Ô tô - xe máy
VEAM tồn kho lượng lớn xe tải sản xuất từ năm 2017 trở về trước, tổng trị giá 1.200 tỷ đồng
Thế Hải - 14/08/2019 13:32
Nhà máy ô tô VEAM của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) hiện đang còn tồn kho số lượng lớn xe tải, trị giá trên 1.200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là xe Euro 2 sản xuất từ năm 2017 trở về trước.
VEAM đang có lượng xe tồn kho tới 1.200 tỷ đồng.

Thông tin tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải và các đơn vị chức năng của Bộ Công thương, ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết, 6 tháng 2019, nhiều chỉ tiêu của Tổng công ty chưa đạt, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thấp hơn cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu sản xuất công nghiệp mới đạt 38% kế hoạch và giảm 6% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, nếu tính riêng các công ty con (trừ liên doanh) doanh thu vẫn tăng 1% và đạt 45% kế hoạch năm. Khó khăn chủ yếu là ở sản xuất công ty mẹ khi thị trường tiêu thụ ô tô tải sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ giảm mạnh, chỉ đạt 1/3 kế hoạch năm và bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, nhóm 4 công ty gồm: DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO chiếm 89% doanh thu sản xuất công nghiệp, đạt 44% kế hoạch năm và có sự tăng trưởng chung 3%.

Có tới 4/5 đơn vị có 100% vốn của VEAM gặp khó khăn (trừ Diesel Sông Công), chủ yếu là các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp. Nguyên nhân của thực tế này là do những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, không khai thác được năng lực đầu tư.

Dù vậy, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Công ty mẹ đạt 7.019 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Khoản lợi nhuận này chủ yếu là doanh thu tài chính từ lợi nhuận, cổ tức được chia của các khoản đầu tư tài chính tăng mạnh (39%), tiền lãi của các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và cổ tức, lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Theo báo cáo của lãnh đạo Tổng công ty, khó khăn chủ yếu nằm tại công ty mẹ và một số công ty thành viên khi nhiều doanh nghiệp thành viên kinh doanh bị lỗ, dẫn tới mất cân đối tài chính.

Quan ngại nhất trong những tồn tại hiện nay của đơn vị chính là việc tồn kho số lượng lớn xe tải, trị giá trên 1.200 tỷ đồng, trong đó còn một lượng lớn xe Euro 2, khoảng 2.400 xe được sản xuất từ năm 2017 trở về trước và xe Euro 4.

Theo kế hoạch, những tháng còn lại của năm 2019, VEAM sẽ tập trung cho việc đẩy mạnh tiêu thụ lượng ô tô, máy nông nghiệp tồn kho, đặc biệt là ưu tiên tiêu thụ lượng xe Euro 2, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài doanh nghiệp để kinh doanh vật tư đạt mục tiêu doanh thu thương mại.

Dù vậy, việc giải quyết tình trạng tồn kho hàng nghìn xe là không đơn giản, thậm chí, nguy cơ mất vốn rất lớn do xe sản xuất từ lâu, đã lỗi thời và hư hại.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Tổng công ty xem lại vấn đề hàng tồn kho, và cần rất quyết liệt xử lý vấn đề này với các biện pháp cụ thể, thiết thực. Liên quan đến hoạt động đầu tư, doanh nghiệp cần cân nhắc, thấy hiệu quả, an toàn mới thực hiện. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý VEAM thực hiện nghiêm túc kết luận của Thanh tra Bộ Công thương; công tác quyết toán cổ phần hóa cần có báo cáo cụ thể các bước thực hiện; việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, VEAM đang thực hiện thoái vốn nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu sẽ thoái 36% tỷ lệ vốn nhà nước tại VEAM, sau đó sẽ thoái toàn bộ.

Tin liên quan
Tin khác