Giá vàng thế giới biến động mạnh sau cuộc họp của Fed. |
Vàng thế giới đã giảm trở lại sau khi đạt được mức cao kỷ lục mới 2.600 USD/ounce khi giới đầu tư “ngấm” dần bước đi mới nhất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Lần đầu tiên sau kể từ tháng 3/2020, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã thực hiện mức cắt giảm lãi suất với mức giảm 50 điểm cơ bản, đưa khung lãi suất quỹ liên bang về còn 4,75% - 5%. Không kể các lần giảm lãi suất trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lần gần nhất Fed hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản là vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vàng thế giới thực tế đã bứt lên từ hôm 13/9 và giữ được mặt bằng giá mới trong cả tuần giao dịch vừa qua. Kỳ vọng Fed hạ lãi suất thực tế đã phản ánh vào thị trường vàng. Giới đầu tư đã sớm đặt cược vào việc Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 này. Tuy nhiên, mức hạ lãi suất cụ thể của Fed, 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản, là nội dung "nóng" được tranh luận các tuần gần đây. Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy thay đổi nhanh chóng về tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản khi vọt lên trên 60% đầu tuần này.
Fed lần đầu tiên hạ lãi suất sau hơn 4 năm. |
Tại cuộc bỏ phiếu của các thành viên FOMC, lựa chọn giảm 50 điểm cơ bản chiếm thế áp đảo với 11 lá phiếu cho quyết định này trong khi chỉ riêng Thống đốc Michelle Bowman ủng hộ mức giảm 25 điểm cơ bản.
Bên cạnh quyết định hạ lãi suất, ở kỳ họp tháng 9 này, Fed cũng công bố biểu đồ Dot Plot - phản ánh trực quan về các dự báo lãi suất của các thành viên của FOMC trong năm 2024 và các năm tới. dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm 100 bps trong năm 2025 và 50 bps vào năm 2026. Tóm lại, biểu đồ cho thấy lãi suất chuẩn sẽ giảm khoảng 200 bps sau động thái mới nhất.
Biểu đồ cho thấy phần lớn các thành viên cho rằng sẽ có thêm hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản nữa tại hai cuộc họp cuối cùng của năm vào ngày 8/11 và 19/12.
Ở thời điểm hiện tại, khả năng được nhiều thành viên FOMC đưa ra là Fed sẽ giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong năm 2025 và 50 điểm vào năm 2026, qua đó có thể đưa khung lãi suất quỹ liên bang về khoảng 2,75% - 3% vào cuối năm 2026. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, Chủ tịch Powell lưu ý rằng Fed sẽ không vội nới lỏng và các dự báo trên biểu đồ Dot Plot không phải là một kế hoạch chính sách.
“Chúng tôi vẫn đang tập trung vào việc đạt được mục tiêu nhiệm vụ kép là tạo ra việc làm tối đa và ổn định giá cả vì lợi ích của người dân Mỹ. Nền kinh tế Mỹ đã đạt được những tiến bộ đáng kể hướng tới mục tiêu của chúng tôi trong hai năm qua. Thị trường lao động đã nguội đi từ tình trạng quá nóng trước đây. Lạm phát đã giảm đáng kể từ mức đỉnh điểm 7% xuống ước tính còn khoảng 2,2% . Các chỉ số gần đây cho thấy hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục mở rộng.
Quyết định lần này phản ánh ngày càng tin tưởng rằng, với sự điều chỉnh phù hợp về lập trường chính sách, sức mạnh trong thị trường lao động có thể được duy trì trong bối cảnh tăng trưởng vừa phải và lạm phát đang giảm xuống mức 2% một cách bền vững”, Chủ tịch Powell cho biết tại cuộc họp báo rạng sáng ngày 19/9.
Tương tự nhịp rung lắc rất mạnh trên thị trường vàng trước lần cắt giảm khá bất ngờ của Fed, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh của đồng bạc xanh cũng ghi nhận biến động lớn. Chỉ số DXY có thời điểm giao dịch dưới mốc 100,5 điểm - cột mốc hiếm khi “xuyên thủng” trong năm qua.
Tuy nhiên, hiện tại, USD đã bật lên và trở lại vượt 101 điểm. Cặp tỷ giá USD/JPY giao dịch ở mức 142,56 yên đổi 1 đôla Mỹ. Cũng trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ công bố quyết định lãi suất với khả năng cao giữ nguyên lãi suất chủ chốt trong tuần này trước khi đưa ra một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 12. Sự khác biệt trong kỳ vọng về lãi suất cũng làm dấy lên lo ngại về động thái mua yên để đóng các vị thế của các nhà đầu tư thực hiện chiến lược carry trade đồng yên Nhật.