Nhân tố mới không dễ chịu
Grab (trước đây là Grab taxi), ứng dụng đặt taxi có trụ sở chính ở Malaysia, gia nhập vào thị trường Việt Nam vào tháng 2/2014. Bằng các chương trình tiếp thị hấp dẫn và sự tiện lợi trong việc đặt taxi, cho tới tời điểm này, Grab đã có thành công nhất định khi để lại ấn tượng với khách hàng.
Có nhiều điểm cộng cho Grab. Thứ nhất, việc đặt taxi qua Grab tiện cho cả khách đi xe và tài xế taxi. Cả hai đều biết vị trí của đối tượng mình cần gọi, thay vì cảnh có lúc khách chờ mòn mỏi không biết bao giờ taxi đến, lại có lúc hai ba chiếc cùng lao đến giựt một khách… như cách gọi taxi truyền thống qua hệ thống tổng đài của các hãng xe.
Cuộc ganh đua giữa taxi truyền thống với các ứng dụng công nghệ trong năm 2016 còn nhiều điều chưa thể đoán trước. Ảnh: Lê Toàn |
Với khách hàng, điểm cộng rất lớn mà trước đó, cách gọi taxi truyền thống không thể đáp ứng được, đó là có thể lựa chọn và đánh giá thái độ phục vụ của lái xe thông qua ứng dụng. Chính số sao mà khách hàng chấm cho lái xe sau mỗi chuyến đi tác động rất tích cực tới thái độ phục vụ trên xe, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc người lái xe có nhận được nhiều lựa chọn hay không. Đây là điều mà các hãng xe truyền thống dù rất nỗ lựa xây dựng hệ thống quản trị và kiểm soát lái xe cũng rất khó cạnh tranh.
Tương tự là Uber, Công ty đặt trụ sở ở Mỹ, có mặt ở Việt Nam cũng gần 1 năm. Dịch vụ này còn đem lại trải nghiệm mới hơn cho khách hàng ở các đô thị lớn ở Việt Nam thông qua việc tận dụng các chiếc xe nhàn rỗi để chuyên chở với mức giá thấp hơn các hãng taxi truyền thống. Hơn thế, ứng dụng này hấp dẫn người dùng ở Việt Nam khi cho phép người sử dụng lựa chọn các thời điểm gọi xe với mức giá vô cùng hấp dẫn, cũng như công khai mức phí phải trả trong giờ cao điểm - thường có hệ số khá cao so với giờ thấp điểm..., đảm bảo tối đa quyền chọn của khách hàng.
Chính các yếu tố thỏa mãn nhu cầu khách hàng khiến cả Uber và Grab nhanh chóng được đón nhận, bất chấp những tranh cãi pháp lý giữa các ứng dụng gọi xe và các hãng taxi truyền thống vẫn chưa dứt. Cách đây không lâu, đại diện Uber cho biết, Việt Nam đang trở thành thị trường có số xe di chuyển cao nhất của Công ty trên toàn cầu.
Cũng có nghĩa là, số xe này đang khiến “cái gai” trong mắt trong hãng taxi truyền thống lớn lên mỗi ngày. Có thể thấy rõ tác động này khi phân tích báo cáo tài chính của Vinasun năm 2014 và 2015, tính từ thời điểm Uber và Grab xuất hiện.
Trong hai năm này, doanh thu của Hãng lần lượt là 3.800 tỷ và hơn 4.400 tỷ đồng. Trong số này, doanh thu từ hoạt động taxi chiếm đến 99,62% (Báo cáo Thường niên 2014). Lợi nhuận ròng của Công ty cũng tăng tương ứng là 312 tỷ và 328 tỷ đồng.
Công bằng mà nói, lợi nhuận thuần từ hoạt động của Vinasun năm 2015 đã giảm sút, còn 283 tỷ đồng so với con số 318 tỷ đồng hồi năm 2014. Lý do sụt giảm được chính Công ty cho rằng, có tác động từ sự tham gia của các ứng dụng công nghệ nước ngoài vào thị trường taxi Việt Nam. Cũng cần phải nhắc thêm, Vinasun là hãng cấm tài xế sử dụng ứng dụng Grab để nhận khách hàng.
Hành động của Vinasun
Tuy đại diện Công ty từ chối bình luận về mức tăng trưởng này, tuy nhiên theo giới quan sát có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, khách hàng ở các thị trường lớn, như TP.HCM vẫn quen với cách gọi taxi truyền thống. Tính đến hết ngày 31/12/2014, Vinasun sở hữu 5.729 xe, chiếm khoảng 45% về số lượng xe taxi đang hoạt động tại TP.HCM. Đây là một lợi thế không nhỏ của Vinasun.
Thứ hai, chưa có nhiều người sử dụng smartphone để thanh toán hay đặt các dịch vụ gọi xe. Cụ thể, theo cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 1.000 người Việt Nam ở độ tuổi từ 25 đến 34 trong năm 2015 của website consumerbarometer (một đối tác của Google) về các chức năng họ sử dụng smartphone trong ngày, phần lớn là để chụp hình (72%), nghe nhạc (71%), chơi game (65%), đọc sách, tạp chí (55%), kiểm tra tin tức (50%)…
Song điều này không có nghĩa là Vinasun hay các hãng taxi truyền thống khác an toàn. Giới quan sát đang đặt câu hỏi, thị trường đặt taxi trong năm nay sẽ như thế nào?
Bản thân Vinasun cũng thừa nhận xu hướng đặt taxi qua ứng dụng là có. Tháng 5/2015, Công ty đã đưa ứng dụng Vinasun taxi lên kho ứng dụng của Google, Apple và Windows.
Gần đây nhất, hồi Tết Bính Thân năm 2016, Vinasun triển khai dịch vụ xe sang Vcar, không gắn logo taxi như Uber. Ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó giám đốc phụ trách mảng tiếp thị cho biết, Vcar đang trong giai đoạn thử nghiệm, khách hàng chủ yếu là quen biết, nên chưa công bố chính thức về dịch vụ này. Ông Toàn cũng từ chối công bố thông tin về việc phát triển của ứng dụng Vinasun taxi với lý do vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.
Nhưng ghi nhận từ một số tài xế của Vinasun cho biết, hiện ứng dụng của Công ty còn nhiều điểm cần khắc phục, một trong số đó là bản đồ định vị chưa chính xác, giao diện sử dụng còn nhiều hạn chế…
Cũng phải nhắc tới Mai Linh - từng là hãng taxi lớn nhất toàn quốc, nhưng vì đầu tư quá dàn trải khiến hãng này liên tục gặp khó khăn trong giai đoạn 2012, 2013. Đây là một trong những lý do để Vinasun nhanh chóng qua mặt dù số lượng xe và thị trường hoạt động nhỏ hơn Mai Linh. Tuy nhiên, Mai Linh đang trong nỗ lực tái cơ cấu và bắt đầu hồi sức. Tháng 8/2015, Mai Linh đã bắt đầu vào cuộc đua khi đưa ứng dụng gọi đặt Taxi Open99 do Công ty này tự phát triển vào hoạt động…
Dấu hỏi năm 2016
Trong khi công cuộc biến mình để hợp thời của ông lớn này đang còn nhiều việc phải làm, thì các ứng dụng gọi xe mới lại xuất hiện. Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam cho biết, việc triển khai dịch vụ đi chung xe cho nhiều hành khác trên một tuyến đường chung ở Việt Nam, gọi là UberPool, giúp tiết kiệm chi phí đi xe.
“Chúng tôi đang tính toán có thể trong năm nay sẽ đưa UberPool vào hoạt động”, ông Dũng nói.
Đại diện Grab cũng cho biết, không quá quan ngại với sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe của chính các hãng taxi truyền thống, vì điểm khác biệt của Công ty là tính đa dạng của dịch vụ. Theo đó, Grab phục vụ mọi đối tượng có nhu cầu di chuyển nhiều phương tiện khác nhau, từ xe hơi riêng, xe taxi cho đến xe ôm… giúp khách hàng linh động hơn trong việc lựa chọn, tùy thời điểm hoàn cảnh trong ngày mà họ sẽ tìm được cho mình một phương tiện phù hợp để di chuyển .
Vị đại diện này cũng cho biết trong năm nay, Công ty sẽ tiếp tục củng cố chất lượng dịch vụ, đội ngũ tài xế ở 3 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Thực hiện các tiện ích mới, các chương trình tri ân tài xế như năm 2015 cho các mảng dịch vụ của Grab. Tuy nhiên, Grab cũng đang đối mặt với câu hỏi không dễ trả lời, là phản ứng của giới tài xế khi doanh nghiệp này sẽ tiến hành thu phí trên mỗi chuyến đi. Hiện, việc này mới được Grab thử nghiệm ở khu vực Hà Nội.
Xem ra, cuộc đua giữa các hãng taxi truyền thống như Vinasun với các ứng dụng công nghệ của Grab hay Uber trong năm 2016 còn nhiều điều chưa thể đoán trước.