Ngân hàng
Vàng nhích nhẹ lên 2.340 USD/ounce, đồng yên Nhật biến động mạnh
Thanh Thuỷ - 29/04/2024 19:02
Diễn biến đáng chú ý nhất trên thị trường ngoại hối đầu tuần là biến động của đồng yên Nhật, khi tỷ giá vút lên 160 yên/USD và ngay lập tức quay đầu sau đó. Trong khi đó, vàng thế giới giao dịch khá giằng co, nhích lên 2.340 USD/ounce.
TIN LIÊN QUAN

Vàng lình xình đi ngang

Sau hai tuần liên tục đi lùi, vàng thế giới nhích nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới. Dù vậy, trong phần lớn thời gian, diễn biến giá vàng khá giằng co và chỉ mới nhích nhẹ lên vượt mốc 2.340 USD/ounce.

Hiện giá vàng giao ngay giao dịch tại 2.341 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce so với cuối tuần trước. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York cũng nhích nhẹ lên 2.351,8 USD/ounce.

Tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải - sàn giao dịch vàng vật chất lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất châu Á, giá vàng cũng điều chỉnh nhẹ so với cuối tuần trước, giao dịch ở mức 548,5 nhân dân tệ/gram, giảm 4% so với mức đỉnh xác lập hồi trung tuần tháng 4 nhưng vẫn tăng tới hơn 14% từ đầu năm đến nay.

Còn trong nước, các hãng vàng đều đóng cửa khi đang trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày.

Diễn biến giá vàng thế giới trong tháng 4 đầy biến động

Sau 2 tuần điều chỉnh của giá vàng, các chuyên gia vẫn đang đặt khá nhiều sự lạc quan vào xu hướng tăng của thị trường vàng. Theo khảo sát của Kitco News đối với 10 chuyên gia tại Phố Wall, tỷ lệ dự đoán giá vàng sẽ tăng cao hơn vào tuần tới lên đến 70%< trong khi chỉ có 2 chuyên gia cho rằng vàng đi ngang và 1 chuyên gia dự đoán giảm. Kết quả khảo sát giống với tuần trước. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy vàng vẫn chưa hồi phục trở lại.

Sự chú ý của giới đầu tư tuần này sẽ đổ dồn vào cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà hoạch định chính sách gần như chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 5 này. Tuy vậy, điều được quan tâm hơn là cuộc họp báo của Chủ tịch Powell sau hai ngày họp, để tìm manh mối về thời điểm hạ lãi, nhất là bối cảnh áp lực lạm phát dai dẳng hiện tại.

Theo James Stanley - chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com, Fed sẽ gửi một số tín hiệu ôn hoà. Điều này do đó sẽ giữ chân các nhà đầu tư vàng.

Ngoài ra, trong tuần tới, số liệu bảng lương phi nông nghiệp (đo lường sự thay đổi trong số lượng người có việc làm trong suốt tháng trước, ngoại trừ ngành nông nghiệp.) sẽ được công bố, với kỳ vọng sẽ tăng thêm 210 nghìn việc làm trong tháng 4, chậm lại so với mức 303 nghìn của tháng 3 liền trước.

Còn tại châu Âu, các nhà đầu tư trông chờ số liệu GDP của quý đầu tiên, cũng như con số lạm phát tháng 4 và mức thất nghiệp trong tháng 3 sẽ được báo cáo. Lạm phát được dự báo sẽ duy trì ở mức 2,4%, tương tự các tháng gần đây. Con số trên cũng là một trong những mức lạm phát thấp nhất trong hơn hai năm vừa qua.

DXY “giật cục” theo biến động đồng yên Nhật

DXY lên xuống theo sự thất thường của đồng yên Nhật

Tâm điểm của thị trường ngoại hối đầu tuần này là diễn biến của yên Nhật khi đồng tiền này biến động với biên độ rất lớn. Sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/1990 về mức 160,2 yên đổi 1 đôla, đồng yên Nhật đã phục hồi tới 2%, về lại mức 155 JPY/USD.

Biến động mạnh của đồng yên diễn ra trong bối cảnh thanh khoản yếu do Nhật Bản cũng đang trong ngày nghỉ lễ. Tờ nhật báo The Japan Times đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng khi cân nhắc giữa triển vọng can thiệp chính thức của các nhà điều hành với rủi ro từ những bình luận diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang vào cuối tuần này.

Rodrigo Catril, chiến lược gia tại Ngân hàng Quốc gia Úc, cho rằng thị trường rất biến động và không có nhiều thanh khoản. “Đồng yên trở thành một món đồ chơi sắc bén để chơi”.

Chỉ số DXY (US Dollar Index) hiện giao dịch quanh mức 105,7 điểm. Đây là thước đo giá trị sức mạnh đồng USD so với 6 loại tiền tệ của những quốc gia đang là đối tác thương mại lớn của Mỹ. DXY được tính toán từ tỷ giá hối đoái của 6 đồng tiền với tỷ trọng lần lượt là EUR 57,6%, JPY 13,6%, GBP 11,9%, CAD 9,1%, SEK 4,2%, CHF 3,6%. Chính vì vậy, biến động của chỉ số này không chỉ phụ thuộc vào nội tại nền kinh tế Mỹ, mà còn dựa trên tương quan với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, đồng yên Nhật mất giá cũng là nguyên nhân chính kéo DXY neo cao thời gian qua.

Tin liên quan
Tin khác