Singapore có 53 dự án với tổng vốn đầu tư 98,32 triệu USD vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam |
Hợp tác đào tạo cán bộ
Một giai đoạn mới, đánh dấu sự hợp tác trong đào tạo cán bộ quản lý giáo dục tại Việt Nam là Thỏa thuận hợp tác thực hiện Chương trình bồi dưỡng lãnh đạo và quản lý giáo dục của Việt Nam theo hình thức liên kết Việt Nam - Singapore giai đoạn 2017 - 2018 giữa Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam (NAEM) và Học viện Giáo dục quốc gia Singapore (NIE) vừa được ký kết.
Theo nội dung Thỏa thuận, NAEM và NIE sẽ hợp tác xây dựng chương trình, tổ chức bồi dưỡng các năng lực, kỹ năng cần thiết về lãnh đạo nhà trường và quản lý giáo dục cho các giảng viên nguồn cấp quốc gia và cán bộ quản lý giáo dục của Việt Nam trong năm học 2017 - 2018, với con số 128 giảng viên nguồn và 500 cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương được thụ hưởng bồi dưỡng trong đợt I của chương trình. Các đợt tiếp theo sẽ có thêm hàng trăm giảng viên nguồn và hàng ngàn cán bộ quản lý giáo dục được tham gia bồi dưỡng.
Thỏa thuận này là một phần trong mục tiêu giúp Việt Nam đào tạo 20.000 lãnh đạo và các nhà quản lý giáo dục chất lượng cao, do Chính phủ Singapore đặt ra kể từ khi thành lập Trung tâm Đào tạo chất lượng cao Việt Nam - Singapore (VSCEE, trụ sở tại NAEM) vào tháng 3/2008.
Đây cũng là minh chứng cho cam kết “Singapore sẽ giúp Việt Nam đào tạo các nhà quản lý giáo dục từ cấp Trung ương tới địa phương, tới tận cấp trường và nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore, ông Tharman Shanmugaratnam tại thời điểm diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục (tháng 4/2007).
Không phải tới thời điểm ký ghi nhớ về hợp tác giáo dục, Singapore mới có hoạt động hỗ trợ giáo dục Việt Nam, bởi trước đó, tháng 11/2001, Trung tâm Đào tạo Việt Nam -Singapore (VSTC) hoạt động dựa trên kinh phí của Chính phủ Singapore đã được thành lập tại Việt Nam.
Đáng chú ý là, VSTC được thành lập dựa trên cơ sở sáng kiến của Singapore, muốn giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ cấp thiết của Việt Nam. Hiện, Học viện Ngoại giao là cơ quan chủ quản phía Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Singapore tổ chức các khóa học tại VSTC.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Học viện Ngoại giao, tới nay, số cán bộ được đào tạo tại VSTC vào khoảng 17.000 cán bộ.
Không chỉ dừng lại ở hợp tác cấp Chính phủ, Singapore còn là điểm đến thứ 5 trong top các điểm đến của du học sinh Việt Nam. Đây là điều dễ hiểu, vì theo đánh giá của Universitas21 Ranking Scores 2016, nền giáo dục của Singapore hiện xếp hạng thứ 8 trên thế giới và đứng đầu tại châu Á.
Đứng vững tại thị trường Việt Nam
Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong số 29 quốc gia đang có dự án FDI giáo dục tại Việt Nam, Singapore đứng thứ hai, với 53 dự án, tổng vốn đầu tư 98,32 triệu USD. Các địa phương hiện thu hút nhiều dự án FDI giáo dục của Singapore là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và Vĩnh Phúc, với tổng số vốn lần lượt là 24,91 triệu USD; 22,05 triệu USD; 12,55 triệu USD và 17 triệu USD.
Hiện, Tập đoàn Giáo dục KinderWorld của Singapore đang tìm kiếm vị trí phù hợp tại Hà Nội để phát triển 3 mô hình dự án trọng điểm bao gồm: Trường liên cấp quốc tế Singapore, Thành phố đại học thông minh Pegasus, Trường giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam và Khu du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 100 triệu USD.
Ông Ricky Tan, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục KinderWorld thông tin: “Dự án mới nhất trình lên chính quyền TP. Hà Nội của chúng tôi là xây dựng Trường đại học quốc tế Pegasus tại Việt Nam và ưu tiên TP. Hà Nội sẽ là nơi đầu tiên đặt trụ sở Đại học với các chuyên ngành cốt lõi như quản trị khách sạn, thương mại, kinh doanh, ngoại ngữ và đặc biệt là công nghệ thông tin”.
Biên bản ghi nhớ về đầu tư các dự án giáo dục quốc tế cũng đã được ký kết giữa ông Ricky Tan và ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại Hội nghị “Hà Nội 2017: Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra cuối tháng 6/2017.
Ngoài dự án tại Vĩnh Phúc vốn đầu tư 17 triệu USD thì gần đây nhất, tập đoàn này đã triển khai Dự án Khu phức hợp Giáo dục quốc tế Singapore tại Khu đô thị Hạ Long Marina (Quảng Ninh) trên diện tích 7,1 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 270 tỷ đồng (hơn 12 triệu USD).
Được biết, trong chiến lược hoạt động tại Việt Nam của KinderWorld thì Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Cần Thơ và Kiên Giang là những địa phương đang được tập đoàn này lựa chọn đẩy mạnh đầu tư.
Kể từ khi thành lập học xá đầu tiên tại Việt Nam năm 2000, đến nay, số học xá của tập đoàn này đã lên con số 18. Việc liên tiếp mở rộng quy mô các dự án giáo dục tại Việt Nam của KinderWorld là minh chứng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài có bước đi bài bản sẽ tìm được cơ hội lớn và thành công tại thị trường giáo dục Việt Nam.