Mặt hàng kim quý vàng quay đầu giảm vì lợi suất trái phiếu bật tăng khi biên bản họp tháng trước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy ngân hàng trung ương có thể cần tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để kìm hãm lạm phát.
Trước đó, thị trường vốn cũng đã bị áp lực bởi kỳ vọng về một Fed diều hâu hơn. Đồng thời, đầu năm mới, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao đã ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường vàng.
Thêm vào đó, đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế tăng trở lại sau đà sụt giảm, chỉ số USD-Index lên 96,22 điểm sau đà trượt giảm từ 96,3 điểm xuống 95,9 điểm.
Các quan chức của Fed vào tháng trước cho biết thị trường lao động Mỹ rất chặt chẽ và cơ quan này có thể không chỉ cần tăng lãi suất sớm hơn dự kiến mà còn phải giảm lượng tài sản nắm giữ một cách nhanh chóng.
Nhiều quỹ tương lai đã đặt cược 80% khả năng lãi suất tăng vào tháng 3 sau khi biên bản của Fed được công bố. Một số nhà đầu tư coi vàng như một hàng rào chống lại lạm phát nhưng kim loại quý rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn được hỗ trợ khi áp lực lạm phát đang diễn ra và những lo ngại về đại dịch Covid-19. Biến chủng Omicron đang tràn lan ở Mỹ và các quốc gia khác, điều này đang gây ra những lo ngại rằng virus có thể một lần nữa làm suy yếu các nền kinh tế toàn cầu.
Có báo cáo rằng các nhà lập pháp của chính phủ Mỹ đã thảo luận về một gói kích thích đại dịch liên bang khác dành cho các doanh nghiệp vẫn đang bị tổn thương do tác động kinh tế của virus.
Năm 2022, giá vàng sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng chống lạm phát. Tại Mỹ, lạm phát đang cao nhất gần 4 thập kỷ. Mặt khác, do đại dịch vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư quốc tế vẫn còn lớn. Nhiều ngân hàng trung ương cũng mua vàng để tăng dự trữ quốc gia. Nếu không có những yếu tố này, giá vàng có thể đã giảm nhiều hơn trong năm nay.
Trong một báo cáo mới đây, nhà phân tích Fahad Tariq thuộc ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse bày tỏ quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng trong năm 2022, dù Fed chuẩn bị tăng lãi suất. Giá vàng dự báo sẽ đạt mức bình quân 1.850 USD/ounce trong năm nay, do áp lực lạm phát tiếp tục tăng trên toàn cầu.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, mua vàng lúc này được xem là cách tích trữ tài sản, bảo toàn vốn trước áp lực lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, đối với thị trường trong nước, theo ông Khánh nhà đầu tư nên cẩn trọng, do giá vàng SJC cao hơn thế giới hơn chục triệu đồng.
Thời gian qua, thị trường vàng trong nước giao dịch khá trầm lắng, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh thì còn do không liên thông được với thị trường thế giới. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua.
Sáng nay, giá vàng miếng SJC trong nước đi xuống so với phiên hôm qua. Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, vàng miếng được mua vào 60,95 triệu đồng/lượng và bán ra 61,65 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng.
Doanh nghiệp Phú Quý điều chỉnh giá mua giảm 150.000 đồng/lượng và giá bán giảm 100.000 đồng/lượng. Tại hệ thống PNJ, giá vàng SJC giảm 50.000 đồng/lượng (mua vào) và đi ngang (bán ra).
Quy đổi, mỗi lượng vàng miếng trong nước vẫn cách xa với thế giới khi cao hơn gần 11,5 triệu đồng/lượng.
Ngày 6/1, tỷ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.128 VND/USD, giảm 9 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 22.650 - 23.150 VND/USD.
Với biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.434 - 23.822 VND/USD. Còn Vietcombank vẫn giữ giá đô la ở mức thấp, mua vào 22.590 - 22.620 đồng/USD và bán ra 22.900 đồng/USD.