Điểm nóng
Viện Kiểm sát không chấp nhận kháng cáo của ngân hàng vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành
Huệ Nguyễn - 28/03/2024 10:44
Trước kháng cáo của Ngân hàng Việt Á, NCB, PVcomBank đề nghị các bị hại trả lại tiền lãi đã nhận từ các hợp đồng tiền gửi, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tòa không chấp nhận quan điểm này.

Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đang xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan tới “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và loạt cựu cán bộ, nhân viên một số ngân hàng.

Trong vụ án này, sau khi Nguyễn Thị Hà Thành bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân, bị cáo này và 12 bị cáo khác đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Cùng với đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và một số bị hại cũng kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xác định lại phần trách nhiệm dân sự.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Sau hai ngày xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị Hội đồng xét xử giảm mức hình phạt cho 3 bị cáo từ 3 tháng đến 1 năm tù do đã nộp khắc phục thêm tiền, vai trò thứ yếu trong vụ án.

Viện Kiểm sát bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và 9 bị cáo khác, đề nghị tuyên y án sơ thẩm.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát cũng bác kháng cáo của 3 ngân hàng về việc đề nghị tòa yêu cầu những người gửi tiền tiết kiệm đã nhận tiền lãi, phải trả lại số tiền lãi đã hưởng.

Ngoài ra, các bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là khách hàng gửi tiền bằng hình thức đồng sở hữu 8 sổ tiết kiệm với giá trị hơn 100 tỷ đồng với Nguyễn Thị Hà Thành tại 3 ngân hàng cũng bị bác kháng cáo đề nghị ngân hàng trả lại các sổ tiết kiệm.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị tòa chấp nhận việc Ngân hàng Việt Á tiếp tục phong tỏa số cổ phần tại Công ty MHD (đứng tên bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark), với giá trị khoảng 25 tỷ đồng, để khắc phục hậu quả phần sai phạm của Nguyễn Thị Hà Thành.

Tuy nhiên, do Thành khai khai nguồn tiền dùng mua số cổ phần trên là do vay mượn từ cả 3 ngân hàng, do đó để đảm bảo quyền lợi của cả 3 ngân hàng này, Viện Kiểm sát đề nghị tòa dùng số cổ phần này để khắc phục thiệt hại cho cả 3 ngân hàng, không riêng Ngân hàng Việt Á.

Trước đó, theo bản án sơ thẩm, khoảng năm 2016 đến 2018, Nguyễn Thị Hà Thành hoạt động kinh doanh tự do, bị thua lỗ, nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân trong xã hội, với hình thức vay của người sau trả cho người trước.

Sau đó, Thành dùng thủ đoạn rủ một số cá nhân có nhiều tiền muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng, với hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu, sau đó sử dụng chính sổ tiết kiệm ngân hàng phát hành để cầm cố, thực hiện 1 khoản vay khác.

Kết quả là Thành đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối, nhằm chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và một số cá nhân khác.

Ngoài việc lập các hợp đồng, hồ sơ khống, Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng phạm đã nhận được sự giúp sức, thông đồng của 17 cán bộ tại 3 ngân hàng trên.

Sau mỗi lần được ngân hàng giải ngân, Nguyễn Thị Hà Thành đã chi 1-2% giá trị khoản vay cho một số cán bộ ngân hàng để “cảm ơn”.

Cơ quan tố tụng xác định, Nguyễn Thị Hà Thành cùng nhóm đồng phạm đã thực hiện tổng cộng 27 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới các hoạt động vay, đảo nợ tại Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng NCB và Ngân hàng PVcomBank, chiếm đoạt tổng số tiền lên tới hơn 433 tỷ đồng.

Trong đó, của Ngân hàng NCB là 47,5 tỷ đồng; của PVcomBank là 49,4 tỷ đồng và thiệt hại nặng nề nhất là Ngân hàng Việt Á, với tổng số tiền lên tới 273,8 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác