Sở dĩ, giá vàng tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày đầu tuần nhờ USD giảm, giúp kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua trên thị trường quốc tế.
Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ giảm xuống 113,02 điểm trong phiên đầu tuần.
Chỉ trong tuần qua, thị trường vàng đã giảm gần 90 USD, vì các nhà đầu tư một lần nữa kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ rất quyết liệt trong việc nâng lãi suất vào cuối năm. Nguyên nhân do lạm phát tháng 9 của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến.
Cụ thể, CPI tháng 9 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù CPI tháng 9 giảm 0,1% so với tháng 8 do giá năng lượng giảm 2,1%, nhưng lại tăng mạnh hơn so với mức dự kiến là 8,1%.
Đáng chú ý, CPI cơ bản (loại trừ giá năng lượng và lương thực) tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,3% so với tháng 8, do phí dịch vụ chăm sóc y tế tăng 6%, đồ đạc và hoạt động trong gia đình tăng 9,3%, doanh số mua xe mới tăng 9,4%, giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng 7,2%...
Trước áp lực lạm phát vẫn còn lớn, giới đầu tư tin rằng, Fed sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo FedWatch của CME, có 96,7% xác suất Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 11/2022 và 66,7% khả năng Ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 12/2022.
Điều này sẽ đưa lãi suất cơ bản của Fed lên 4,5- 4,75% cuối năm 2022. Sau đó có thể là một số đợt tăng lãi suất nhỏ hơn vào tháng 2 và tháng 3/2023. Theo các chuyên gia, chu kỳ thắt chặt tiền tệ lần này của Fed có thể sẽ đưa lãi suất tăng lên trên 5%.
Đồng thời, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng vượt 4% vào cuối tuần trước, trong khi USD neo quanh đỉnh 20 năm sau khi dữ liệu vĩ mô củng cố triển vọng vào nhiều đợt nâng lãi suất nữa.
Vả lại, từ phía chính sách, các quan chức Mỹ khó có thể sớm can thiệp, theo đó thúc đẩy đồng bạc xanh tăng điểm. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã chấp thuận đà tăng của đồng USD, giữ cho vàng trong tình trạng bấp bênh ở thời điểm hiện tại.
Lạm phát không chỉ tăng mạnh ở Mỹ, mà còn ở nhiều nền kinh tế khác trên toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên 8,8% năm 2022 từ 4,7% năm 2021 nhưng giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.
Điều này khiến nhiều nhà phân tích dự báo trong ngắn hạn giá vàng sẽ tiếp tục đi xuống. Cụ thể, cuộc khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng trong tuần tới với 9 nhà phân tích Phố Wall tham gia thì có đến 78% người dự báo giá vàng sẽ giảm trong tuần này.
Còn 22% còn lại cho rằng vàng sẽ tăng. Tuần này không có nhà phân tích nào nghĩ rằng vàng sẽ đi ngang. Ngược lại, cuộc thăm dò trực tuyến Main Street tuần này thu hút được 858 nhà đầu tư cá nhân tham gia thì vẫn có 45% người kỳ vọng kim loại quý sẽ tăng; còn 35% nhà đầu tư đưa ra quan điểm ngược lại và 20% còn lại nghĩ rằng kim loại quý sẽ đi ngang.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) không đổi so với cuối ngày hôm qua, đưa giá mua vàng miếng lên 66 triệu đồng/lượng và bán ra 67 triệu đồng, không đổi nhiều so với cuối tuần qua.
Chênh lệch giữa giá mua và bán 1 triệu đồng/lượng, nhưng điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước hiện đang duy trì ở mức cao hơn thế giới gần 19 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí).
Sáng 17/10, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hiện là 23.586 đồng/USD, tăng 45 đồng so với cuối tuần qua. Ngân hàng Vietcombank giữ nguyên giá mua USD là 23.920 đồng/USD và bán ra 24.230 đồng…
Đến 10h sáng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% (có hiệu lực từ ngày 17/10/2022).
Theo NHNN, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng trung ương (NHTW) lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga-Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Trước tình hình đó, NHNN đã chủ động, linh hoạt áp dụng đồng bộ các công cụ, giải pháp, can thiệp để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt CSTT, tăng lãi suất của Fed và các NHTW trên thế giới, ngày 17/10/2022, NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các TCTD được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%.
NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để để ổn định thị trường.