Ngân hàng - Bảo hiểm
Vay cầm cố sổ tiết kiệm: Nguy cơ tài sản ảo, tín dụng ma
Thùy Liên - 13/09/2019 08:19
Tưởng như vô hại, nhưng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm lại ẩn chứa nhiều mối nguy nếu các ngân hàng lạm dụng. Có lẽ, đây là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tuýt còi hình thức cho vay này.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio
.

Giải ngân ngay không cần thẩm định

Cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là sản phẩm phổ biến trên thị trường, thậm chí, nhiều ngân hàng cho vay với hạn mức tới 100% giá trị sổ. Đặc biệt, với hình thức cho vay này, hầu hết nhà băng đều giải ngân ngay lập tức, mà không cần hỏi nhu cầu vay vốn của khách hàng. 

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, một số ngân hàng còn cho phép khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm online. Khách hàng chỉ cần mở hạn mức và đăng ký vay thấu chi trên Internet Banking hoặc Mobile Banking là tiền vay về ngay tài khoản, không cần kê khai gì về mục đích sử dụng.

Trên thực tế, vay cầm cố sổ tiết kiệm là nhu cầu có thật của nhiều người dân. Trường hợp có nhu cầu đột xuất, thay vì rút tiền trước hạn, mất hầu hết tiền lãi (do phải chịu lãi suất không kỳ hạn), khách hàng có thể cầm cố sổ để vay vốn mà chỉ mất thêm 1-2% tiền lãi.

Tuy nhiên, theo NHNN, việc cho vay không thẩm định mục đích sử dụng vốn đã vi phạm quy định của NHNN về giải ngân vốn vay. Cụ thể, theo Điều 7, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, một khoản vay là hợp lệ nếu có đầy đủ 5 yếu tố, bao gồm mục đích vay và phương án sử dụng vốn.

Cuối tuần qua, NHNN đã ban hành công văn cảnh cáo các tổ chức tín dụng về hình thức cho vay này. NHNN yêu cầu, các tổ chức tín dụng không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay và giải ngân vốn vay với khoản vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm.

Dè chừng tài sản ảo, tín dụng ma

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, cảnh báo của NHNN là hợp lý. Mặc dù nhu cầu vay cầm cố sổ tiết kiệm là có thật và hợp pháp, song việc vay này cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đền rủi ro tài chính.

Rủi ro thứ nhất là tạo ra một loại tài sản ảo trên sổ sách ngân hàng tại thời điểm cho vay. Ví dụ, khách hàng A gửi 10 tỷ đồng tiết kiệm, tài sản có của ngân hàng tăng lên 10 tỷ đồng. Ngân hàng sử dụng 10 tỷ đồng này để cho vay khách hàng B. Khi đó, bảng cân đối kế toán “cân bằng” tài sản nợ với tài sản có.

Sau đó, nếu khách hàng A vay cầm sổ tiết kiệm để vay và ngân hàng đồng ý giải ngân, thì tại thời điểm đó, chỉ với một bút toán, ngân hàng đã có ngay một món cho vay mới 10 tỷ đồng và tổng tài sản tăng lên 10 tỷ đồng, mà chưa có nguồn vốn mới để cân bằng món cho vay mới. Dĩ nhiên, sau đó, ngân hàng phải huy động vốn mới để cân bằng món vay mới, song trên sổ sách thời điểm cho vay, khoản tiết kiệm 10 tỷ đồng đã tạo ra tài sản 20 tỷ đồng cho vay, trong đó 10 tỷ đồng cho vay mới có thể xem như một loại tài sản ảo với ngân hàng.

“Giao dịch này làm méo mó tổng tài sản của ngân hàng. Trên thế giới, nhiều nước tiên tiến cấm cho vay loại này, đặc biệt khi ngân hàng cho vay trước rồi khách hàng lấy tiền cho vay gửi lại ngân hàng để cầm cố món vay trước đó. Hình thức cho vay này được gọi là ‘phantom loan’, tức ‘tín dụng ma’”, TS. Hiếu cho biết.

Theo các chuyên gia, dịp cuối năm, một số ngân hàng có thể dùng chiêu này để tăng tổng tài sản ảo. Chuyện này đã xảy ra vài năm trước, giờ ít hơn, nhưng vẫn không thể loại trừ.

Rủi ro thứ hai là nguy cơ kéo mặt bằng lãi suất tăng. Ở ví dụ trên, khi bảng cân đối kế toán bị hụt 10 tỷ đồng, ngân hàng phải huy động ngay thêm 10 tỷ đồng tiền mặt để bù đắp khoảng trống trên bảng cân đối tài sản. Điều này buộc các ngân hàng phải chấp nhận trả lãi suất cao để huy động vốn bù đắp vào khoản cho vay mới.

Cầm cố sổ tiết kiệm USD để vay tiền đồng với lãi suất thấp

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện vẫn còn tình trạng một số khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm USD để vay tiền đồng với lãi suất thấp, sau đó tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao hơn để gửi, hưởng chênh lệch lãi suất khoảng 2%/năm. Tình trạng này manh nha xuất hiện từ năm 2016 đến nay, sau khi NHNN đưa lãi suất tiền gửi USD về mức 0%.

Hình thức này giúp các ngân hàng tăng trưởng dư nợ huy động và cho vay, người gửi tiền hưởng lợi, song theo các chuyên gia, lại rất nguy hiểm đến nền kinh tế, gây ra tình trạng vốn chạy lòng vòng, góp phần tạo tín dụng ảo, tăng cung tiền (dẫn tới tăng lạm phát) và đẩy mặt bằng lãi suất lên cao.
Tin liên quan
Tin khác