Nguồn cung xi măng tại chỗ tăng cao trong khi nhu cầu tại Nghệ An, Hà Tĩnh tăng thấp, Vicem Hoàng Mai dự kiến doanh thu năm 2022 giảm khoảng 28 tỷ đồng so với 2021. |
Theo kế hoạch kinh doanh vừa được Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai công bố, dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào 22/4/2022, chỉ tiêu tiêu thụ xi măng, clinker và doanh thu của doanh nghiệp trong năm nay đều được điều chỉnh giảm nhẹ so với 2021.
Nguyên nhân là do một loạt khó khăn làm cản trở việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, một trong đó là nhu cầu tiêu dùng xi măng bao tại các địa bàn tiêu thụ chính của Công ty như Nghệ An, Hà Tĩnh tăng thấp, trong khi nguồn cung tại chỗ ở mức rất cao.
Xung đột Nga-Ukraine diễn ra từ cuối tháng 2 đến nay gây ra nhiều biến động cho kinh tế toàn cầu, đẩy nguy cơ thâm hụt dầu và khí đốt trầm trọng, giá than đã tăng sốc từ 230 USD/tấn cuối tháng 2 lên 415 USD/tấn (tương đương 9,5 triệu đồng/tấn) vào đầu tháng 3, giá dầu thô đạt đỉnh, chạm ngưỡng 125 USD/thùng, cao nhất 14 năm qua và dự kiến tiếp tục biến động.
Nguồn cung than trong nước tiếp tục khó do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tình hình khai thác than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nên trước mắt TKV chỉ ưu tiên cung cấp than cho điện. Dự báo, nguồn cung than tiếp tục khan hiếm, giá than cám phục vụ sản xuất xi măng chưa có dấu hiệu giảm.
Trong nước, giá nhiều loại vật tư đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt chi phí năng lượng (than, dầu...) dự báo tiếp tục tăng cao, rủi ro lạm phát gia tăng.
Căn cứ vào tình hình thị trường xi măng 2022 và khả năng huy động máy móc, thiết bị cho sản xuất, Vicem Hoàng Mai đặt mục tiêu tiêu thụ 1,96 triệu tấn sản phẩm, giảm nhẹ so với mức gần 2,1 triệu tấn năm 2021, doanh thu 1,811 tỷ đồng (giảm 28 tỷ đồng so với thực hiện 2021).
Tiêu thụ sản phẩm lẫn doanh thu đều giảm, nhưng kế hoạch lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp lại tăng mạnh, dự kiến đạt 15 tỷ đồng (tăng hơn 12 tỷ so với năm 2021).
Trong bối cảnh thị trường xi măng đang dư cung vài chục triệu tấn, mà tiêu thụ nội địa dự báo chỉ 63-64 triệu tấn, dẫn đến cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các thương hiệu xi măng trong nước Vicem Hoàng Mai đã và đang thực hiện giải pháp duy trì tỷ lệ sử dụng xi măng Hoàng Mai tại các dự án lớn và dự án đầu tư công; cao tốc Bắc Nam các đoạn qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nhiệt điện Quảng Đông, Nhiệt điện Vũng Áng 2, đường ven biển Nghệ An trong năm 2022.
Công ty sẽ thay thế từ 30 - 40% thạch cao tự nhiên đang sử dụng bằng thạch cao nhân tạo hoặc thạch cao khan có giá mua cạnh tranh để tăng hiệu quả kinh doanh; tăng tỷ lệ pha tro, xỉ trong sản xuất xi măng ở mức tối đa cho phép.
Năm 2022, Công ty tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Nghệ An và các bên liên quan nhằm khảo sát, lựa chọn địa điểm đề xuất thực hiện dự án Xi măng Hoàng Mai 2 theo quy định; phối hợp với Vicem để làm việc với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh lên phương án cụ thể chuyển nhượng dự án Nhà máy Kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi về Vicem Hoàng Mai thực hiện Dự án xi măng Hoàng Mai 2.
Được biết, năm 2021, doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với Vicem, làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin lùi thời gian chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Do dự án còn 2 vấn đề tồn tại liên quan, đó là việc chưa hoàn thành chuyển nhượng dự án nhà máy Kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi từ Vicem về Công ty để có đất xây dựng Trạm nghiền xi măng và phương án vốn cho dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công ty cũng đang tiến hành các thủ tục cần thiết để phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và triển khai ký hợp đồng với các gói thầu chính vào năm 2023.