Ngân hàng
Vàng tăng tiếp phiên đầu tuần
T.V - 27/06/2022 10:04
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay tăng thêm 10 USD/ounce lên 1.837 USD/ounce khi dấu hiệu suy thoái và tâm lý lo ngại về tăng trưởng chậm đang lấn át lo ngại về lạm phát.

Các dấu hiệu cho thấy lạm phát đạt đỉnh và tăng trưởng chậm lại đang làm gia tăng tâm lý thích rủi ro trên thị trường. Điều đó đi kèm với hy vọng rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không cần phải thắt chặt nhiều như dự báo. 

Điều này đang làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ bớt “diều hâu” trong thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.

Các đợt tăng lãi suất tích cực của các ngân hàng trung ương đang khiến người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu, điều này sẽ làm tăng trưởng chậm đi ngày càng nhanh.

Giới phân tích cho rằng, nếu lạm phát đạt đỉnh điểm sẽ cung cấp một số cứu trợ cho các tài sản rủi ro. Ngược lại, nó lại gây bất lợi cho các loại tài sản trú ẩn như vàng.

Các nhà đầu tư sẽ chuyển sự chú ý của họ đến nền kinh tế đang hoạt động như thế nào. Trong bối cảnh một cuộc suy thoái tiềm ẩn, vàng sẽ tiếp tục giao dịch ổn định.

Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ có thể chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ, còn khi tăng trưởng ở nước ngoài vẫn là một dấu hỏi lớn sẽ khuyến khích nhu cầu trú ẩn an toàn đối với các tài sản như vàng.

Với mức 1.800 USD/ ouce vẫn là mức hỗ trợ quan trọng, nhưng theo các nhà phân tích tài chính, nếu vàng phá vỡ dưới mức đó, một đợt bán tháo lớn có thể xảy ra. Trong khi đó, phần trên của mức 1.850 USD / ounce đã đóng vai trò là mức kháng cự vững chắc.

Hiện USD giảm cũng tác động tích cực lên mặt hàng kim quý vàng và nhu cầu tài sản trú ẩn tăng sau khi nhóm quốc gia G7 áp lệnh cấm mới đối với vàng nhập khẩu từ Nga.

USD giảm giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ xuống 103,82 điểm. 

Trong khi đó, các thành viên của nhóm G7, đại diện cho các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, đã thêm vàng vào lệnh trừng phạt của họ đối với Nga vì cuộc tấn công của nước này vào Ukraine.

Cũng tại cuộc họp của nhóm G7 ngày 26/6, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu vàng mới được sản xuất tại Nga. 

Sau thông báo này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay lệnh cấm vàng mới sẽ lấy đi của Nga hàng chục tỷ USD mà quốc gia này cần để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, chiếm 9,5% nguồn cung toàn cầu. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu vàng của Nga đạt hơn 15 tỷ USD. Lệnh trừng phạt mới có thể ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường vàng London.

Theo Bloomberg, 28% lượng vàng của Nga đã được xuất khẩu sang London. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết lệnh cấm sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Commerzbank nghĩ rằng, vàng có một số cơ hội tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ, tạo ra một số khó khăn cho kim loại này. 

Vàng giảm cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trên thế giới xem xét để mua vào, song với thị trường vàng trong nước vẫn còn khá rủi ro khi chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và thế giới vẫn rất cao.

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJCniêm yết giá vàng miếng không thay đổi giá, mua vào ở mức 67,95 triệu đồng/lượng và bán ra 68,65 triệu đồng/lượng.

Nhưng quy đổi, giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới khoảng 17,1 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí).

Sáng nay, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là 23.102 đồng/USD, giảm 2 đồng so với cuối tuần qua.

Còn giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng đầu tuần hầu như đứng yên. Vietcombank tiếp tục mua vào với mức 23.080 đồng/USD và bán ra 23.390 đồng/USD

Tin liên quan
Tin khác