Ông Hà Hoàng Dũng, Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro VIB |
Không chỉ mục đích tuân thủ mà còn là tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro
Sau 1 năm nhận quyết định từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chấp thuận cho áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN sớm trước thời hạn, VIB là ngân hàng Việt Nam đầu tiên hoàn thành triển khai cả 3 trụ cột của Basel II sớm hơn 1 năm so với quy định tại thông tư 41/2016/TT-NHNN và thông tư 13/2018/TT-NHNN.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà Nước đánh giá cao quá trình nỗ lực của VIB trong việc tuân thủ các quy định mới của NHNN và áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam.
Ông Hàn Ngọc Vũ – Tổng Giám đốc VIB:
“Việc VIB hoàn thành và áp dụng sớm cả 3 trụ cột của Basel II sẽ là một nền tảng quan trọng để hoạt động kinh doanh của VIB an toàn hơn và hiệu quả hơn, đồng thời góp phần thúc đẩy quyết tâm của các ngân hàng Việt Nam trong quá trình triển khai Basel II và tuân thủ đầy đủ Thông tu 41, Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước”, ông Trần Đăng Phi nhấn mạnh.
Ông Hà Hoàng Dũng, Giám đốc Quản trị rủi ro VIB cho biết, trong năm 2018, VIB đã triển khai thành công trụ cột 1 và trụ cột 3 của Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn sớm trước 1 năm so với thời hạn NHNN yêu cầu và tăng cường sức mạnh tài chính để đảm bảo hệ số an toàn vốn được tính toán tự động hóa theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN với mức CAR luôn đạt trên 9%. Ngân hàng đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn nhằm đảm bảo ngân hàng quản trị và tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo như quy định.
Năm 2019, VIB tiếp tục triển khai trụ cột 2 - nội dung quan trọng của Basel II, nhằm hoàn thiện năng lực đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) sớm trước thời hạn NHNN quy định. Để triển khai dự án ICAAP, VIB đã phối hợp với công ty tư vấn uy tín (PWC) nhằm học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận các phương pháp tính toán ICAAP đã triển khai tại các ngân hàng có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á, từ đó xây dựng quy trình và phương pháp đánh giá nội bộ về mức đủ vốn phù hợp với ngân hàng.
Đến ngày 30/9/2019, ngân hàng đã hoàn thiện toàn bộ chính sách, quy trình và phương pháp đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và đảm bảo đủ điều kiện để tuân thủ trụ cột 2 Basel từ ngày 01/01/2020, sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của NHNN tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Lãnh đạo VIB cũng cho biết, ngân hàng dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới áp dụng các chuẩn mực của Basel III vào công tác quản trị rủi ro của ngân hàng.
Triển khai đầy đủ 3 trụ cột Basel 2 mang lại lợi ích gì cho VIB?
Lãnh đạo ngân hàng này cho hay, thực tế triển khai cho thấy Basel II thực sự đã mang đến cho Ngân hàng nhiều lợi ích thiết thực, giúp VIB có những điều chỉnh phù hợp về mặt chiến lược, giúp quản trị kế hoạch vốn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng bền vững của Ngân hàng và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh một cách toàn diện. Ví dụ, qua áp dụng Basel 2, ngân hàng sẽ phát hiện thấy nhiều đối tượng khách hàng có hệ số rủi ro cao nhưng hiệu quả thấp và ngược lại, từ đó có những điều chỉnh để tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Đại diện cho Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO), nơi đặt trụ sở của Ủy Ban Basel, ông Marcel Reymond
Việc VIB hoàn thành và áp dụng sớm cả 3 trụ cột của Basel II cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, góp phần nâng cao uy tín của VIB nói riêng và ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung, đặc biệt trong tiến trình Việt Nam nỗ lực trở thành thành viên của tổ chức Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Grant Dennis, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam, đơn vị tư vấn triển khai ICAAP tại VIB cho biết: “Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ Hội đồng quản trị đến Ban lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cũng như sự giám sát chặt chẽ của họ trong quá trình triển khai. Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng với thành công bước đầu này của VIB hy vọng sẽ khởi đầu làn sóng tích cực áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế vào hoạt động kinh doanh trong ngành ngân hàng Việt Nam”.