Tốc độ và mức tăng chung
Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng qua của Việt Nam đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước và doanh nghiệp FDI đóng góp lớn vào mức tăng trưởng đó. Theo thống kê, khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) tăng 20,34 tỷ USD, chiếm 84,9% tổng mức tăng chung.
Trong 45 nhóm/mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, có 39 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 27 mặt hàng có mức tăng khá (trên 100 triệu USD), đặc biệt tăng lớn (trên 1 tỷ USD) có máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (5,38 tỷ USD); điện tử, máy tính và linh kiện (3,72 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (2,80 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (1,88 tỷ USD); sắt thép (1,36 tỷ USD)… và những mặt hàng nêu trên chủ yếu thuộc khu vực doanh nghiệp FDI.
Trong 63 tỉnh/thành phố (địa bàn xuất khẩu) có 57 địa bàn có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, Bắc Ninh tăng 3,64 tỷ USD; Bình Dương tăng 3,40 tỷ USD; Bắc Giang tăng 2,33 tỷ USD, Hải Phòng tăng 2,09 tỷ USD…
Đáng chú ý hơn là, trong 80 thị trường chủ yếu, có tới 60 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số thị trường có mức tăng lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… Kết quả của 4 tháng đầu năm 2021 là tín hiệu khả quan để cả năm nay có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng khá cao, vượt qua mốc 300 tỷ USD.
Bốn nguyên nhân hạn chế kim ngạch xuất khẩu
Mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ cao hơn, nếu không có sự tăng chậm, thậm chí còn bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích của một số chuyên gia, có 4 nguyên nhân làm giảm kim ngạch xuất khẩu, tăng tỷ trọng nhập khẩu.
Thứ nhất, khu vực kinh tế trong nước do tăng chậm hơn, nên đã giảm tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (từ 27,8% xuống còn 24,9%). Trong khi tỷ trọng về nhập khẩu lại cao hơn tỷ trọng về xuất khẩu (34,6% so với 27,8%), nên khu vực này nhập siêu cao hơn cùng kỳ cả về mức tuyệt đối (9,6 tỷ USD so với 5,527 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (36,8% so với 24,6%). Nhập khẩu tăng cao hơn tuy có một phần do giảm sự đứt gãy nguồn cung của các năm trước, nhưng đã thể hiện nhược điểm của tính gia công, lắp ráp của nền kinh tế.
Thứ hai, có một số mặt hàng/nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm sâu. Trong 4 tháng qua có 6 mặt hàng giảm là hạt điều tuy tăng lượng (15,2%), nhưng đơn giá giảm sâu (14,7%), nên kim ngạch giảm 1,7%; cà phê tuy giá tăng (7%), nhưng lượng giảm sâu (14,3%), nên kim ngạch giảm 8,3%; dầu thô tuy giá tăng cao (39,1%), nhưng lượng giảm sâu (40,1%), nên kim ngạch giảm sâu (16,7%). Xăng dầu giá tăng (4,7%), nhưng lượng giảm sâu (35,7%), nên kim ngạch giảm sâu (32,7%). Túi xách, ví, va li, mũ, ô dù giảm 0,3%. Đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 24,9% do giá ở trong nước cao hơn thế giới. Một số mặt hàng xuất khẩu như sắt thép lượng tăng (50,4%), giá tăng (30,5%), nên kim ngạch tăng rất cao (96,3%) cũng đã làm cho giá sắt thép ở trong nước tăng cao, làm cho các công ty xây dựng kêu cứu…
Thứ ba, kim ngạch xuất khẩu tại 6 địa bàn bị giảm là Đắk Lắk, Bạc Liệu, Lâm Đồng, Hòa Bình, Khánh Hòa và Điện Biên. Cả nước có tới 4 địa phương có kim ngạch xuất khẩu đạt dưới 10 triệu USD, có 13 địa bàn đạt dưới 100 triệu USD (trong đó đáng lưu ý có Đắk Nông, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Tuyên Quang, Yên Bái…).
Thứ tư, sự sụt giảm nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tại 19 thị trường, trong đó có một số thị trường có mức giảm lớn là Myanmar, Đài Loan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Rumani, Irắc, Angieri…
Ngoài ra, có một số thị trường xuất khẩu tuy tăng, nhưng nhập khẩu còn tăng cao hơn, nên đã làm cho nhập siêu của Việt Nam với các thị trường này tăng lên (17,63 tỷ USD so với 9,65 tỷ USD); Hàn Quốc (9,58 tỷ USD so với 8,24 tỷ USD); Đài Loan (5,32 tỷ USD so với 3,68 tỷ USD); Thái Lan (2,22 tỷ USD so với 1,83 tỷ USD); Malaysia (1,48 tỷ USD so với 793,8 triệu USD); Indonesia (971,8 triệu USD so với 707,8 triệu USD); Australia (769,7 triệu USD so với 306,3 triệu USD); Braxin (708,2 triệu USD so với 146,3 triệu USD)…