Trên thị trường quốc tế sáng ngày 29/7, giá vàng đang có sự biến động tăng giảm trái chiều sau nhiều ngày qua liên tục leo cao, nhưng vẫn đang ở ngưỡng cao là 1.961 USD/ounce.
Khảo sát trên Kitco cho thấy, vàng đã sẵn sàng lên mức kỷ lục 2.000 USD/ounce. 79% chuyên gia Wall Street dự báo giá vàng tuần này tăng. Tương tự, 72% nhà đầu tư trên Main Street tham gia cuộc khảo sát cũng dự báo tăng.
Hầu hết các dự báo đều cho rằng, chưa có một giải pháp nào giải quyết căng thẳng Mỹ - Trung cũng như đại dịch Covid-19. Đại diện StoneX cho rằng, yếu tố duy nhất có thể làm suy yếu đà tăng của vàng lúc này là tiến triển vaccine phòng ngừa Covid-19.
Trước đó, vàng thế giới nhảy vọt lên kỷ lục mới trong sáng ngày 28/7 gần chạm mức 1.975 USD/ounce, bỏ xa mức kỷ lục năm 2011 (mức cao kỷ lục 1.920.70 USD/ounce vào tháng 8/2011), khi USD suy yếu cùng với hy vọng về gói kích thích bổ sung đã lôi kéo nhà đầu tư tìm đến sự an toàn của vàng.
Sở dĩ giá vàng giảm do chỉ số đồng USD giảm 0,1% xuống gần đáy 2 năm do căng thẳng Mỹ - Trung.
Đồng thời, chỉ số đồng USD đã thoát ra khỏi ngưỡng thấp trong hai năm qua, nhưng vẫn đang ở mức thấp khi Mỹ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19.
Số lượng người nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới tiếp tục tăng cao lên 16,88 triệu người, trong đó có 662.473 người tử vong, riêng tại Mỹ lên đến 4,498 triệu người nhiễm, trong đó có 152.312 người tử vong.
Vàng thường hưởng lợi từ các gói kích thích trên diện rộng của các ngân hàng trung ương vì đây được xem là kênh phòng ngừa lạm phát.
Các gói cứu trợ liên tục được chính phủ Mỹ đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế đang trong chu kỳ suy thoái. Ngày thứ Hai (27/7), Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đề xuất gói hỗ trợ Covid-19 trị giá 1.000 tỷ USD và sắp phải đàm phán với Đảng Dân chủ về cách giúp người dân Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh.
Kim loại quý tăng giá trở lại sau khi Mỹ công bố dữ liệu về niềm tin tiêu dùng không như kỳ vọng. Hãng Conference Board cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7 ở mức 92,6 điểm, giảm từ mức 98,3 điểm của tháng 6, đồng thời xuống sâu hơn dự báo ở mức 94,0 điểm.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố sẽ kéo dài chương trình cho vay khẩn cấp trong phần còn lại của năm 2020.
Vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng trong nước đi lên. Ngày 29/7, giá vàng đã bật tăng trở lại, SJC lên lại mức 58 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá trong nước vẫn đang giữ khoảng cách cao hơn thế giới đến 2,9 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, trước sức nóng của vàng hiện nay, các chuyên gia phân tích lĩnh vực vàng vẫn đưa ra dự báo rằng, khả năng vàng sẽ còn tăng giá trong thời gian tới.
Các chuyên gia nhận định, dù giá vàng sắp tới đan xen nhiều nhịp giảm, nhưng sẽ tiếp tục đi lên tới đầu tháng 11/2020 trước khi có kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Vì thế, nếu các nhà đầu tư am hiểu có thể tận dụng thời điểm giá điều chỉnh do một số người chốt lời, để gia nhập thị trường. Tuy nhiên, đầu tư vào vàng lúc này phải có tầm nhìn dài hạn, không chỉ kỳ vọng vào lướt sóng để kiếm lời.