Doanh nghiệp
Vì sao Gạch Khang Minh muốn tăng vốn lên gấp 3 lần?
Kỳ Thành - 25/09/2017 08:11
Đại hội đồng cổ đông CTCP Gạch Khang Minh vừa “chốt” phương án phát tăng cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 45 tỷ đồng hiện nay lên 135 tỷ đồng. Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng trong thời gian tới của công ty này.
Nhà máy gạch Khang Minh số 1 tại Khu công nghiệp Tây Nam thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Cách tăng vốn “lạ”

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường CTCP Gạch Khang Minh (GKM - HNX) ngày 21/9 vừa qua đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 45 tỷ đồng hiện nay lên 135 tỷ đồng với tỷ lệ nhất trí cao.

Cụ thể, GKM sẽ phát hành 09 triệu cổ phần phổ thông tự do chuyển nhượng cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:2 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được hưởng quyền mua 2 cổ phần mới) với giá chào bán 11.000 đồng/cổ phần trong quý IV/2017.

Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ không có gì mới mẻ đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên, điểm lạ của đợt tăng vốn sắp tới của GKM là việc phát hành này diễn ra sau khi cổ phiếu GKM lên sàn một thời gian rất ngắn.

Nếu như khá nhiều doanh nghiệp thường lựa chọn cách phát hành cổ phần tăng vốn trước khi lên sàn để các cổ đông “chốt lời” thì cách làm của GKM lại ngược lại hoàn toàn.

GKM chính thức lên sàn từ ngày 17/7/2017 với giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phần và từng có thời điểm lên mức 21.600 đồng/cổ phần. Hiện cổ phiếu GKM đang giao dịch quanh mốc 14.700 đồng/cổ phần với khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần đây là trên 71.000 cổ phần/phiên. So với nhiều cổ phiếu trong các ngành sản xuất cơ bản, thanh khoản của GKM chưa phải cao, nhưng đã cải thiện đáng kể so với lúc mới lên sàn, cho thấy đã có sự tham gia đầu tư của các cổ đông nhỏ lẻ.

Trao đổi với Báo Đầu tư Online - baodautu.vn, ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch HĐQT CTCP Gạch Khang Minh lý giải, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn sau khi niêm yết của GKM nhằm mục đích giúp các cổ đông đánh giá được giá trị thật của doanh nghiệp, tăng tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu GKM, qua đó tạo thêm một sự lựa chọn phù hợp cho danh mục đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư.

Theo Phương án tăng vốn điều lệ mà GKM trình đại hội, giá trị sổ sách của cổ phiếu GKM tính đến ngày 30/6/2017 là 14.373 đồng/cổ phần, cao hơn so với mức giá chào bán.

“Mức giá chào bán 11.000 đồng/cổ phần góp phần đảm bảo quyền lợi cho cổ đông hiện hữu, vừa tăng tính hấp dẫn và khả năng thành công của đợt chào bán”, ông Lê nói.

Chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới

Đại hội đồng cổ đông CTCP Gạch Khang Minh vừa “chốt” phương án phát tăng cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 45 tỷ đồng hiện nay lên 135 tỷ đồng

Theo phương án tăng vốn trên, GKM dự kiến sẽ thu về 99 tỷ đồng từ đợt phát hành này, trong đó 20 tỷ đồng để tái cơ cấu nguồn vốn và bổ sung vốn lưu động, 79 tỷ đồng còn lại được sử dụng để đầu tư vốn cho Công ty TNHH Sản xuất Gạch Khang Minh. Đây là công ty con 100% vốn thuộc GKM, được thành lập để xây dựng nhà máy mới sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu có công suất 180 triệu viên gạch/năm, nâng công suất sản xuất của Gạch Khang Minh lên mức 400 triệu viên/năm, tăng gần 200% so với hiện tại.

Thực chất, kế hoạch tăng vốn của GKM không phải bây giờ mới được tính đến. Thời điểm cuối tháng 6/2017, HĐQT của GKM đã chốt phương án tăng vốn điều lệ thêm 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án tăng vốn phải thay đổi do đầu tháng 9, công ty con của GKM đã được UBND tỉnh Hà Nam cấp Quyết định số 1412 ngày 6/9/2017 về việc điều chỉnh dự án nói trên. Với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, nhà máy mới dự kiến sẽ vận hành ngay từ tháng 9/2018 nên phương án tăng vốn cũ chưa đáp ứng đủ nhu cầu về vốn.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, thị trường tiêu thụ của gạch không nung xi măng cốt liệu đang phát triển mạnh. Kể từ sau những biện pháp quyết liệt của Chính phủ để tăng cường sử dụng gạch không nung từ năm 2010 đến nay thông qua Quyết định 567/QĐ-TTg, Chỉ thị 10/CT-TTg, Thông tư 09/2012/TT-BXD, gạch không nung được hướng đến là sản phẩm dần thay thế cho gạch đất nung truyền thống, góp phần bảo vệ đất nông nghiệp và môi trường, tận dụng tro xỉ nhiệt điện, mạt đá. Tại các nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… từ hàng chục năm qua, gạch không nung là sản phẩm chủ đạo trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, vật liệu đất nung chỉ còn được sử dụng trong lĩnh vực gạch trang trí.

Cùng với sản phẩm tiên tiến, Gạch Khang Minh còn đầu tư vào hệ thống logistic, chủ động vận chuyển sản phẩm đến khách hàng

Trong khi đó, tại Việt Nam, CTCP Gạch Khang Minh là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này với các sản phẩm được nghiên cứu và phát triển đa dạng, được các nhà thầu lớn và uy tín nhất Việt Nam như Coteccons, Hòa Bình, Delta lựa chọn sử dụng.

Các dự án tòa nhà văn phòng, chung cư cao cấp sử dụng gạch Khang Minh có thể “điểm mặt” như Lotte Center Hanoi, D’Palais De Louis của Tân Hoàng Minh và nhiều dự án của tập đoàn Geleximco, EuroWindow…

Ông Đặng Việt Lê đánh giá, trên thế giới, đô thị hiện đại gắn liền với nhà ở cao tầng và tại Việt Nam cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở cao tầng tại Hà Nội và các tỉnh thành vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, cho thấy GKM có đủ điều kiện cần để phát triển mạnh mẽ.

Ông Lê cũng cho rằng, với những mục tiêu đã đạt được từ năm 2016, khi nhà máy thứ 2 đi vào hoạt động, doanh thu và  lợi nhuận của công ty sẽ tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2018 - 2020 của GKM, doanh thu và lợi nhuận của công ty sẽ tăng trưởng lần lượt là 30% và 35% qua từng năm và đạt 341 tỷ đồng doanh thu, hơn 36 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2020. Kế hoạch này được công ty tự tin đưa ra dựa trên các lợi thế nội tại của công ty, dựa trên nhu cầu của thị trường và các chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung của Chính phủ. Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, HĐQT công ty sẽ ban hành nghị quyết chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%/năm trong những năm tới, bắt đầu từ năm 2018.

Bên cạnh đó, việc dự kiến sử dụng 20 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành để bổ sung vốn lưu động cũng sẽ giúp công ty cải thiện các chỉ số tài chính, tăng khả năng thanh toán nhanh, giúp doanh nghiệp nâng cao chỉ tiêu an toàn vốn.

Có lẽ, kế hoạch tăng vốn “lạ” của GKM đã được tính toán kỹ nhằm đảm bảo thành công cho đợt phát hành, tạo cơ sở chắc chắn đưa nhà máy thứ hai của GKM đi vào hoạt động đúng chiến lược.

Các dự án tòa nhà văn phòng, chung cư cao cấp sử dụng gạch Khang Minh có thể “điểm mặt” như Lotte Center Hanoi, D’Palais De Louis của Tân Hoàng Minh và nhiều dự án của tập đoàn Geleximco, EuroWindow…
Tin liên quan
Tin khác