Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, sau đúng 10 năm, Việt Nam tái đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ hai. Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy các chương trình hợp tác và đảm bảo việc các nước thực hiện đúng cam kết của ta trong ASEAN, trong đó có Hiệp định hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Về phần mình, Việt Nam cũng chủ động thực hiện nghiêm túc các cam kết với ASEAN, trong đó có cam kết về việc tuân thủ đúng quy định về xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Trước đó, theo cam kết tại điều 20 của Hiệp định ATIGA được ký kết năm 2009, Việt Nam đã đưa ra cam kết không áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng đường từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Tuy nhiên, do mặt hàng đường là ngành sản xuất quan trọng của nước ta, có ảnh hưởng đáng kể đối với khoảng 1,5 triệu người nông dân và lao động trong ngành mía đường ở nhiều địa phương, các nước ASEAN đã thể hiện linh hoạt và đồng ý để Việt Nam hoãn thực thi cam kết ATIGA 2 năm để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng với hội nhập ASEAN.
Theo đó, để các doanh nghiệp kinh doanh mía đường chủ động chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh và quản lý doanh nghiệp một cách hiệu quả trước khi đối mặt với áp lực cạnh tranh, ngày 20 tháng 02 năm 2019, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1034/BCT-XNK, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp thành viên, cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết này kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Song song với đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại sản xuất để có năng suất tốt hơn, phù hợp với hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để chủ động triển khai các giải pháp tạo điều kiện để ngành mía đường có thể tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập mới.
Theo kinh nghiệm của các nước như Indonesia và Philippines, dù các nước này đã thực thi cam kết ATIGA từ năm 2015 và có năng lực cạnh tranh không hơn Việt Nam, song các nước này vẫn có khả năng duy trì và phát triển ngành mía đường trong nước.
Với 41 nhà máy đường, tổng trữ lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, trong đó chỉ có 31 nhà máy có công suất 3.000 tấn/ngày và rất ít nhà máy công suất 6.000-8000 tấn/ngày, nên áp lực sàng lọc và bản thân ngành mía đường cũng phải kiện toàn lại để đảm bảo có đủ những nhà máy có sức mạnh và có quy mô nhất định bằng cách hợp nhất, liên doanh hoặc gì đấy để đảm bảo cho đủ năng lực cạnh tranh về công suất là con đường duy nhất phải thực hiện.
Để quyết tâm hội nhập và thực hiện đúng những cam kết nhưng không bỏ rơi người nông dân, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để nghiên cứu các phương án khả thi nhằm hài hòa hóa quan hệ quốc tế và khắc phục khó khăn cho sản xuất trong nước của ngành mía, đường.
Bộ Công Thương thông tin thêm, tại hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 sắp tới tại Đà Nẵng, dự kiến Việt Nam cũng sẽ thông báo đã thực hiện đúng cam kết về bãi bỏ hạn ngạch đối với đường từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, thể trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết hội nhập khu vực và quốc tế.