Doanh nghiệp
Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với mạng xã hội?
Nguyên Ðức - 17/08/2013 07:54
Ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) coi mạng xã hội là một phương tiện truyền thông hữu ích và tiết kiệm chi phí, nhưng số DN sử dụng mạng xã hội làm công cụ truyền thông hữu ích chưa nhiều.

Trang Facebook của Samsung Mobile Vietnam mấy ngày gần đây liên tục tung lên các chương trình khuyến mại khi mua các sản phẩm Galaxy S4, Note 8, Tab 3…, bao gồm cả miêu tả tỉ mỉ các tính năng nổi trội của các sản phẩm “bom tấn” này. Rất đông đảo cư dân mạng “nhảy” vào bình luận và bấm phím “like” cho các thông tin này.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Tổng giám đốc điều hành Công ty
TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ phẩm Thiên An

Đáng nói là, Samsung không chỉ có một, mà là hai trang facebook.

Nếu Samsung Mobile “phụ trách” riêng dòng sản phẩm điện thoại, thì Samsung Vietnam “bao sân” các sản phẩm khác. Bên cạnh đội ngũ nhân viên truyền thông riêng biệt, Samsung đã cắt cử riêng nhân sự để chăm sóc hai trang mạng xã hội này.

“Đây là một hình thức truyền thông rất hiệu quả, bởi tính tương tác rất cao”, một nhân viên truyền thông của “đại gia” này nói và cho biết, Samsung ngày càng quan tâm hơn tới truyền thông qua các mạng xã hội.

Thực tế, không chỉ Samsung, mà những người “nghiện” mạng xã hội đều biết, ngày càng nhiều DN đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ truyền thông cực kỳ hữu ích. Nokia, OMO, Zara… đều đã sử dụng facebook để truyền tải tới người tiêu dùng những thông tin mới nhất liên quan đến hoạt động của công ty.

Không chỉ DN ngoại, mà cả DN nội, dù lớn hay nhỏ cũng đã bắt đầu tạo các tài khoản riêng trên mạng xã hội để thực hiện truyền thông xã hội. Và gần đây, ngay cả các cơ quan báo chí cũng đã tranh thủ “truyền thông của truyền thông” trên facebook. Hiệu ứng xã hội rất nhanh và lan tỏa rộng rãi.

Tình hình này đã cải thiện đáng kể so với vài năm trước đây, khi DN Việt thờ ơ với mạng xã hội. Năm 2011, kết quả khảo sát của Công ty Truyền thông Vinalink cho thấy, chỉ có 0,4% - tương đương 2.000 DN Việt sử dụng facebook, 0,07% DN dùng Youtube, 0,2% còn lại sử dụng các mạng xã hội khác.

Tính chung cả việc sử dụng các diễn đàn, blog, thì số DN ứng dụng các truyền thông xã hội mới chỉ khoảng 1%, tức là chỉ có 5.000 DN - một con số quá nhỏ so với lượng người dùng các trang mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Chưa có một khảo sát gần đây về vấn đề này, song về cảm quan, thì có thể thấy, sự quan tâm của DN Việt đối với truyền thông xã hội đã trở nên rõ nét hơn. Với khả năng kết nối người dùng không giới hạn, hình thức chia sẻ đa dạng, phong phú, từ hình ảnh, nội dung đến video, các trang mạng xã hội thực sự là một kênh truyền thông hữu ích cho bất kể DN nào.

Quan trọng hơn là, DN chỉ phải bỏ một khoản chi phí rất nhỏ, thậm chí bằng không, nhưng lại có thể gửi đến hàng ngàn khách hàng của mình các thông điệp khác nhau, không ngừng tạo sự gắn kết và gia tăng uy tín, từ đó, nâng cao vị thế trên thương trường và tăng khả năng cạnh tranh.

Đó là lý do vì sao báo cáo của Tập đoàn Cimigo, đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường cho thấy, có 43% DN trên toàn cầu đang sử dụng truyền thông xã hội. Và tỷ lệ này đang lên 53% ở các nước châu Mỹ La tinh, 40% ở các nước thuộc nhóm G7 và 35% ở châu Âu.

Đặc biệt, ở khu vực ASEAN, tỷ lệ này chiếm 75%. Những con số này chắc chắn lớn hơn rất nhiều lần tỷ lệ DN Việt Nam sử dụng truyền thông xã hội.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao các DN Việt Nam vẫn chưa mặn mà với mạng xã hội? Theo nhiều nhà quản trị DN, thì khả năng phát tán thông tin quá nhanh và khó kiểm soát là nỗi e ngại lớn nhất của họ khi sử dụng các mạng xã hội vào hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu.

Đặc biệt, việc thiếu hụt nhân sự hay bộ phận chuyên trách đủ chuyên môn và hiểu biết để thực hiện các hoạt động truyền thông qua các mạng xã hội cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc triển khai phát triển truyền thông xã hội.

Tuy nhiên, một xu hướng tất yếu là, truyền thông xã hội sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, bên cạnh các phương thức truyền thông truyền thống.

“Tới đây, nếu truyền thông xã hội thực sự bùng nổ và mang lại nhiều giá trị to lớn hơn, thì những DN thiếu một chiến lược phát triển bài bản sẽ không tận dụng hết được những lợi ích của nó và trở thành những người lạc hậu”, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nói và bày tỏ quan điểm rằng, không theo kịp truyền thông xã hội, khả năng cạnh tranh của DN có thể bị hạn chế, hoạt động mở rộng thị phần, khách hàng của DN sẽ khó thành công.

Chính bởi vậy, nếu là CEO của một công ty đang muốn nhượng quyền cửa hàng đồ ăn truyền thống Việt Nam ra các nước trong khu vực, bạn sẽ chọn phương án nào? Với cách truyền thống, sẽ phải đầu tư rất lớn để quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho chuỗi cửa hàng này. Trong khi đó, thành lập hẳn một bộ phận chuyên làm truyền thông xã hội sẽ giúp công ty quảng bá hình ảnh, thương hiệu của chuỗi cửa hàng mà không mất quá nhiều chi phí.

Câu hỏi đã được đặt ra cho ông Nguyễn Đức Dũng, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ phẩm Thiên An, người chơi chính trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề Chiến lược Công nghệ thông tin - Phát triển truyền thông xã hội, kỳ này. Chương trình được phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật (18/8/2013) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (19/8).

Tin liên quan
Tin khác