Ngân hàng - Bảo hiểm
Vì sao VAMC chậm mua nợ?
Hà Tâm - 09/08/2013 06:55
Sau vài tuần nữa, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới có thể bắt tay vào mua nợ vì hiện tại, các văn bản quy định về việc mua nợ của VAMC chưa được ban hành.

Ngân hàng dè dặt vì thông tin chưa rõ

Ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC cho biết, trong vòng vài tuần nữa, VAMC mới có thể mua những khoản nợ xấu đầu tiên.

   
  Vài tuần nữa, VAMC mới có thể mua nợ  

Sự chậm chạp của VAMC không có gì là khó hiểu, bởi cho đến nay, văn bản quan trọng nhất để Công ty này hoạt động là thông tư quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC (quy định cụ thể về loại nợ được mua, bán, đặc biệt là những quy định về tài sản đảm bảo, trích lập dự phòng rủi ro, trái phiếu đặc biệt… ) vẫn chưa được ban hành.

Chính vì vậy, cả VAMC lẫn các ngân hàng thương mại đều chưa có căn cứ để mua nợ, bán nợ.

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng vẫn chờ đợi quy định cụ thể hơn về điều kiện mua nợ của VAMC. Nếu có lợi, thì họ mới hào hứng bán nợ.

“Các quy định trong Dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC hiện chưa có lợi cho ngân hàng khi bán nợ. Chưa kể, các quy định này quá chặt chẽ, nhất là yêu cầu về tài sản đảm bảo. Theo tôi, để khuyến khích các ngân hàng mạnh dạn bán nợ cho VAMC, điều kiện mua nợ phải được nới lỏng hơn”, ông Hiếu nói.

Một vấn đề nữa, theo quy định tại Dự thảo Thông tư, trái phiếu đặc biệt sẽ không được Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bảo lãnh. Điều này có nghĩa là, ngân hàng sẽ phải bán nợ bằng niềm tin. Chưa kể, nếu ngân hàng thương mại mang số trái phiếu này lên cầm cố tại NHNN thì sẽ được chiết khấu tỷ lệ bao nhiêu, phải trích lập dự phòng rủi ro ở tỷ lệ nào… cũng là những câu hỏi chưa có lời giải đáp chính thức.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ nợ xấu trên 7% (tức là bắt buộc phải bán nợ cho VAMC) cho biết, ngân hàng này rất mong muốn bán nợ  cho VAMC, song số lượng bán bao nhiêu chỉ được quyết khi VAMC đưa ra điều kiện cụ thể.

“Bởi nếu phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt là 20%, mà bán nợ quá nhiều, thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng”, vị này e ngại.

Được biết, đến nay, mới chỉ có thông tin về một ngân hàng tuyên bố sẵn sàng bán 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, còn lại các  ngân hàng khác đều rất dè dặt với vấn đề này.

Lý giải sự phân vân trên, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhong Bank cho biết: “VAMC mới ra đời, nên các ngân hàng thương mại phải nghiên cứu kỹ những điểm lợi và bất lợi rồi mới có thể quyết định. Riêng TienPhong Bank, do tỷ lệ nợ xấu thấp (2,77%), nên chúng tôi có thể tự xử lý, chưa cần bán nợ cho VAMC”.

Sẽ có 10 ngân hàng bán nợ cho VAMC

Theo ông Nguyễn Hữu Thủy, trong vòng 2 tháng tới, VAMC sẽ mua khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu của 10 ngân hàng thương mại. Các ngân hàng đều nhất trí tự nguyện bán nợ cho VAMC, không phải dùng đến biện pháp ép buộc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với tiến độ mua nợ đang diễn ra, khả năng trong năm nay, số nợ xấu được VAMC xử lý sẽ chỉ vào khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng. 

Sự thận trọng của cả VAMC lẫn các ngân hàng trong mua, bán nợ xấu là điều dễ hiểu, vì đây là mô hình mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự chậm trễ này cũng cho thấy, khả năng VAMC xử lý 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013 như kỳ vọng của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình là rất khó.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) khẳng định, để hoàn thiện hồ sơ, bảng biểu các khoản nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng phải mất vài tháng chuẩn bị. Trong khi đó, từ nay đến hết năm, chỉ còn chưa đầy 5 tháng. Như vậy, mục tiêu xử lý 40.000-70.000 tỷ đồng là vô cùng nặng nề.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, mục tiêu trên là một quyết tâm chính trị. “Để thực hiện quyết tâm này, VAMC phải bắt tay vào xử lý nợ xấu thật nhanh, mà trước hết là phải sớm ban hành các quy định mua bán nợ phù hợp để khuyến khích các ngân hàng bán nợ”, ông Hiếu nói.

Tin liên quan
Tin khác