Tiêu dùng
Việt Nam có hơn 700 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc
Thế Hoàng - 11/03/2024 11:32
Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc, đây là cơ sở để xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỷ dân tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Việt Nam hiện có 708 mã số vùng trồng sầu riêng xuất sang Trung Quốc.




Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã cấp 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong số này có 708 mã số vùng trồng sầu riêng, còn lại là mã số cơ sỏ đóng gói.

Sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ sầu riêng ở Tây Nguyên không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan.

Ngoài sản lượng lớn, một lợi thế của sầu riêng khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh.

2023 là năm bội thu xuất khẩu của ngành rau quả. Tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này theo Tổng cục Hải quan đạt tới 5,6 tỷ USD, tăng tới 66,7% (tương ứng tăng 2,24 tỷ USD) so với năm trước.

Có được kết quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD là nhờ đóng góp của mặt hàng sầu riêng (mã HS 0810.60.00) tăng cao đột biến. Tính chung năm 2023, xuất khẩu quả sầu riêng đạt 2,1 tỷ USD, tăng tới 1,82 tỷ USD so với con số 288 triệu USD của năm trước. Trong đó, sầu riêng của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 2,03 tỷ USD, chiếm 99,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Tiếp đà của năm 2023, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng mạnh tới hơn 70%, đạt giá trị 970 triệu USD với các mặt hàng chủ lực như: dừa tươi, thanh long, bưởi, chuối, chanh dây, xoài, sầu riêng, trong đó sầu riêng vẫn là mặt hàng chiếm ưu thế.

Cùng với việc ngày càng đáp ứng tốt tiêu chuẩn từ các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản..., rau quả  Việt Nam đang có nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu. Hiện, Việt Nam và Trung Quốc đang hoàn tất các thủ tục về mở cửa thị trường cho trái dừa, sầu riêng đông lạnh..., khi có thêm các mặt hàng này được xuất chính ngạch sẽ giúp xuất khẩu có thể đạt 6,5 tỷ USD trong năm 2024.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ là 47.208 ha, đến đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha chỉ sau một năm.

Trong khi đó, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng đòi hỏi các nhà vườn, doanh nghiệp bên cạnh việc mở rộng diện tích, cần tập trung nâng cao chất lượng, cũng như các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.

Tin liên quan
Tin khác