Thị trường vàng biến động mạnh sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong ngày 27/8.
Ông Jerome Powell đã công bố những thay đổi đối với khuôn khổ chính sách của Ngân hàng Trung ương với mục tiêu lạm phát trung bình và công nhận những lợi ích cho một thị trường lao động mạnh mẽ. Chiến lược của Fed là giữ lạm phát ở mức 2% làm mục tiêu.
Sự kiện Jackson Hole là sự kiện lớn nhất của tuần này khi hầu hết các tài sản trên thị trường tiền tệ và thị trường hàng hóa (như vàng) đều đang được giao dịch trong biên độ thấp, hoặc cơ cấu lại danh mục.
Chỉ số DXY – chỉ số đo lường sức mạnh của đồng Đô La Mỹ so với rổ tiền tệ khác – đang được giao dịch ở mức 92,89, thấp hơn 0,5% ngày hôm qua 27/8.
Động thái này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng và đẩy giá vàng đi xuống. Chiều ngược lại, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm đêm qua tăng 0,05% lên 0,074%, tính từ đầu tháng 8 đã tăng 0,18%.
Song song, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 160,35 điểm lên 28.492,27 điểm, tương đương mức tăng 0,57%. S&P500 tăng 5,82 điểm lên 3.484,55 điểm, tương đương mức tăng, 0,17%.
NYSE tăng 26,27 điểm, lên 13.068,81 điểm, tương đương mức tăng 0,2%. Và cũng trong đêm qua, USD Index tăng 0,05% lên 93,05 điểm và SPDR Gold Trust đã bán ra 0,59 tấn vàng.
Thế nhưng, các nhận định đưa ra từ giới phân tích vàng, việc bán ra của SPDR Gold Trust là để chốt lời hoặc cân bằng giá, sau đó sẽ tìm cơ hội mua vào.
Sau khi bán ra 3,51 tấn vàng giữa tuần này, SPDR Gold Trust đã ngay lập tức mua vào 3,22 tấn, nâng số lượng nắm giữ trở lại mốc trên 1.252 tấn.
Bởi vàng được dự báo còn tăng trong thời gian tới khi kinh tế chưa sớm hồi phục do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cho dù một số quốc gia đã công bố có vắc-xin.
Mặt khác, căng thẳng Mỹ- Trung và từ nay đến thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ là thời điểm hỗ trợ tích cực cho giá vàng đi lên.
Theo nhà phân tích của Manpreet Gill - Trưởng nhóm chiến lược đầu tư trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa đến từ Standard Chartered Private Bank, đà tăng của vàng sẽ còn tiếp diễn dù đã sụt giảm trong thời gian gần đây.
Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam ông Huỳnh Trung Khánh thì đưa ra nhận định, cho đến khi nào dịch bệnh được kiểm soát, vàng mới hết đà đi lên.
Vàng được các chuyên gia tài chính dự báo, sẽ có cơ hội sớm lấy lại mốc 2.000 USD/ounce, thậm chí cao hơn mức này do sức khỏe của đồng bạc xanh (USD) khó lấy lại đà tăng trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản đồng đôla Mỹ tiệm cận 0%, vì kinh tế Mỹ suy thoái trước đại dịch.
Mặt khác, đồng Euro chỉ tăng rất yếu ớt so với đồng bạc Xanh của Mỹ khi các ca nhiễm Covie-19 đang gia tăng ở Đức, Ý, Pháp và Tây Ban Nha, trong đó Ý báo cáo mức tăng trong ngày 27/8 lớn nhất kể từ tháng 5/2020.
Thị trường vàng trong nước không còn tình trạng đầu cơ?
Trong khi đó, đối với thị trường vàng trong nước, mở cửa phiên giao dịch ngày 28/8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,30 - 56,20 triệu đồng/lượng (mua -bán), tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, ở bán ra tăng 300.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên giao dịch liền trước.
Cửa hàng Bảo Tín Minh Châu được niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,55 và 55,95 triệu đồng/lượng (mua – bán). Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 55,50 - 56,720 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 550.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên giao dịch trước đó.
Giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty PNJ ở cả 4 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội ở mức giá 55,3 -56,2 triệu đồng/lượng (mua –bán), giảm 200.000 đồng chiều mua vào và giá bán ra không đổi so với mở phiên sáng hôm qua.
Nhưng đến 10h sáng ngày 28/8, vàng SJC niêm yết mức giá 55,45-56,4 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng nhẹ so với đầu giờ sáng. Khoảng cách mua – bán vàng vẫn được các nhà kinh doanh kéo dãn khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức 2.138.000 đồng/lượng (chưa loại trừ phí, thuế), tính theo tỷ giá quy đổi tại Ngân hàng Vietcombank sáng nay ở mức 23.270 đồng/USD.
Tuy nhiên, lượng giao dịch vàng trong nước những ngày giá kim quý này giảm được cho là thấp hơn nhiều so với thời điểm vàng sôi động trước đó.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến đầu tháng 8/2020 khi giá vàng quốc tế đạt đỉnh trên 2.070 USD/ounce, vàng SJC bán ra ở mức cao nhất 62,45 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, không ít người đã đỗ xô mua vàng ở thời điểm cao và sau khi giá giảm lại cắt lỗ nên doanh số bán vàng của các cửa hàng tăng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, doanh số mua vào trong tháng 7/2020 đạt 132.458 lượng vàng, tương đương giá trị 6.899 tỷ đồng, tăng tới 51% so với tháng trước đó.
Doanh số bán ra cũng tăng cao, nhưng ở mức thấp hơn với tỉ lệ tăng 10%, ở mức 80.019 lượng vàng, tương đương giá trị 3.893 tỷ đồng.
Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, trong thời gian qua, giá vàng thế giới có sự biến động mạnh do dịch COVID-19 tái phát tại nhiều quốc gia nên tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu; GDP của Mỹ trong quý II/2020 sụt giảm gần 33%; GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 12,1%.
Ngoài ra, thông tin về vụ nổ ở thủ đô Beirut của Liban đầu tháng 8/2020; các gói kích thích kinh tế được các quốc gia triển khai làm tăng lo ngại về lạm phát; căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc... khiến giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM , giá vàng trong nước diễn biến tăng phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới có nhiều biến động, song thị trường vàng trong nước vẫn được đảm bảo, không xuất hiện tình trạng đầu cơ.