Giá vàng thế giới nhanh chóng tuột khỏi mốc 2.000 USD/ounce ngay sau khi số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố. CPI tháng 1 tăng 0,3% và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giảm so với mức 3,4% của tháng 12/2023, con số trên vẫn vượt dự báo khi phần lớn các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát tháng 1 tăng 0,2%, tương ứng mức tăng hàng năm của CPI là 2,9%.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay ở mức 1.992 USD/ounce, mức thấp nhất trong hai tháng trở lại đây. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 giảm xuống dưới 2.005 USD/ounce.
Không riêng giá vàng, thị trường chứng khoán Mỹ cũng được phen lao đao dù hồi phục nhẹ trong diễn biến gần đây. Dow Jones ghi nhận phiên giao dịch tệ nhất từ tháng 3/2023. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh của USD tương quan với 6 loại tiền tệ khác từng có thời điểm tiệm cận sát mốc 105 điểm và đang giao dịch ở mức 104,88 điểm. USD đang mạnh lên đáng kể so với đồng yên Nhật, bảng Anh và euro. Đồng yên Nhật giảm giá sâu về mức 150 yên đổi 1 đôla, thấp nhất trong ba tháng gần đây sau những số liệu lạm phát ngoài kỳ vọng của các nhà phân tích.
Giá nhà, bao gồm tiền thuê nhà ở chính và tiền thuê tương đương của chủ sở hữu ngôi nhà, chiếm xấp xỉ 1/3 tỷ trọng khi tính toán CPI. Theo Bộ Lao động Mỹ, đây cũng là yếu tố đóng góp tới 2/3 mức tăng của lạm phát trong tháng đầu năm 2024 với mức tăng 0,6% trong tháng. Tính chung cả năm, chỉ số này tăng 6% so với một năm trước. Giá thực phẩm cũng tăng cao hơn, tăng 0,4% trong tháng. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá năng lượng giảm 0,9% chủ yếu nhờ giá xăng giảm 3,3%.
Chi phí cho nhà ở là thành phần lớn nhất trong ngân sách của một hộ gia đình trung bình. Lạm phát cao dai dẳng trong hạng mục này đã thúc đẩy chỉ số lạm phát tổng thể. Các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trở lại mức mục tiêu hàng năm 2%, phần lớn vì cho rằng giá nhà ở sẽ giảm tốc trong năm. Tuy nhiên, sự gia tăng trong tháng 1/2024 có thể là trở ngại đối với Fed trong đang tìm cách giảm bớt chính sách tiền tệ ở mức thắt chặt nhất trong hơn hai thập kỷ.
Tại Việt Nam, thị trường vàng vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ khi hầu hết các hãng vàng sẽ “mở hàng” vào ngày mùng 6 Tết. Vàng Mi Hồng và Bảo tín Minh Châu nằm trong số ít khai xuân sớm. Sau cú rơi sâu của vàng thế giới, giá vàng cũng đã được điều chỉnh. Cuối ngày 14/2 (mùng 5 Tết), vàng miếng SJC tại Mi Hồng được mua vào tại mức giá 76,3 triệu đồng/lượng trong khi bán ra tại 77,1 triệu đồng/lượng, lần lượt giảm 1 triệu đồng và 1,2 triệu đồng so với thời điểm trước Tết. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau tết, chênh lệch giá mua – bán đã được hãng vàng này thu hẹp về còn 800.000 đồng/lượng.
Bảo tín Minh Châu điều chỉnh mạnh giá vàng nhẫn sau Tết Nguyên đán - Nguồn: BTMC |
Trong khi đó, Bảo tín Minh Châu hạ giá vàng miếng SJC 50.000 đồng mỗi lượng, về mức 76,7 triệu đồng (mua vào) và 78,85 triệu đồng (bán ra). Chênh lệch giá mua bán tiếp tục duy trì ở mức 2,15 triệu đồng mỗi lượng. Hãng vàng này cũng giảm đáng kể tới 200.000 đồng đối với giá vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu Vàng rồng Thăng Long. Giá vàng nhẫn qua đó mất mốc 66 triệu đồng, hiện giao dịch ở mức 64,76 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65,86 triệu đồng/lượng (bán ra).
Diễn biến của giá vàng thế giới đã nới rộng khoảng cách giữa vàng trong nước và giá thế giới quy đổi, lên 18-19 triệu đồng mỗi lượng.