Nhà đầu tư lo lắng, nhưng dòng tiền chảy vào vàng tìm nơi trú ẩn an toàn dường như đang chững lại. Kim loại quý cũng gần như không được hỗ trợ khi đồng USD giảm.
Giá vàng giảm khi USD phục hồi nhẹ và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Lợi suất trên trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đạt 1,487%.
Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cao nhất của Mỹ đang nắm giữ đối với hầu hết các đối tác chính của nó là một lý do chính khiến đồng đô la Mỹ tăng giá trong những tháng gần đây.
Trong khi đó, USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác giảm nhẹ, đạt 96,49 điểm sáng nay.
Vàng là tài sản chống lạm phát hàng đầu, nhưng khả năng các ngân hàng trung ương đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022 để chống lạm phát có thể gây bất lợi cho vàng, vì vàng không mang lãi suất.
Giá vàng không giữ được mốc chủ chốt 1.800 USD/ounce trong bối cảnh nhà đầu tư cố gắng đánh giá về ảnh hưởng của làn sóng biến chủng Omicron đối với triển vọng kinh tế cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất như thế nào trong năm 2022 để chống lạm phát.
Giới phân tích lĩnh vực vàng nhận định, thị trường đang bước vào giai đoạn nghỉ lễ Giáng Sinh khi không còn sự tham gia đầy đủ của các nhà đầu tư. Thị trường sẽ thiếu vắng những người chuyên lướt sóng vàng. Khối lượng giao dịch của nhà đầu tư, nhà đầu cơ trên thị trường mỏng có thể kéo dài đến cuối năm 2021.
Cho dù những lo lắng về biến thể Omicron đang gia tăng tại một số khu vực Mỹ và nhiều số quốc gia ở châu Âu, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ tăng trở lại trong phiên ngày 21/12 sau khi lao dốc vào phiên đầu tuần này, và đồng USD cũng đang phục hồi cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.
Chỉ số Dow Jones tăng 560,54 điểm, tương đương 1,6%, lên 35.492,7 điểm; S&P 500 tăng 81,21 điểm, tương đương 1,78%, lên 4.649,23 điểm; Nasdaq tăng 360,14 điểm.
Tất cả những yếu tớ trên đều gây áp lực lên vàng khiến giá mặt hàng kim quý này dần rời xa mốc 1.800 USD/ounce. Thế nhưng, giới phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư, nhà đầu cơ trên giới tìm cơ hội khi vàng giảm giá, vì họ lo ngại về những bất ổn, gồm cả ảnh hưởng kinh tế từ COVID-19.
Mức 1.800 USD/ounce vẫn là mốc quan trọng của vàng khi biến chủng Omicron đang lây lan mạnh mẽ trên toàn thế giới khi Giáng sinh và năm mới đến gần.
Các dự báo đưa ra, giá vàng có thể ghi nhận một đợt tăng mới vào đầu năm 2022 nếu kỳ vọng lạm phát tiếp tục leo thang trong khi lợi suất danh nghĩa vẫn bị kìm hãm.
Đa số các dự báo gần đây đều cho rằng, lạm phát toàn cầu tăng nhanh (từ mức 2% năm 2020 lên khoảng 3,2% năm 2021 và còn tăng nhẹ lên 3,3% năm 2022).
Chỉ số CPI của Mỹ tháng 11/2021 tăng 6,8% so cùng kỳ, cao nhất từ năm 1982, dự báo bình quân cả năm 2021 sẽ là 3,6% và khoảng 2,6% trong năm tới, cao hơn mức dự đoán 2,2% được đưa ra hồi tháng 9.
Vàng thường được coi là hàng rào chống lại sự gia tăng đột biến về giá tiêu dùng, nhưng việc nâng lãi suất USD của Fed trong 2022 có thể hạn chế áp lực lạm phát đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay Vàng miếng SJC giảm nhẹ 50.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 60,85 triệu đồng/lượng, còn chiều bán ra 61,55 triệu đồng/lượng.
Doanh nghiệp Phú Quý điều chỉnh giảm. Theo đó, giá mua vào và bán ra cùng giảm 50.000 đồng/lượng. Còn giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, hệ thống PNJ và Tập đoàn Doji đồng loạt đi ngang.
Tuy nhiên, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng miếng SJC vẫn giữ mức cao hơn thế giới 11,6 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Ngày 22/12, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.183 VND/USD, giảm 7 đồng so với mức niêm yết hôm qua.
Với biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.488 - 23.878 VND/USD. Vietcombank giữ nguyên giá USD khi mua vào là 22.760 đồng/USD và bán ra 23.070 đồng/USD.
Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 22.650 - 23.150 VND/USD.