Ngân hàng - Bảo hiểm
Vay tín chấp gỡ nút thắt vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật
Như Chính - 30/06/2015 16:30
Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, cần phải huy động nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực về tài chính. Tuy nhiên, khó khăn về vốn đang là rào cản đối với các thành phần kinh tế khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ĐBQH Phan Văn Quý - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng: Cần có giải pháp để khơi thông, điều tiết dòng tiền hợp lý, trong đó, vay tín chấp chính là chìa khóa mở nút thắt về vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật .

Thưa ông, có rất nhiều lĩnh vực cần đến vay tín chấp, tại sao ông chỉ đề cập đến việc vay tín chấp cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật?

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đảng và Nhà nước ta đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một khâu đột phá chiến lược. Trong đó, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật là một trong những mục tiêu cụ thể để thực hiện khâu đột phá này.

Để thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực về tài chính. Tuy nhiên, khó khăn về vốn đang là rào cản đối với các thành phần kinh tế khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, tôi cho rằng chúng ta cần có cơ chế để khơi thông, điều tiết dòng tiền hợp lý, trong đó, vay tín chấp chính là chìa khóa mở nút thắt về vốn và là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật từ các thành phần kinh tế khác nhau.

Cho vay tín chấp phục vụ cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật chính là góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về hạ tầng mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định.

Vay tín chấp là một trong những giải pháp khơi thông dòng vốn, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với ngân sách Nhà nước, thưa ông?

Hiện nay, để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ngoài nguồn vốn ngân sách, Nhà nước còn thực hiện huy động vốn từ nhiều nguồn thông qua việc phát hành trái phiếu, vay vốn từ nước ngoài…

Tuy nhiên, các hình thức này đều dẫn đến tăng nợ công. Dự kiến, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% GDP vào năm 2016, trong khi mức trần nợ công mà chúng ta đang khống chế là không quá 65% GDP. Trước thực tế đó, Nhà nước đã và đang triển khai chủ trương huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích để thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế vào phát triển kết cấu hạ tầng nhằm giảm đầu tư công và giảm nợ công. Việc cho vay tín chấp sẽ là một trong những giải pháp giúp triển khai thực hiện chủ trương này.

Đại biểu quốc hội Phan Văn Quý (Đoàn Nghệ An)

Theo nhận định của ông, liệu tình trạng “Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn” có được cải thiện khi ngân hàng cho vay tín chấp?

Khi cho vay tín chấp, ngân hàng sẽ giải phóng được nguồn vốn đã huy động, tăng dư nợ tín dụng, tạo nguồn thu ổn định, giảm tỷ lệ nợ xấu và tạo điều kiện cho việc tái cấu trúc của ngành Ngân hàng.

Hiện nay, ngoài một số các doanh nghiệp Nhà nước, việc cho vay tín chấp đối với các thành phần kinh tế khác là một vấn đề xa lạ. Nhiều doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, mong muốn tham gia đầu tư xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật có tính khả thi cao, nhưng không vay được vốn vì hết tài sản thế chấp. Do vậy, tôi cho rằng việc cho vay tín chấp sẽ giúp lưu thông dòng tiền trong ngân hàng, và tình trạng “Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn” sẽ được cải thiện đáng kể.

Nếu nút thắt cho vay tín chấp được gỡ bỏ thì có tạo cú hích lớn cho các doanh nghiệp khi tham gia vào các dự án lớn, thưa ông?

Hiện nay, các công trình, dự án hạ tầng đòi hỏi vốn lớn, trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam cho dù là những doanh nghiệp lớn cũng không thể cùng một lúc đáp ứng nhu cầu vốn cho nhiều dự án. Do thiếu vốn nên không ít dự án trong nước đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài trong khi doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc khai thông nút thắt về tín dụng cho doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có điều kiện cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài. Tăng cường cho vay tín chấp để doanh nghiệp có điều kiện triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn sẽ giúp doanh nghiệp trong nước trưởng thành, tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định uy tín và thương hiệu của mình khi tham gia hội nhập với khu vực và quốc tế, là cơ sở để xây dựng thương hiệu quốc gia.

Vay tín chấp - Doanh nghiệp cần, Ngân hàng muốn. Vậy tại sao nút thắt này vẫn chưa gỡ được?

Từ năm 2006, chúng ta đã có chính sách cho vay tín chấp đối với các cá nhân, hộ gia đình nghèo theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình nghèo được bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội để vay tiền tại tổ chức tín dụng nhằm phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, ở lĩnh vực nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang triển khai chương trình cho vay tín chấp theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình này đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Đối với các lĩnh vực và ngành nghề khác, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản số 5342/NHNN/TTGSNH ngày 24/7/2014, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay tín chấp, nhưng trên thực tế, các tổ chức tín dụng vẫn ngại mở rộng cho vay tín chấp. Điều này, một phần do các quy định của pháp luật hiện hành chưa rõ ràng và đồng bộ, một phần do ngân hàng và doanh nghiệp còn chưa có phương thức tiếp cận phù hợp.

Vậy giải pháp nào để gỡ bỏ nút thắt vay tín chấp phục vụ cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thưa ông?

Đầu tư vào kết cấu hạ tầng đòi hỏi vốn rất lớn mà khả năng thu hồi vốn lâu, nhưng hiện nay Nhà nước chưa có quy định về cho vay tín chấp để phục vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Nếu doanh nghiệp vay vốn có tình hình tài chính lành mạnh, phương án kinh doanh khả thi, Ngân hàng cho vay có phương thức quản lý dòng tiền chặt chẽ thì khi cho vay tín chấp để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ngân hàng sẽ không còn lo ngại rủi ro mà đây thực sự là giải pháp hữu hiệu cho cả Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp.

Do vậy, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ vay tín chấp để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tôi cho rằng cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần rà soát lại các điều luật liên quan để sửa đổi cho phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất và đồng bộ trong lĩnh vực cho vay tín chấp.

Bên cạnh đó, cần thí điểm một số nhóm dự án, công trình quan trọng, có hiệu quả để áp dụng cho vay tín chấp, từ đó có cơ sở để đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình. Về phía khách hàng và ngân hàng thương mại, cả hai bên ngoài củng cố đạo đức nghề nghiệp thì cần có cách tiếp cận phù hợp, xây dựng lòng tin, để hướng tới các tiêu chí cho vay tín chấp theo thông lệ quốc tế, như: Khách hàng vay tín chấp phải có uy tín cao, có phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính lành mạnh, nhân sự ổn định, đặc biệt là nhân sự cấp cao. Ngân hàng bên cạnh việc xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp trước khi cho vay thì cũng cần có phương thức quản lý dòng tiền chặt chẽ cho từng món vay.

Tin liên quan
Tin khác