Ngân hàng - Bảo hiểm
VIB đạt 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I/2022
Vân Linh - 16/03/2022 11:49
Ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc VIB cho biết, lãi quý I/2022 của Ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24 - 25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm.

Mục tiêu đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng/tháng

Thông tin trên được ông Long chia sẻ tại đại hội cổ đông VIB diễn ra sáng ngày 16/3. Tăng trưởng tín dụng của VIB đến thời điểm hiện tại cũng tăng trên 5%. Trong 5 năm tới, VIB kỳ vọng mỗi năm có thể ghi nhận ít nhất mỗi tháng 1.000 tỷ lợi nhuận. 

Cũng theo ông Long, kể từ năm 2017, VIB thực hiện kế hoạch chuyển đổi 5 năm, lợi nhuận trước thuế đã tăng trưởng kép gần 63%, lũy kế 5 năm tăng gần 11 lần.

Lợi nhuận VIB đã tăng từ 702 tỷ đồng lên 8.011 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2022 dự kiến là 10.500 tỷ đồng.

Ông Long cho biết, cuối 2021 là quý thứ 20 VIB thực hiện chiến lược 10 năm chuyển đổi của mình. Quý 4/2021 cũng là quý đầu tiên VIB ghi nhận lợi nhuận 1 tháng trên 1.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng/quý.

ROE duy trì quanh mức 30%, một tỉ lệ cao so với các ngân hàng trên thế giới và cả top 10 ngân hàng. Nhờ chuyển đổi số và những thành tựu đạt được từ kế hoạch chuyển đổi, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng cũng đã giảm mạnh từ 61,5% còn 35,5% từ 2016 đến nay.

Về các mảng kinh doanh, ông Long cho biết, kể từ năm đầu tiên tiến hành chuyển đổi (2017), VIB đã đạt được thành công đầu tiên với việc đứng đầu về thị phần mảng cho vay ô tô. Một số báo cáo cho thấy, VIB chiếm hơn 20% thị phần cho vay mua ô tô.

Ngoài ra, ngân hàng từ 2018 cũng mới bắt đầu triển khai mảng cho vay mua nhà và sửa chữa nhà, ước tính tăng trưởng hơn 50% mỗi năm. Gần đây, ngân hàng cũng thuộc top 3 các ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong mảng bancassurance.

Trong 5 năm tới (2022-2026), VIB với tầm nhìn "ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất Việt Nam" đã đề ra 7 định hướng phát triển, tập trung vào sản phẩm, con người, thương hiệu, ứng dụng các chuẩn mực quốc tế, quản trị rủi ro.

Trả lời thắc mắc của cổ đông trong phần thảo luận, Tổng giám đốc VIB ông Hàn Ngọc Vũ cũng cho biết, trọng tâm của Ngân hàng là đẩy mạnh bán lẻ và hiện có 3,8 triệu khách hàng tính đến cuối năm 2021.

Mục tiêu của VIB là tăng 2,6 lần trong 5 năm tới hướng đến mục tiêu 10 triệu khách hàng, tăng trưởng lợi nhuận kép 30%/năm, vốn hóa đạt 14 tỷ USD.

Kế hoạch kinh doanh 2022 của ngân hàng có lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ, tăng 31,1% so với 2021; tài sản 402.500 tỷ, tăng 30% so với năm trước; tổng dư nợ tín dụng 265.600 tỷ, tăng 30%; huy động vốn 280.600 tỷ, tăng 30%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Lợi nhuận sau trích lập các quỹ của VIB hiện là 5.908 tỷ, dự kiến chia cổ tức và cổ phiếu thưởng gần 35%. 

VIB có cho vay doanh nghiệp sân sau?

Theo VIB, nếu được cấp thêm hạn mức tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng dư nợ tín dụng và tỷ lệ huy động vốn có thể đạt được cao hơn nhiều so với kế hoạch. 

Nói về cơ sở đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 30%, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, kế hoạch này phụ thuộc room tăng trưởng tín dụng NHNN cấp, mục tiêu chung cho ngành đã có, nhưng chỉ tiêu riêng cho từng ngân hàng chưa có.

Do đó, kế hoạch đặt ra dựa vào năng lực phát triển, khả năng thực tế quản trị rủi ro của VIB để vẫn đảm bảo an toàn. VIB đưa ra mức 30% phù hợp năng lực phát triển, kỳ vọng room NHNN cấp.

Rõ ràng năm 2019, VIB được đặt room tín dụng 34% và vẫn hoàn thành và đảm bảo an toàn vốn. Năm qua, room tín dụng NHNN cấp cho VIB luôn cao hơn room cấp cho ngành, song con số thực tế phải chờ NHNN cấp.

Cũng theo ông Vũ, ngân hàng hướng đến mảng bán lẻ, có nhiều cơ sở khách hàng so với khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính. Sản phẩm cho vay, huy động tiền gửi dân chúng, bảo hiểm… đây là sản phẩm chủ đạo để phát triển cơ sở khách hàng.

Trong hoạt động tín dụng của VIB, có 87% cho vay cá nhân, 17% vay doanh nghiệp, 3% cho vay định chế tài chính. Đối với khách hàng cá nhân, sản phẩm cho vay nhà đất của VIB chiếm 48% trong toàn bộ vay cá nhân.

Ngân hàng cũng xây dựng 3 cấp để phòng ngừa rủi ro, phát hiện rủi ro, khi có rủi ro thì triển khai thu hồi nợ có rủi ro nhanh nhất để đảm bảo đạt hiệu quả cao trong năm đầu.

Trong thời gian qua, VIB cũng đã tính toán tổn thất sau khi phát sinh nợ xấu của cho vay nợ xấu là 0. VIB cho vay nhà đất theo chính sách hạn chế tối đa số lượng cho vay nhà dự án, chủ yếu cho vay người tiêu dùng.

VIB có cho dự án của doanh nghiệp đầu tư vay, tuy nhiên vẫn lựa chọn, xây dựng bộ tiêu chí phù hợp để tài trợ 3 bên giữa VIB, khách hàng và đơn vị phát triển dự án, phải đủ điều kiện pháp lý.

Đồng thời, lãnh đạo VIB cho hay, khi cấp tín dụng cho khách vay mua nhà thì dự án đó phải đầy đủ về mặt pháp lý.

Trước câu hỏi của cổ đông về việc VIB có cho vay doanh nghiệp sân sau hay không? ông Ân Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ban Pháp chế và Quản trị Doanh nghiệp VIB cho hay, Ngân hàng không cho vay doanh nghiệp có liên quan đến ban lãnh đạo.

VIB cũng là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá không cho vay sân trước sân sau. Đồng thời, VIB cũng cho biết, hiện không tài trợ cho dự án ở Cần Giờ, Phú Quốc hay những dự án điện có rủi ro cao.

Tất cả tài sản khi ngân hàng cho khách hàng vay, có trên 90% có đơn vị định giá độc lập thứ 3. Khi định giá khoảng 80-90% giá trị thị trường. VIB cũng cho vay tối đa khoảng 80% giá trị tài sản đảm bảo.

Tin liên quan
Tin khác