cơ chế xin - cho. Quốc hội cũng giao Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ “nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng".

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng thời gian qua được Ngân hàng Nhà nước tiến hành công khai, minh bạch, dựa trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Các tiêu chí được đưa ra phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong giai đoạn 2022-2024, room tín dụng đã được thông báo tới từng tổ chức tín dụng và công bố công khai ngay từ đầu năm. Ngoài ra, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước có thêm 2 đợt điều chỉnh room tín dụng vào tháng 8/2022 và tháng 12/2022. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cũng có thêm 2 đợt điều chỉnh room tín dụng vào giữa năm và cuối năm.

Đặc biệt, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng bằng cách giao toàn bộ room tín dụng năm 2024 cho các ngân hàng và thông báo công khai ngay từ cuối năm 2024. Tiếp đó, ngày 28/8/2024, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo room tăng thêm cho các tổ chức tín dụng đảm bảo theo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Liên quan nhiệm vụ nghiên cứu hạn chế tiến tới bỏ cơ chế room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện vẫn chưa thể chấm dứt cơ chế này.

“Trong bối cảnh gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế qua kênh tín dụng ngân hàng vẫn rất lớn, nếu để tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, thì hệ lụy như giai đoạn trước năm 2011 có khả năng lặp lại, gây bất ổn vĩ mô, rủi ro lạm phát gia tăng, đồng thời rủi ro nợ xấu tăng cao, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hệ thống tổ chức tín dụng còn đang trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, từng bước nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế”, báo cáo của Thống đốc khẳng định.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát tín dụng rất thận trọng, song nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chặn tín dụng tăng trưởng nóng thông qua các công cụ thị trường, thay vì biện pháp hành chính như room tín dụng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước muốn giữ cơ chế điều hành room tín dụng là điều dễ hiểu, vì nền kinh tế Việt Nam dựa quá lớn vào tín dụng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới. Nếu tín dụng tăng nóng trở lại, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy.  

Tuy vậy, theo chuyên gia này, việc bỏ room tín dụng là vấn đề bắt buộc phải làm, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để sớm bỏ cơ chế này. Thực tế, rất nhiều nước đang kiểm soát tăng trưởng tín dụng tốt thông qua các công cụ thị trường như dự trữ bắt buộc, Hệ số An toàn vốn (CAR), Tỷ suất Lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA), Tỷ suất Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE), Tỷ lệ Dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR)… của các ngân hàng.

“Thông qua các công cụ này, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được cung tín dụng ra nền kinh tế”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thông qua Hệ số An toàn vốn (CAR), mà không cần đến room tín dụng. Ngân hàng muốn tăng tín dụng bao nhiêu, thì phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng bấy nhiêu. Điều này sẽ khiến các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao không bị thiệt thòi, không bị bó buộc bởi room tín dụng, mà lại gây sức ép cho các ngân hàng nhỏ, có tỷ lệ an toàn vốn thấp phải nâng cao “đệm” thanh khoản của mình.

Nhiều chuyên gia dự đoán, Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ room tín dụng khi kinh tế vĩ mô ổn định hơn, sức khỏe hệ thống ngân hàng tốt hơn và cơ quan điều hành có “bộ” công cụ giám sát tốt hơn. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể thí điểm bỏ trước room tín dụng cho nhóm ngân hàng khỏe, đáp ứng các tiêu chí nhất định trước. Một khi Ngân hàng Nhà nước nhuần nhuyễn hơn trong giám sát tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng tín dụng, thì việc bỏ room quy mô rộng sẽ được áp dụng.

Tuy vậy, để giảm bớt rủi ro cho nền kinh tế khi Ngân hàng Nhà nước bỏ room tín dụng, các bộ, ngành cũng phải có giải pháp để phát triển thị trường vốn, không để nền kinh tế dựa quá lớn vào hệ thống ngân hàng. Với tình hình khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán như hiện nay, cầu vốn của doanh nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng. Vì vậy, rất có khả năng, khi ngân hàng Nhà nước bỏ room, tín dụng lại tăng nóng, nhất là ở nhóm ngân hàng tư nhân có tỷ trọng cho vay bất động sản cao. 

Thêm một ngân hàng tham gia, gói tín dụng 120.000 tỷ đã tăng lên 145.000 tỷ đồng

Theo thông tin từ NHNN, hiện đã có 9 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với tổng số tiền đăng ký là 145.000 tỷ đổng.

Ngoài nhóm ngân hàng big 4 (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank) mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng, 5 ngân hàng TMCP còn lại mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng là HDBank, MB, VPBank, Techcombank, TPBank. HDBank là ngân hàng mới nhất tham gia chương trình này.

Mặc dù gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội khá lớn song đến nay giải ngân rất hạn chế. Báo cáo của Bộ Xây dựng vừa gửi tới Quốc hội cho thấy, hiện mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản công bố 83 Dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng thông tin điện tử.

Trong đó, đối với chủ đầu tư: Đã có 15 Dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.624 tỷ đồng; có 68 Dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng (trong đó có 57 Dự án Chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn, 6 Dự án đang được các NHTM thẩm định và 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay).

Đối với người mua nhà: Qua rà soát hiện nay đã có 151 người mua nhà đã được vay vốn Chương trình 120.000 tỷ đồng với số tiền khoảng 80 tỷ đồng

Bộ Xây dựng cho hay, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ còn chậm chủ yếu do một số vướng mắc. Thứ nhất, các ngân hàng tham gia chưa nhiều. Thứ hai, nguồn cung nhà ở xã hội bước đầu còn hạn chế. Thứ ba, lãi suất và thời gian hạn hưởng lãi suất chưa thực sự thu hút người vay. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 02 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên do lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân).

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đề xuất giảm lãi suất và kéo dài thời gian vay ưu đãi). Để tháo gỡ các khó khăn hiện nay, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp. 

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đôn đốc các địa phương sớm công bố các danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.

Thứ hai, tiếp tục xem xét giảm lãi suất, nâng thời hạn vay ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở xã hội.

Thứ ba, nghiên cứu cho phép mở các chỉ tiêu/hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại theo hướng: Phần cho vay nhà ở xã hội không phải tính vào chỉ tiêu/hạn mức tín dụng của ngân hàng và được đánh giá, tổng kết hàng năm;

Cuối cùng, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh gói tín dụng 120.000 “ế” vì kém hấp dẫn, Chính phủ đang giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu gói 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cho biết đang làm việc với Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước để tổng hợp báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét sớm triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ phù hợp, hiệu quả giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, việc nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội (trong đó 15.000 tỷ đồng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay) là cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, bố trí nguồn 30.000 tỷ đồng này như thế nào đang là vấn đề đặt ra. Được biết, hiện nay Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Nguồn vốn theo Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cấp cho Chương trình nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.000 tỷ đồng, đã thực hiện hết năm 2021.

Giai đoạn 2022-2023, nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội được bổ sung theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ (kết quả giải ngân đạt 10.281 tỷ đồng), thực hiện đến hết năm 2023.

Tuy nhiên, đối với giai đoạn năm 2024-2025, Ngân hàng Chính sách vẫn chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình này.

 Tiếp tục thanh tra sở hữu chéo, lũng đoạn, chi phối ngân hàng

Dù sở hữu chéo trên sổ sách giảm mạnh, song thực tế còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục thanh tra hoạt động chuyển nhượng, sở hữu có thể dẫn tới việc thâu tóm.

Những năm qua, sở hữu chéo ngân hàng đã giảm nhanh nhờ việc siết chặt thanh kiểm tra cộng với sự chặt chẽ hơn của hành lang pháp lý. Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 đã bổ sung các quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng (TCTD).

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống TCTD từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế.  

Tuy vậy, NHNN thừa nhận, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.

Thực tế, một số TCTD có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật, tuy nhiên cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Mặt khác, quy định pháp luật hiện nay không có quy định về khái niệm đầu tư chéo, trong quá trình hoạt động các TCTD phải tuân thủ quy định của pháp luật (bao gồm cả việc cấp tín dụng, đầu tư, góp vốn, sở hữu cổ phần,...).

“Hiện nay, một số TCTD cấp tỉn dụng (cho vay, đầu tư...) đối với cổ đông (tổ chức, cá nhân) và người liên quan của cổ đông. Tuy nhiên, quy định của pháp luật không cấm trường hợp TCTD cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan nếu tuân thủ quy định”, báo cáo của NHNN cho biết. 

Chia sẻ về khó khăn, vướng mắc trong chống sở hữu chéo, NHNN cho biết,sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành.

Tuy nhiên, đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các TCTD nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác NHNN không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.

Đồng thời, việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan.

Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của TCTD thiếu công khai, minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Để ngăn chặn sở hữu chéo, NHNN cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của TCTD và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của TCTD, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn...trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo TCTD xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, NHNN xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro.

NHNN cũng mong muốn các bộ, ban ngành, đơn vị chủ quản của doanh nghiệp cần quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các TCTD tuân thủ quy định, sử dụng nguồn vốn đi vay, đặc biệt vốn vay từ các TCTD đúng mục đích, hiệu quả đảm bảo an toàn và trả nợ đúng hạn cho các TCTD.

NHNN cho biết tiếp tục thanh tra hoạt động chuyển nhượng, sở hữu có thể dẫn tới việc thâu tóm ngân hàng.

Tín dụng bật tăng, thị trường bất động sản vẫn bấp bênh về vốn

Tính đến hết quý III/2024, cho vay mua nhà tăng 4,62%, cải thiện mạnh so với mức hơn 1% cuối quý II/2024. Đặc biệt, cho vay kinh doanh bất động sản tăng tới 16%. Dù vậy, thị trường bất động sản vẫn trong cảnh bấp bênh về nguồn vốn.

ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 9/2024, tín dụng bất động sản tăng 9,15% so với cuối năm 2023, nhỉnh hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống (9%).

Đáng lưu ý là, tín dụng kinh doanh bất động sản vẫn tăng mạnh (tăng 16%), trong khi tín dụng bất động sản tiêu dùng (cá nhân vay mua nhà, sửa nhà) chỉ tăng 4,62%. Tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản tiêu dùng trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản cũng giảm từ mức 65% trong những năm trước xuống còn 60%, trong khi tỷ trọng tín dụng kinh doanh bất động sản tăng từ 35% lên 40%.

Những tháng đầu năm nay, cho vay cá nhân mua nhà tăng trưởng âm tại nhiều nhà băng và mới chỉ tăng trưởng nhẹ trở lại trong quý II/2024. Tính tới cuối tháng 6/2024, tín dụng tiêu dùng bất động sản mới chỉ tăng 1,2%. Như vậy, tính tới thời điểm này, cầu vay mua nhà của cá nhân đã phục hồi đáng kể, song vẫn chậm so với các năm trước (tăng trưởng 2 con số).

Theo các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng trở lại nhờ thanh khoản thị trường nóng hơn trong quý III/2024. Bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản nhà ở quý III/2024 ghi nhận những dấu hiệu thể hiện sự “tăng nhiệt" cả ở phân khúc đất nền và phân khúc căn hộ chung cư. Nguồn cung quý III/2024 sôi động hơn nhờ sự xuất hiện một số Dự án mới và tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Tất nhiên, thị trường náo nhiệt hơn không hoàn toàn do cầu phục hồi, mà một phần do đầu cơ tạo nhiệt. Đây cũng là lý do khiến cầu vay mua nhà của cá nhân tăng mạnh hơn so với 6 tháng đầu năm, song vẫn ở mức thấp.

Trong khi đó, giải ngân các chương trình ưu đãi với bất động sản vẫn còn hạn chế. Báo cáo của Bộ Xây dựng vừa gửi tới Quốc hội cho thấy, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (hiện được nâng lên 140.000 tỷ đồng) cho vay nhà ở xã hội, hiện mới có 34/63 UBND tỉnh, thành phố có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử.

Đối với chủ đầu tư, mới có 15 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.624 tỷ đồng. 68 dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng (trong đó có 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn, 6 dự án đang được các ngân hàng thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay. Với người mua nhà, kết quả còn thấp hơn: qua rà soát, có 151 người mua nhà đã được vay vốn Chương trình 120.000 tỷ đồng, với số tiền khoảng 80 tỷ đồng.

Quy mô tín dụng bất động sản hiện nay khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản hiện nay không nhỏ, nhưng đang có biểu hiện thiếu lành mạnh, khi tăng trưởng chủ yếu ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi phân khúc khách hàng cá nhân bị thu hẹp.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản không nên quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. GS-TS Hoàng Văn Cường cho biết, các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cơ cấu kỳ hạn khi cho vay bất động sản. Cụ thể, các dự án bất động sản thường kéo dài 5-10 năm, trong khi vốn huy động của các ngân hàng có tới 80% là ngắn hạn.

Để khơi thông huy động vốn cho thị trường bất động sản, ông Cường cho rằng, có thể trông chờ Ngân hàng Chính sách xã hội; trái phiếu bất động sản; người mua trả trước. Cùng với đó, quỹ tín thác mở ra thị trường gọi vốn linh hoạt hơn, khi có thể đầu tư dự án bất động sản mới trên ý tưởng, với số tiền chỉ vài triệu đồng.

"Cần mở nút thắt pháp lý để rào cản không còn nữa và nhà đầu tư dễ dàng đầu tư hơn, giảm chi phí để tăng tiếp cận nguồn cung bất động sản", ông Cường lưu ý.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng tăng dựa dẫm vào vốn tín dụng ngân hàng, bởi các kênh huy động vốn khác đang gặp khó khăn. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm nay, huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chỉ đạt 51.300 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh.

Với cá nhân vay vốn mua nhà, kỳ vọng tiếp cận nguồn vốn rẻ từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng rất khó khăn. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, giai đoạn năm 2024-2025, ngân hàng này vẫn chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện cho vay theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Tin liên quan
Tin khác