Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng thế giới phục hồi, giá vàng trong nước tăng trở lại
Thùy Vinh - 18/08/2020 11:02
Sau khi giảm giá vào tuần trước, giá vàng thế giới đang phục hồi và nỗ lực lấy lại mức 2.000 USD/ounce, do đồng USD suy yếu là lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.

Tiến sát mốc 1.990 USD/ounce

Niêm yết trên sàn Kitco.com đầu giờ ngày 18/8, vàng đang giao dịch quanh mức 1.982-1.985 USD/ounce.

Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.989,90 USD/ounce. Chỉ trong 1 đêm vàng tăng gần 50 USD/ounce, vàng thế giới tiến sát mốc 2.000 USD/ounce.

Vàng tăng trở lại do đồng đô la Mỹ tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đầu tuần. Qua đó các đồng tiền hàng hóa được hưởng lợi khi cuộc đàm phán Mỹ - Trung dự kiến vào ngày 15/8 đã được trì hoãn vô thời hạn. Theo lịch trình ban đầu, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc lẽ ra sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin

Một nguồn tin thân cận của Reuters cho biết, lý do hoãn cuộc họp là vì hai bên “không thống nhất được quan điểm”.

Đồng bạc xanh giảm trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York cho biết, hoạt động sản xuất tại New Yorrk giảm mạnh trong tháng 8, xuống còn 3,7 điểm, so với mức 17,2 điểm trong tháng 7. 

Đồng USD và lợi tức trái phiếu Mỹ giảm mạnh là yếu tố chính kéo mặt hàng kim loại quý đi lên.

Lợi suất trái phiếu Mỹ suy giảm trong ngày 17/8, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 0,676% và chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index), thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,1%.

Vàng được hưởng lợi từ đà suy giảm của lợi suất vì kim loại quý không đem lại lợi suất và đồng USD suy yếu có thể làm vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác.

Mặt khác, các dự báo đưa ra khả năng vàng sẽ lấy lại mốc 2.000 USD/ounce trong tuần này.

Tại cuộc khảo sát trực tuyến ở Main Street, các nhà đầu tư cũng tiếp tục lạc quan về xu hướng tăng của giá vàng khi 59,8% trong tổng số 2.047 nhà đầu tư tin rằng giá vàng tăng, 21,9% dự đoán giảm và số còn lại nói giá vàng sẽ đi ngang.

Giới phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, sở dĩ giá vàng quốc tế đảo chiều trong tuần qua do các nhà đầu tư chốt lời khi giá mặt hàng kim quý này đã đạt ngưỡng kỳ vọng.

Quỹ đầu tư vàng SPDR tiếp tục bán ra thêm 3,8 tấn vàng vào cuối tuần qua, số lượng nắm giữ còn 1.248,29 tấn.

Trong tuần qua, quỹ SPDR đã có 3 ngày bán vàng với khối lượng 15,29 tấn, bán mạnh nhất (7,3 tấn) trong ngày 12/8 khi giá vàng lên cao 2.075 USD/ounce. Tu nhiên, Quỹ này cũng có 1 ngày mua 1,46 tấn vàng, do đó lượng vàng bán ròng của quỹ này là 13,83 tấn.

Ngoài SPDR, các quỹ ETF hiện nay nắm giữ khoảng 3.700 tấn vàng, khối lượng khá cao nên giá đảo chiều là khó tránh.

Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ - Trung chưa lắng dịu, vàng vẫn được hưởng lợi.

Ngày 17/8, nước Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 5.564.160 ca mắc COVID-19, trong đó có 173.072 ca tử vong. Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ dự báo số ca tử vong sẽ tăng lên gần 189.000 người vào ngày 5/9 tới.

Vì vậy, nhà đầu tư vẫn tìm đến hầm trú ẩn vàng như một kênh đầu tư vốn an toàn trong bối cảnh hiện nay.

Các hợp đồng vàng tương lai nhảy vọt trong 2 ngày đầu tuần đã giúp kim loại quý ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong 4 tháng nhờ đà suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ, qua đó đang làm tăng sức hấp dẫn của hàng hóa này.

Đồng thời, vàng cũng thu hút thêm sự quan tâm sau một hồ sơ công khai đề nghị xem xét cổ phần của Berkshire Hathaway Inc của tỷ phú Warren Buffett đã tiết lộ rằng tập đoàn này đã mua cổ phần mới trong quý trước của công ty khai thác vàng lớn thứ 2 thế giới, Barrick Gold Corp.

Tuần này, các nhà đầu tư chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục dự trữ liên bang để đoán định đường đi tiếp theo của vàng.

Vàng trong nước tăng trở lại

Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/8, giá vàng SJC do Công ty SJC niêm yết ở mức 56,7-58,45 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng gần 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào so với giá cuối ngày 17/8.

Tuy nhiên, mức chênh lệch giá mua và bán được các tiệm vàng nới rộng lên 1,750 triệu đồng/lượng, cao hơn gần một nửa so với ngày trước đó.

Đồng thời, quy đổi theo tỷ giá thì giá vàng thế giới đang xoay quanh 56 triệu đồng/lượng, giảm trên dưới 1 triệu đồng/lượng so với giá trong nước nếu xét theo giá mua – bán sáng ngày 18/8.

Đến 9h25, giá vàng SJC tiếp tục tăng khi niêm yết ở mức 56,8-58,450 triệu đồng/lượng (mua – bán). Tuy giá vàng trong nước có chiều hướng điều chỉnh trong những ngày gần đây, song các nhà kinh doanh vàng cho hay, giao dịch không sôi động.

Đến gần 11h trưa ngày 18/7, vàng SJC giao dịch ở mức 26,35-58 triệu đồng/lượng, giảm trên dưới 100.000 đồng/lượng so với giữa giờ sáng.

Bởi tâm lý nhà đầu tư đang đứng ngoài quan sát, theo dõi thị trường vàng quốc tế để tìm cơ hội mua vào, ngược lại có những người mua vàng giá thấp trước đó ở vùng giá 53 – 55 triệu đồng/lượng tìm cơ hội chốt lời.

Thế nhưng, các chuyên gia lĩnh vực vàng khuyến nghị, nếu chỉ kỳ vọng đầu tư vàng “lướt sóng” kiếm lời sẽ rất khó, ngược lại rủi ro khó tránh.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, xu hướng giá vàng còn tăng trong thời gian tới, do bất ổn của địa chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu suy thoái do tác động của dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, rất ít người đầu tư vàng có lãi nếu chỉ kỳ vọng trong ngắn hạn mà phải có tầm nhìn dài hơn khi rót vốn vào mặt hàng kim quý vàng.

Tin liên quan
Tin khác