Thời sự
VBF 2013: Yêu cầu hành động
Bảo Duy - 01/06/2013 09:06
Với chủ đề “Giai đoạn mới trong cải cách kinh tế: Từ chương trình nghị sự tới hành động”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2013 diễn ra ngày 3/6 tới tiếp tục truyền tải thông điệp cấp bách trong hành động.
TIN LIÊN QUAN

Cộng đồng doanh nghiệp chờ những thay đổi, cải tổ hơn nữa
về môi trường kinh doanh. (Ảnh: Hà Thanh)

Niềm tin do dự

Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu (BCI) quý II/2013 vừa được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày hôm qua (30/5) với số điểm 50. Mặc dù mức tăng điểm rất nhỏ (tăng 2 điểm so với quý trước), song đây là lần đầu tiên kể từ quý III/2012, BCI trở lại mức trung bình.

Cùng với những thông tin khá tích cực về sự trở lại của gần 8.800 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt trước đó trong 5 tháng đầu năm 2012, bằng khoảng 30% so với số doanh nghiệp hoạt động, giải thể trong cùng thời kỳ, có vẻ như không khí của VBF giữa kỳ (diễn ra vào thứ Hai - 3/6) sẽ không quá nặng nề như những lo ngại trước đó.

Bàn về động thái này, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham không ngần ngại nhận định, đây là kết quả đáng khích lệ, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp châu Âu về nền kinh tế Việt Nam bắt đầu trở lại.

Đặc biệt, phát hiện quan trọng nhất được tìm thấy từ cuộc khảo sát này, đó là các doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện, với tỷ lệ 52%. Năm ngoái, 57% dự đoán kinh tế Việt Nam tiếp tục suy thoái. Tỷ lệ này trong quý trước nữa dao động khoảng 72%. Trong quý II/2013, tỷ lệ doanh nghiệp châu Âu có góc nhìn này đã giảm dưới mức trung bình, còn 48%.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, sự lạc quan về tình hình kinh tế vĩ mô là điều ít gặp trong các đợt khảo sát BCI kể từ năm 2011. Những lo ngại về lạm phát giảm, chỉ có 35% doanh nghiệp cho rằng, lạm phát có tác động đến công việc kinh doanh của họ trong trung hạn. Con số này của quý trước là 45%. Thậm chí, các doanh nghiệp châu Âu dự báo, mức lạm phát năm 2013 ước khoảng 5,13%.

Điều này lý giải sự gia tăng đáng kể của số doanh nghiệp dự định tăng đầu tư, từ 7% lên đến 13%. Lượng doanh nghiệp đánh giá tốt về tình hình kinh doanh hiện tại tăng từ 40% đến 43%, triển vọng kinh doanh gia tăng từ 30% đến 43%. 84% doanh nghiệp tin vào sự ổn định của đơn hàng. 39% doanh nghiệp đang hy vọng có thể tuyển thêm lao động trong năm nay…

“Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, cho dù điều này thể hiện một bước đi quan trọng trong định hướng đúng đắn, thì đây là bước đi nhỏ trên một con đường dài. Chúng ta cần nhìn thấy sự cố gắng liên tục của Chính phủ để cải thiện các vấn đề về cấu trúc cơ bản của nền kinh tế cùng một cam kết thực hiện mạnh mẽ và tích cực hiệp định thương mại tự do”, ông Preben Hjortlund thẳng thắn.

Bởi lẽ, so với mức điểm cao nhất của BCI (kể từ khi thực hiện vào cuối năm 2010) là 79 điểm vào quý I/2011 và tốc độ cải thiện sau 2 quý vừa qua rất chậm, mỗi quý 2 điểm, có thể thấy, điểm số 50 của BCI quý II/2013 chứa đựng khá nhiều do dự. Vẫn có tới 57% doanh nghiệp phản hồi nhìn nhận triển vọng kinh doanh của họ là trung bình hoặc tiêu cực.

Trong khu vực doanh nghiệp Việt Nam, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể trong 5 tháng đầu năm 2013 đã lên tới 23.134 doanh nghiệp, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong số này, các doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, bảo hiểm ngừng hoạt động, giải thể chiếm tỷ lệ cao nhất trong các ngành, lĩnh vực, tăng 101% so với cùng kỳ năm 2012.

Từ năng động đến hành động

Có lẽ phải nhắc tới lại lời của hai vị đồng chủ tịch VBF là ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và ông Alain Cany, nguyên Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam trong VBF năm 2012 cách đây 6 tháng rằng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối thoại với Chính phủ để có được những giải pháp cải cách về mặt cơ cấu của nền kinh tế, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.

Khi đó, trạng thái không bình thường mà VBF nhắc tới là số doanh nghiệp trong nước ngừng hoạt động, giải thể tăng mạnh, khó tiếp cận vốn ngân hàng, niềm tin kinh doanh trong cả khu vực đầu tư trong nước và nước ngoài giảm điểm mạnh…

Những trạng thái trên được cho là hệ lụy của những giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, những giải pháp mang tính dài hạn lại chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng. Thậm chí, ông Vũ Tiến Lộc còn cho rằng, những bước khá chậm chạp trong thực hiện yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, đã khiến những khó khăn mà doanh nghiệp phải gánh chịu kéo dài hơn.

Vào thời điểm hiện tại, tình hình dường như vẫn chưa có nhiều thay đổi. Mặc dù đã có một số tín hiệu đáng kể, nhất là trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều quyết sách cả ngắn hạn và dài hạn đã và đang được định hình, song bức tranh về hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam vẫn quá nhiều màu xám.

Điều đáng nói là, khối doanh nghiệp FDI đang nổi lên như là động lực cho nền kinh tế, với mức xuất siêu 4,067 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 1,923 tỷ USD, trong 5 tháng đầu năm 2013, thì khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chìm đắm trong sức ép của tồn kho lớn, thị trường đầu ra bế tắc, điều kiện về tiếp cận vốn… Thậm chí, trao đổi với báo giới, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam còn khẳng định, khó khăn của doanh nghiệp lớn hơn so với hình dung của nhiều người.

Đây là lý do mà ông Alain Cany khi trao đổi về nội dung VBF năm 2013 đã phải thẳng thắn rằng, nhiều doanh nghiệp hầu như mất kiên nhẫn, họ đang cần thấy nhiều thay đổi, cải tổ hơn nữa từ phía Chính phủ.

Rõ ràng, so với chủ đề “Khôi phục sự năng động” của VBF 6 tháng trước, chủ đề “Giai đoạn mới trong cải cách kinh tế: Từ chương trình cụ thể tới hành động” tiếp tục chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài đang khó có thể ngồi chờ lâu hơn nữa.n

Tin liên quan
Tin khác