Trước đó, trên cơ sở kiểm tra hiện trường định kỳ Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào đầu tháng 4/2014, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (HĐNTNN) có văn bản số 15/HĐTNNN - CTTĐ gửi chủ đầu tư khuyến cáo một số khiếm khuyết nhỏ liên quan tới chất lượng một số hạng mục của Dự án.
Nhà thầu Posco E&C thi công gói thầu 5A, Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây |
Cụ thể, kết quả kiểm tra của HĐNTNN cho thấy, Gói thầu 3 của Dự án (đưa vào khai thác từ tháng 12-2013) xuất hiện hiện tượng lún lệch (3-5cm) là nơi tiếp giáp giữa hai khu vực xử lý nền đất yếu tại Km14+100 – Km14+120 cần có biện pháp khắc phục lâu dài.
Lý giải vấn đề này, VEC cho biết đây là đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, tiếp giáp giữa hai khu vực xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cọc đất gia cố xi măng của Gói thầu 2 và phương pháp bơm hút chân không của Gói thầu 3. Do đó, tốc độ lún dư còn lại có sự chênh lệch.
Tuy nhiên, độ lún này vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án (độ lún dư sau 15 năm nhỏ hơn hoặc bằng 30cm cho các khu vực đường thông thường). VEC, tư vấn giám sát ( TVGS) và Nhà thầu đã và đang tiến hành quan trắc theo dõi lún để có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo êm thuận và an toàn trong quá trình khai thác. Đồng thời, gói thầu đang trong giai đoạn bảo hành, nên các kinh phí sửa chữa thuộc trách nhiệm của phía Nhà thầu theo quy định.
Tại gói thầu 5A đang thi công, HĐNTNN cho rằng có hang caster, cần xác định chính xác vị trí mạch suối ngầm tại Km30+140 – Km30+340 đang phát triển phễu sụt được thiết kế tầng lọc ngược bằng ống nhựa PVC đặt ở vị trí cao không đảm bảo thoát nước và có đường kính nhỏ, dễ bị bẹp khi chịu tải trọng lớn.
Đối với khuyến nghị này, VEC cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và yêu cầu Tư vấn, Nhà thầu xử lý triệt để đảm bảo chất lượng công trình.
"Đây không phải là việc quá bất bình thường. HĐNTNN chỉ yêu cầu VEC theo dõi để xử lý triệt để. Đây chỉ là góp ý về mặt kỹ thuật", ông Ngô Lâm, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định.
Liên quan tới việc xuất hiện vết nứt, bề mặt bê tông dầm bị rỗ không đảm bảo mỹ quan, thép chờ bị rỉ, VEC cho biết, các tồn tại này chỉ xuất hiện cục bộ ở một vài phiến dầm Super – T và một số vị trí bê tông bản mặt cầu xảy ra trên bề mặt do hiện tượng co ngót của bê tông, không gây ảnh hưởng tới chất lượng của công trình (hầu hết các vết nứt đều có kích thước dưới 0,2mm, nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Dự án). Tuy nhiên, để đảm bảo chống thấm và mỹ quan công trình, TVGS đã yêu cầu Nhà thầu tiến hành vệ sinh, mài sửa bề mặt và xử lý chống thấm bằng keo Sikadur đối với các vết nứt đó.
Qua kiểm tra, HĐNTNN cũng cho rằng, việc thi công đắp nền đường tại Gói thầu 5A có lẫn nhiều sỏi, cuội, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây...
Giải thích khiếm khuyết này, VEC cho biết, hiện đang yêu cầu Nhà thầu rút ngắn tiến độ thi công Gói thầu so với hợp đồng đã ký kết, nhằm hoàn thành và đưa toàn bộ dự án vào khai thác sử dụng theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Vì vậy, đòi hỏi đáp ứng khối lượng lớn vật liệu thi công nền đường.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn khai thác mỏ đất (địa phương hạn chế do ảnh hưởng đến môi trường khu vực), khu vực xung quanh Gói thầu không có mỏ vật liệu có trữ lượng lớn, chất lượng đồng đều, nên phải sử dụng các mỏ đất có qui mô nhỏ, phân tán nên vật liệu từ các mỏ không đồng nhất, cục bộ có lẫn gốc, rễ cây (còn sót sau khi bóc dỡ tầng phủ) và cuội sỏi.
"VEC đã chỉ đạo TVGS, Nhà thầu kiểm tra kỹ chất lượng vật liệu khi đưa vào công trường, kiên quyết loại bỏ vật liệu không đảm bảo yêu cầu trước và trong quá trình thi công, đảm bảo chất lượng khi thi công theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án", lãnh đạo VEC khẳng định.
Với một số khiếm khuyết khác về lớp bê tông nhựa không đạt yêu cầu về độ rỗng và độ chặt, VEC khẳng định nghiêm túc tiếp thu các ý kiến và thực hiện các yêu cầu của HĐNTNN, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng công trình, đồng thời kiên quyết yêu cầu TVGS, Nhà thầu có các giải pháp khắc phục các tồn tại về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 20.630 tỷ đồng, gồm 9 gói thầu xây lắp, đã đưa vào khai thác 20 km đầu tuyến vào tháng 12/2013, dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2014.
Hiện đã Dự án đạt khối lượng thực hiện khoảng 85% giá trị xây lắp, trong đó các hạng mục cầu lớn vượt sông đã cơ bản hoàn thành.
TIN LIÊN QUAN | |
1.100 tỷ đồng làm hệ thống điều hành cao tốc hiện đại | |
Không có chuyện rút ruột cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây | |
2.400 tỷ đồng xây 8,8km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi |
Anh Minh