Viện Kiểm sát đã chỉ rõ, Công ty AIC không đủ năng lực nhưng để trúng thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cựu Chủ tịch Công ty AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tìm cách tiếp cận, móc nối, tạo mối quan hệ với lãnh đạo địa phương bằng tiền và dùng nhiều thủ đoạn gian lận, thiết lập mạng lưới “quân xanh, quân đỏ” để tham gia đấu thầu. Kết quả, Công ty AIC trúng 16 gói thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỉ đồng.
Để đảm bảo thu hồi số tiền của Nhà nước, Cơ quan điều tra đã phong tỏa hơn 107 tỉ đồng trong 4 tài khoản của Công ty AIC và nhiều tài sản, bất động của của Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự liên quan Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. |
Nêu quan điểm về vấn đề trên, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đã đồng ý với đề nghị của Công ty AIC liên quan tới việc bồi thường toàn bộ số thiệt hại trên, tuy nhiên cũng cho rằng, phải yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng phải có trách nhiệm bồi thường, do bị cáo này là đầu vụ. Thêm vào đó, tài sản của Công ty AIC bị phong tỏa mới chỉ có hơn 107 tỷ đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định, trong những năm qua, với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí và nhân dân, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có những bước tiến mạnh mẽ.
Việc phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện triệt để không có vùng cấm góp phần quan trọng việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm tham nhũng, kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;
Củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Nhiều vụ án có quy mô, tính chất đặc biệt nghiêm trọng phức tạp bị phát hiện, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý về hình sự, trong đó có nhiều người phạm tội có chức vụ cao.
Trong số đó, có nhiều vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ được phát hiện đã chứng minh sự cấu kết, thông đồng của các đối tượng, thể hiện lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, vụ án này là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm và nhóm lợi ích. Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền vì lợi ích vật chất, đã thực hiện trái quy định pháp luật. Tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Hơn nữa, còn xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và các cá nhân là lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh Đồng Nai, làm cho một bộ phận cán bộ công chức bị thoái hóa, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Căn cứ kết quả điều tra, các tài liệu thu thập được trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, Viện Kiểm sát kết luận đối với hành vi lần lượt của từng bị cáo.