Chiều 1/4, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức khác tiếp tục với phần đối đáp của Viện kiểm sát.
Tại tòa, đại viện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã đưa ra quan điểm đối đáp với luận cứ của các luật sư về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong vụ án.
Bởi tại phiên tòa xét xử, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị xem xét không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội; Phạm tội 2 lần trở lên… cho các thân chủ mà luật sư nhận bào chữa.
Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp rằng, các bị cáo đã bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tổ chức” và “Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội” đều là các bị cáo có chức vụ, quyền hạn, có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan. Sau đó lên phương án, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện hành vi phạm tội, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản của SCB.
Các bị cáo nhận sự chỉ đạo từ bị cáo Trương Mỹ Lan, sau đó lên phương án, chỉ đạo điều hành các lãnh đạo, nhân viên trong SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện hành vi phạm tội theo mục đích của bị cáo Trương Mỹ Lan là “Phạm tội có tổ chức”.
Đại diện Viện Kiểm sát đưa ra quan điểm đối đáp với luận cứ của các luật sư về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong vụ án. (Ảnh: Hoàng Giang) |
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết thêm, để thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt được tài sản của SCB, phục vụ mục đích của bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; Chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”; thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo; Thông đồng, câu kết với công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, đưa vào hồ sơ vay vốn; Cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân… điều này thể hiện rõ đây là “Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội” của các bị cáo.
Hơn nữa, các bị cáo mặc dù biết các khoản vay thường không đảm bảo pháp lý, nhưng các bị cáo vẫn ký hợp thức hóa cho nhiều hồ sơ vay tín dụng. Mỗi tài liệu do bị cáo ký để sử dụng hợp thức hóa hồ sơ tín dụng đồng nghĩa với việc giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội đây là “Phạm tội 2 lần trở lên”.
“Từ những hành vi nêu trên, việc các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị không áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nêu trên cho các bị cáo là không có căn cứ. Do đó, chúng tôi giữ nguyên quan điểm về các tình tiết tăng nặng cho tất cả các bị cáo mà Viện Kiểm sát đã áp dụng như cáo trạng, luận tội đã nêu tại phiên tòa”, đại diện Viện Kiểm sát nói.
Về tình tiết giảm nhẹ, tại phiên tòa, các luật sư cung cấp, đưa ra nhiều tài liệu xác định thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Xét thấy có một số tài liệu xác định được là có căn cứ để áp dụng, Viện Kiểm sát ghi nhận và đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có căn cứ chấp nhận cho từng bị cáo.
Một số tình tiết các luật sư đưa ra như tài liệu thể hiện gia đình có truyền thống cách mạng, ông bà nội, ông bà ngoại, cô, dì, chú, bác, anh chị em trong gia đình được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, bố mẹ là đảng viên lão thành, nhiều năm tuổi Đảng… và đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại các điểm tương ứng được nêu tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, nhưng không có căn cứ áp dụng, đây chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, Viện Kiểm sát ghi nhận và đề nghị HĐXX xem xét áp dụng thêm cho các bị cáo theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Một số bị cáo được luật sư lập luận, đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” (điểm a khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự), “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” (điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự) và tình tiết “Người phạm tội đã lập công chuộc tội” (điểm u khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự). Căn cứ toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo.
Quá trình điều tra, truy tố, Viện Kiểm sát đã đánh giá vai trò, ý thức, hành vi phạm tội, mức độ “giúp sức” của từng bị cáo để phân hóa các nhóm hành vi và cân nhắc đề nghị mức hình phạt theo từng vị trí, vai trò, số tiền gây thiệt hại của từng bị cáo, phù hợp với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án để áp dụng điểm s, điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự (tùy theo từng bị cáo). Do đó, đề nghị HĐXX không chấp nhận áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo như đề nghị của luật sư nêu trên.