Đầu tư và cuộc sống
Vì sao phải thi tốt nghiệp trung học phổ thông?
D.Ngân - 07/11/2023 19:09
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh, mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển.

Chiều 7/11, tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) có câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Theo đại biểu, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc trung học cơ sở. Đây là dấu mốc quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, khi kết thúc chương trình trung học cơ sở, học sinh không thi tốt nghiệp, mà xét tốt nghiệp; trong đó khi kết thúc trung học phổ thông thì lại thi tốt nghiệp.

Cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệptrung học phổ thông, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.

Nữ đại biểu đặt câu hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp trung học phổ thông không?

Phát biểu trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đối với cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông, theo thiết kế chương trình, cấp trung học cơ sở là giáo dục cơ bản nền, tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông.

Lên đến cấp trung học phổ thông sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh.

Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở trung học cơ sở đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nếu trong 12 năm phổ thông, nếu có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc trung học cơ sở để chuyển sang trung học phổ thông.

Kết thúc trung học phổ thông, dù là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, nhưng vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông. Kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh, mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển. Với mục đích, ý nghĩa như vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn tiếp tục sử dụng trong năm tới.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2023, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.

Năm 2023, tỷ lệ số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; năm 2022 tỷ lệ này là 61,34%.

Tuy các tỷ lệ trên thấp hơn khá nhiều so với các năm trước 2022, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực lực năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo thống kê, trong kỳ tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em (bằng 107,9% so với số lượng năm 2022).

Dự kiến tỷ lệ nhập học sẽ tương tự như năm 2022 là khoảng 500.000 em. Như vậy, sẽ có khoảng 50% thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào học đại học.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mùa tuyển sinh đại học năm 2023 được giữ ổn định như năm 2022 với nhiều cải thiện kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến 100. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào các trường tăng đáng kể với gần 3,4 triệu nguyện vọng.

Khẳng định công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng mầm non 2023 được ghi nhận, đánh giá là điểm sáng của ngành giáo dục trên cơ sở ứng dụng triệt để của công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp.

Bên cạnh đó, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo; thậm chí việc xét tuyển sớm còn làm gia tăng thí sinh ảo cho các trường.

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học cần hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024, trong đó lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.

Đồng thời, các đơn vị cũng định hướng công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tin liên quan
Tin khác