- Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 6/8: TP.HCM vượt hơn 100.000 ca mắc; Hà Nội thêm 21 ca mới
- Hà Nội tìm người đến điểm tiêm chủng ở Hoàn Kiếm
- Chìa khóa để Hà Nội chống dịch hiệu quả: Sức mạnh hệ thống y tế kết hợp ý thức toàn dân
- [Infographic] Phòng, chống dịch COVID-19: Hà Nội triển khai mô hình "vùng xanh"
Dịch vẫn phức tạp, nhiều ca nhiễm cộng đồng
Chỉ còn 1 ngày (đến hết 7/8) Hà Nội kết thúc đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 (trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng), song tình hình dịch tại Hà Nội vẫn phức tạp, các ca bệnh ở cộng đồng vẫn khá nhiều, rải rác khắp nơi.
Nhiều lực lượng được triển khai tới các chốt kiểm soát dịch Covid-19 để hạn chế tối đa việc di chuyển cơ học không chính đáng của người dân. |
Sáng ngày 6/8 Hà Nội ghi nhận 21 ca mắc mới. Trước đó, ngày 5/8, Hà Nội ghi nhận 71 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 38 ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Hơn một tuần qua, số ca nhiễm mới tại Hà Nội thường xuyên ở mức cao, trung bình khoảng 75 ca/ngày. Đáng chú ý, trường hợp dương tính ngoài cộng đồng luôn chiếm 50-60% số ca nhiễm hàng ngày.
Sau gần 2 tuần thực hiện giãn cách, dịch bệnh có dấu hiệu chuyển hướng tấn công sang các khu vực trọng yếu, có vai trò quan trọng đối với đời sống người dân như bệnh viện, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh.
Hơn 70 siêu thị, chợ trên địa bàn đã bị ảnh hưởng do liên quan đến các ca nhiễm Covid-19. Chưa kể, các ổ dịch cũ như Công ty SEI hay nhà thuốc Đức Tâm dù đã trải qua nhiều ngày nhưng các ca liên quan được phát hiện dương tính vẫn chưa dừng lại.
Tại Hà Nội, việc xuất hiện các chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây nhiễm buộc nhiều lực lượng phải xuyên đêm truy vết, cách ly y tế, siết chặt hơn các quy định về giãn cách bằng cách tăng cường các điểm chốt kiểm soát phòng chống dịch ở từng ngõ phố.
Hà Nội yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách từng nhà, từng khu phố, khu dân cư. Hàng nghìn lực lượng từ công an, y tế, quân đội, dân phòng, đoàn thanh niên được triển khai tới các chốt kiểm soát dịch Covid-19 để hạn chế tối đa việc di chuyển cơ học không chính đáng của người dân.
Theo thống kê của Công an Thành phố, dù được tuyên truyền, nhắc nhở và vận động thông qua nhiều hình thức, số lượng người vi phạm quy định về phòng chống dịch, nhất là hành vi ra đường khi không có việc cần thiết còn nhiều.
Cá biệt, có thời điểm một ngày các lực lượng ở Hà Nội xử phạt gần 1.000 trường hợp vi phạm, tổng mức tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng, vẫn luôn tồn tại nguy cơ, một người lơ là, cả xã hội vất vả.
Bác Phạm Thị Ngoãn, cán bộ tổ Covid-19 cộng đồng Phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội hàng ngày vẫn cần mẫn bên bàn làm việc tại chốt kiểm soát chung cư Xuân Mai cùng các lực lượng giám sát từng trường hợp ra đường.
Theo bác Ngoãn, đa số trường hợp ra đường đều đúng mục đích, song cũng còn một số trương hợp ra đường không thực sự cần thiết. Sau khi được cán bộ giải thích, nhiều người đã hiểu, đồng ý quay về chấp hành các biện pháp chống dịch.
“Việc xử phạt chỉ là bất khả kháng, không ai mong muốn phải làm điều đó. Tôi chỉ mong muốn mỗi người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị về giãn cách xã hội, khi đó các lực lượng chống dịch cũng đỡ vất vả, Thành phố mới sớm đẩy lùi được dịch bệnh”, bác Ngoãn nói.
Về phía chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, (Bộ Y tế) nhận định, tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng là con số rất đáng lưu tâm, đặc biệt quan trọng để đánh giá mức độ dịch bệnh của Hà Nội hiện nay.
Cũng theo chuyên gia, đây là một căn cứ để Thành phố cân nhắc có kéo dài việc giãn cách xã hội sau ngày 7/8 hay không. Và để đánh giá được chính xác, Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm sàng lọc khu vực nguy cơ và đặc biệt là việc người dân tự nguyên khai báo khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng diễn biến dịch thời điểm hiện tại có nhiều điểm rất phức tạp, khó lường, dự báo nhiều khó khăn trong thời gian tới. Do vậy, vì an toàn của mỗi người dân, có thể kéo dài giãn cách xã hội nếu cơ quan chức năng thấy rằng việc này là cần thiết.
Còn Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn thì chia sẻ, Thành phố đang tính toán, cân nhắc nhiều yếu tố về việc có tiếp tục gia hạn giãn cách xã hội hay không. Trước mắt là tập trung kiểm soát, xét nghiệm, phát hiện F0.
"Nếu diễn biến dịch bệnh đòi hỏi thì vẫn phải tăng thêm thời gian giãn cách. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân", ông Tuấn nói.
Để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo ý kiến của các chuyên gia, mỗi người dân phải tham gia vào quá trình giãn cách xã hội một cách tự giác, thực chất, hiệu quả, để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, chừng đó cuộc chiến chống giặc Covid-19 mới thành công.
Sẵn sàng phương án dự phòng nếu tiếp tục giãn cách
Để kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh quyết định thành lập 3 tổ công tác hoạt động từ ngày 3/8, ứng trực 24/24h đảm bảo thông suốt mọi chỉ đạo, thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Tổ 1 do Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phụ trách chịu trách nhiệm điều phối xét nghiệm, tiêm chủng vắc-xin. Phó chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phụ trách tổ 2 gồm thu dung và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Tổ 3 đảm đương cách ly, hậu cần, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao do Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phụ trách.
“Bài học kinh nghiệm của chúng ta là phải luôn đi trước một bước. Để bảo vệ an toàn tính mạng của người dân thì công tác chuẩn bị càng phải chủ động với những kịch bản ở mức độ cao hơn”, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh nói.
Người đứng đầu Thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế lên phương án dự phòng nếu phải kéo dài giãn cách xã hội. TP. Hà Nội giao Sở Y tế rà soát, tham mưu phương án điều trị 20.000 bệnh nhân mắc Covid-19 và hoàn thiện phương án 1.000 giường cho F0 triệu chứng nhẹ.
Bộ Tư lệnh Thủ đô thành lập các cơ sở cách ly tập trung với năng lực 3.000-5.000 chỗ/huyện. Sở Xây dựng đề xuất phương án trưng dụng quỹ nhà ở, ký túc xá sinh viên, cơ sở giáo dục, trung tâm thể dục thể thao làm khu cách ly tập trung, khu điều trị bệnh nhân Covid-19.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu từng cấp, ngành, đơn vị cần rút kinh nghiệm, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch vừa qua trên địa bàn Thành phố.
Trong bất cứ tình huống nào tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Khi tình hình dịch ổn định, không phát sinh thêm ca nhiễm mới cần canh gác thật chặt, bảo vệ vững chắc Thủ đô, giữ vững thành quả chống dịch, hạn chế tối đa sơ hở để dịch bệnh xâm nhập Thành phố.
Theo yêu cầu của lãnh đạo TP.Hà Nội, Sở Y tế cần triển khai các kịch bản chi tiết chủ động ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, diễn biến thực tế. Có phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế xử lý khẩn trương, quyết liệt khi có ca nhiễm mới; rà soát kỹ F0, cách ly triệt để các trường hợp F1, F2 và người liên quan với mục tiêu dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới. Khoanh vùng, điều tra, xử lý triệt để ổ dịch tại ngõ 651 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và các ổ dịch khác trong thời gian sớm nhất, không để dịch lan rộng trên địa bàn.
"Tập trung triển khai phương án về chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn với phương châm “vắc-xin về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó”. Đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại các quận, huyện, thị xã bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, quy định, an toàn, hiệu quả", người đứng đầu Thành phố nêu.