Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng triển vọng tăng giá, nhưng mua vàng trong nước khá rủi ro
Thùy Vinh - 21/11/2021 08:15
Trước áp lực lạm phát của Mỹ tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa sớm tăng lãi suất USD, vàng còn triển vọng tăng giá.

Đó là nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam. Nhưng với thị trường vàng trong nước, người mua phải thận trọng với rủi ro khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế trên 10 triệu đồng/lượng. 

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Các yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng hiện nay, cũng như trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Sở dĩ vàng tăng giá mạnh trong thời gian gần đây từ 1.680 USD/ounce lên 1.870 USD/ounce là do chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 10/2021 tăng 0,9% so với tháng 9, cao hơn so với dự báo là 0,4%. Theo đó, lạm phát tại Mỹ tính theo năm lên tới 6,2%, nhiều hơn 0,4 điểm % so với dự báo là 5,8%. Đây cũng là tỷ lệ lạm phát theo năm cao nhất kể từ năm 1990.

Nhưng dự báo lạm phát của Mỹ còn tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới, khi các gói hỗ trợ kinh tế đưa ra nhiều trong thời gian qua. Mặc dù Fed đã bắt đầu giảm dần thu mua tài sản trong tháng 11/2021, song Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell thừa nhận sự không chắc chắn xoay quanh vấn đề lạm phát, trong khi nhấn mạnh rằng, còn quá sớm để bắt đầu nâng lãi suất cơ bản USD.

Thêm vào đó, một số thông tin kinh tế Mỹ công bố không tác động nhiều đến giá vàng trong phiên như doanh số bán lẻ tháng 10/2021 tăng 1,7% so với tháng 9 và tăng 1,5% so với cùng kỳ (trước đó, các nhà kinh tế dự báo mức tăng doanh số bán lẻ tháng này là 1,3%). Tính theo năm, doanh số bán lẻ tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và tình hình dịch Covid-19 tái diễn trên thế giới, nhất là khu vực châu Âu và Mỹ, cũng hỗ trợ cho giá vàng.

Giá vàng được dự báo sẽ lấy lại mốc 2.000 USD/ounce, theo ông, điều đó có khả thi?

Vàng luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn trước bối cảnh lạm phát tăng và thực tế gần đây khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ được công bố mức cao, nhà đầu tư đã tìm đến vàng. Với các yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá vàng trong thời gian tới, các chuyên gia phân tích về lĩnh vực vàng trên thế giới nhận định, khả năng giá mặt hàng kim quý này sẽ chạm ngưỡng 1.900 USD/ounce trong thời gian tới và không loại trừ tiến sát mốc 2.000 USD/ounce, nếu lạm phát tăng cao.

Trên thực tế, áp lực lạm phát tăng đã được dự báo khi Mỹ đưa ra nhiều gói kích cầu kinh tế kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Một khi lượng tiền được in ra và đưa vào thị trường quá nhiều để kích cầu, thì khó tránh được lạm phát cao trong tương lai. Nhưng điều này sẽ tác động tích cực lên vàng trong ngắn và dài hạn, vì đây được xem là hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư khi lạm phát ở mức cao và kinh tế thời kỳ suy thoái.

Nếu lạm phát tăng cao, Fed có sớm tăng lãi suất cơ bản USD và một khi lãi suất tái tăng, sẽ khiến vàng mất điểm, thưa ông?

Bất chấp nguy cơ lạm phát cao ở Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài, Chủ tịch Fed cho rằng, sẽ là “quá sớm” nếu tăng lãi suất và gây rủi ro tới các nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Kinh tế của Mỹ đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vì thế, Fed chưa thể đưa ra một lộ trình chắc chắn về việc tái tăng lãi suất cơ bản của USSD do kinh tế còn suy thoái.

Với diễn biến của thị trường hiện nay, khả năng đến hết quý II/2021, Fed mới tính đến việc tăng trở lại lãi suất cơ bản USD. Do đó, vàng cũng được hỗ trợ tích cực từ động thái này của Fed, nhất là trong lúc này. Điều đó sẽ tác động tích cực lên thị trường vàng và giá mặt hàng kim quý này còn được dự báo sẽ không khó để tái lập mức cao như thời gian trước, nếu vượt qua ngưỡng cản 1.800 USD/ounce.

Mặc dù vàng còn triển vọng lớn, song giá vàng SJC ở thị trường trong nước đang cao hơn giá thế giới đến 10 triệu đồng/lượng. Đây có phải là lý do khiến nhà đầu tư bỏ vàng chuyển sang chứng khoán, khi giá cổ phiếu đang tăng mạnh và bất động sản cũng hấp dẫn?

Đúng là mức chênh lệch giữa vàng thế giới và trong nước cao như hiện nay là khá rủi ro cho nhà đầu tư và người dân mua vàng trong nước. Lý do là, cung vàng SJC ở thị trường nội địa mỏng, khó đáp ứng đủ khi cầu tăng, thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế.

Tuy nhiên, mặt hàng vàng luôn có tính thanh khoản cao và chỉ cần một lượng vốn nhỏ là người dân có thể tích trữ vàng - vốn là truyền thống của người châu Á. Còn với nhà đầu tư, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường chứng khoán tăng điểm, bất động sản còn triển vọng, thì mua vàng khi giá trong nước quá cao so với giá thế giới cũng rủi ro. Nhưng nếu nhìn dài hạn, mua vàng vẫn được xem là cách tích trữ tài sản, bảo toàn vốn trước áp lực lạm phát tăng cao.

Tin liên quan
Tin khác