Vàng lao dốc sau thông tin chính sách mới
Nối đà giảm sâu hôm qua, giá vàng miếng SJC tiếp tục “bốc hơi” gần cả triệu đồng ngay sáng ngày 22/3. Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng SJC giao dịch ở mức 78,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, trong khi giá bán ra tại mức 80,2 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn nằm trong số ít hãng trang sức vẫn neo giá vàng miếng bán ra trên mốc 80 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng bán ra tại Bảo tín Minh Châu, Phú Quý hay PNJ đều dao động quanh 79,6-79,7 triệu đồng/lượng, giảm xấp xỉ cả triệu đồng chỉ trong một buổi sáng. Trong khi cũng trong sáng qua, có thời điểm vàng miếng SJC đã chạm mốc 82 triệu đồng/lượng.
Dù giá rơi sâu, chênh lệch giữa giá mua – bán vàng miếng vẫn duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Tương tự vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn đã quay đầu giảm ngay từ thời điểm bắt đầu giao dịch. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn, vàng nhẫn 9999 yết ở mức 67,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn tại Bảo tín Minh Châu, vàng nhẫn cũng chính thức tuột khỏi mốc 70 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Đến cuối giờ sáng, giá vàng nhẫn tròn trơn được mua ở mức 68,58 triệu đồng/lượng, trong khi bán ra tại 69,88 triệu đồng/lượng.
Cú rơi sâu hai ngày vừa qua đã kéo chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá thế giới quy đổi về còn 12,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch với giá vàng nhẫn cũng thu hẹp đáng kể, về còn hơn 2,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao dịch tại Bảo tín Minh Châu - Nguồn: BTMC |
Hai yếu tố chính cho cú rơi của giá vàng hôm nay, đến từ nhịp điều chỉnh của vàng thế giới và động thái mới nhất của cơ quan quản lý trong điều hành thị trường vàng.
Vàng thế giới đã điều chỉnh sau khi đạt mức cao kỷ lục (2.200 USD/ounce) trong ngày hôm qua (21/3). Các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng các ngân hàng trung ương lớn có thể sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ. Cục Dự trữ Liên bang giữ nguyên lãi suất như dự đoán chung của thị trường, đồng thời, tiếp tục phát tín hiệu ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ bất ngờ hạ lãi suất cơ bản xuống 25 điểm cơ bản, trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên thuộc nhóm nước phát triển bắt đầu chu kỳ nới lỏng.
Hiện giá vàng giao ngay ở mức 2.173 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 trên sàn Comex New York đang được giao dịch ở mức 2.175 USD/ounce.
Đồng thời, các động thái quyết liệt trong quản lý thị trường vàng đã kéo giá vàng miếng đi xuống. Trong ngày 20/3/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Chiều tối cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng, khẳng định Chính phủ rất quan tâm đến việc quản lý thị trường vàng.
Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh vàng; tìm ra nguyên nhân, qua đó nhanh chóng có giải pháp khắc phục hiệu quả cả về ngắn hạn và giải hạn; bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường, kinh doanh vàng trái quy định của pháp luật để trục lợi.
Chưa thể kìm chân tỷ giá
Mặc dù các chính sách trên thị trường vàng tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và bước đầu tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường vàng, diễn biến tỷ giá lại chưa “hạ nhiệt” như mong chờ. Nguyên nhân cũng bởi đồng USD đang lên giá mạnh.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ mạnh đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần, hiện giao dịch ở khoảng 104,2 điểm. Đồng yên Nhật – 1 trong 6 đồng tiền được tính trong rổ chỉ số DXY trượt giá mạnh bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chuyển hướng tăng lãi suất lần đầu sau 17 năm và chấm dứt kiểm soát đường cong lợi suất. Tỷ giá JPY/USD vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng (150 JPY/USD) và hiện ở mức 151,54 yên Nhật đổi 1 đôla. Theo các chuyên gia, quyết định tăng lãi suất của BOJ ở thời điểm được công bố đã phản ánh vào giá và không hỗ trợ được nhiều cho sự mạnh lên của đồng yên.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunich Suzuki cho biết Chính phủ đang theo dõi các biến động tiền tệ ở mức “cấp bách cao độ”. Trong khi đó, báo cáo với Quốc hội, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết BOJ dự kiến sẽ vẫn duy trì chính sách thích ứng, mang tính hỗ trợ rộng rãi trong thời điểm hiện tại, bất chấp sự thay đổi chính sách gần đây.
Đồng yên Nhật mất giá là nguyên nhân chính kéo DXY tăng mạnh. |
Sáng 12/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.003 VND/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá tại các ngân hàng giao dịch trong khoảng 22.802 VND/USD - 25.203 VND/USD.
Tại Vietcombank, tỷ giá USD xô đổ kỷ lục cũ khi tăng 20 VND/USD so với cuối ngày hôm qua, giao dịch ở mức về còn 24.600 VND/USD (chiều mua vào) và 24970 VND/USD (chiều bán ra). Trên thị trường tự do, tỷ giá có giảm nhưng chỉ giảm nhẹ. Tại một số nơi, giá USD phổ biến 25,457 đồng (mua vào) và 24.537 đồng (bán ra).