Tiêu dùng
Vì sao phải nhập lượng lớn dầu thô?
Thế Hải - 10/11/2022 08:26
Phụ thuộc lớn vào nguồn cung xăng dầu thành phẩm và dầu thô nhập khẩu, nên 10 tháng qua, Việt Nam đã tiêu tốn gần 14 tỷ USD để nhập nhóm hàng này.
Việt Nam đang phải nhập khẩu loại dầu thô thích hợp về để lọc, sản xuất ra các loại xăng dầu phục vụ tiêu dùng trong nước

Nguồn cung dầu thô vẫn lệ thuộc thị trường thế giới

Dù nguồn cung xăng dầu trong nước được khẳng định đảm bảo gần 80% nhu cầu tiêu thụ, chỉ nhập khẩu hơn 20%, nhưng thực tế, mức chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm và dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu sản xuất xăng dầu hàng năm vẫn rất “khủng”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu gần 10 triệu tấn dầu thô, trị giá gần 6,5 tỷ USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, cả nước còn nhập trên 7,1 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,34 tỷ USD, tăng lần lượt 22,8% và 123,8% so với cùng kỳ. Tổng cộng chi ngoại tệ nhập khẩu dầu thô và xăng dầu 10 tháng đã tiêu tốn gần 14 tỷ USD.

Lý giải con số này, tại  cuộc họp mới nhất giữa Bộ Công thương với các đầu mối doanh nghiệp nhà nước sản xuất và kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đang nhập khẩu hơn 20% nguồn cung xăng dầu thành phẩm, nhưng còn nhập một lượng lớn dầu thô (50%) làm nguyên liệu để phục vụ sản xuất xăng dầu tại 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

“Do Việt Nam nhập dầu thô, nên vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới. Như vậy, tính ra, Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 3,1 triệu tấn dầu thô, nhưng cũng nhập về 9,938 triệu tấn để lọc dầu, trị giá gần 5,2 tỷ USD. Lượng dầu thô nhập về chủ yếu sử dụng cho hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất.

Đáng chú ý, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu. Điều này lý giải vì sao, từ năm 2018, thời điểm nhà máy này vận hành thương mại, lượng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam hàng năm đều tăng hơn gấp đôi.

 

Vẫn phải nhập lượng dầu thô rất lớn về để lọc

Việt Nam là quốc gia khai thác dầu thô, có hoạt động xuất khẩu, nhưng vẫn phải nhập một lượng dầu thô rất lớn về để lọc. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, là do chủng loại dầu thô trong nước không hoàn toàn phù hợp với các nhà máy hiện có.

Dầu thô có nhiều chủng loại, đặc tính khác nhau, như dầu ngọt, dầu nhẹ, dầu nặng... Mỗi loại dầu phục vụ sản xuất ra sản phẩm thành phẩm khác nhau, như xăng, dầu diesel, dầu hỏa, mazut... và các sản phẩm hóa dầu khác.

Nhà máy lọc dầu thường được thiết kế chỉ để lọc một số loại dầu thô nhất định, không phải loại dầu thô nào đưa vào sản xuất cũng được và không phải loại dầu thô nào đưa vào sản xuất cũng cho hiệu quả tối ưu.

Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu với khả năng lọc các loại dầu thô khác nhau.

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng vịnh, loại dầu khai thác trên sa mạc, đá phiến.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được thiết kế để lọc dầu từ mỏ Bạch Hổ. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ ngày càng ít, trong khi đó, một số mỏ có dầu thô khác với công nghệ được thiết kế cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Do đó, dù có khai thác được dầu trong nước, nhưng không phải dầu thô nào cũng phù hợp với công nghệ lọc của hai nhà máy lọc dầu đang hoạt động. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải xuất dầu thô không phù hợp với công nghệ lọc trong nước và nhập khẩu loại dầu thô thích hợp về để lọc, sản xuất ra các loại xăng dầu để phục vụ tiêu dùng trong nước.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện thị trường thuận lợi, việc phải nhập một lượng lớn dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu trong nước là việc bình thường, thậm chí, khi nhập về còn có lợi về kinh tế. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung hiện nay, giá dầu thế giới leo thang, bất ổn, các nhà máy lọc dầu không phải cứ muốn nhập khẩu là nhập được, rủi ro vì thế cũng nhiều hơn.

Từ đầu năm tới nay, thị trường dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ trong nước cũng như quốc tế bị tác động rất mạnh, bất ổn do các yếu tố xung đột địa chính trị và kinh tế xảy ra tại nhiều khu vực.

Mặt khác, trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, thì việc tiếp cận các nguồn cung dầu thô nhập khẩu khác cũng có một số trở ngại nhất định, chưa kể phụ phí dầu thô đang ở mức khá cao so với cuối năm 2021.

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) cho biết, trong tình hình chung của thị trường dầu thô hiện nay, việc tiếp cận các nguồn dầu thô nhập khẩu khó có sự đa dạng so với trước đây và phụ phí cho mỗi lô dầu vẫn đang neo ở mức cao, gây những khó khăn nhất định cho việc vận hành các nhà máy lọc dầu trong nước.

Tin liên quan
Tin khác