Doanh nghiệp
Việt Nam có nhu cầu nhập 18-25 triệu tấn than năm 2022
Thế Hải - 06/04/2022 10:02
Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 18-25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón... trong năm 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Hội đồng Khoáng sản và doanh nghiệp xuất khẩu than Australia.

"Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 18-25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022", Bộ trường Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh điều này trong buổi làm việc trực tuyến với bà Tania Constable, Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản Australia và các doanh nghiệp xuất khẩu than, khoáng sản hàng đầu của nước này.

Tham dự buổi làm việc về phía Việt Nam, ngoài đại diện các đơn vị của Bộ Công thương còn có đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu than lớn nhất Việt Nam như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Hiện Australia là một trong số quốc gia khai thác và xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới, với hơn 200 triệu tấn một năm, xuất khẩu gần 40 tỷ USD/năm.

Hội đồng Khoáng sản  Australia là tổ chức đại diện cho ngành khai thác, chế biến và thương mại khoáng sản  Australia, trong đó có mặt hàng than. Với 77 hội viên đầy đủ và 34 hội viên liên kết là những doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong ngành khoáng sản của quốc gia này.

Các hội viên của Hội đồng Khoáng sản  Australia chiếm 75% tổng sản lượng khai thác và 80% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành khoáng sản của  Australia.

Trước nhu cầu cấp thiết về nhập khẩu than phục vụ cho các ngành sản xuất chủ chốt, cụ thể, Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 18-25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu than của Australia, đặc biệt là các hội viên của Hội đồng Khoáng sản Australia tăng lượng cung ứng cho doanh nghiệp Việt Nam ngay từ tháng 4 năm 2022.

Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 5% tổng lượng than xuất khẩu ra thế giới của Australia.

Bà Tania Constable, Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản  Australia khẳng định, nước này có đầy đủ năng lực cung cấp than và khoáng sản cho nhu cầu của Việt Nam, đồng thời cho biết sẽ phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Bộ Công thương trong thời gian tới để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong việc tăng cường cung ứng than cho Việt Nam cũng như trong lĩnh vực đầu tư, chuyển giao công nghệ khai thác than, khoáng sản bền vững tại hai nước.

Hôm 1/4, Bộ trưởng Công thương đã làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie nhằm tìm thêm nguồn nhập khẩu, đảm bảo đủ than cho sản xuất điện trong nước. Mong muốn của Việt Nam để 2 bên sớm ký hợp đồng mua bán, đưa than về Việt Nam ngay trong tháng 4.

Trước đó, TKV cho biết, nhu cầu tiêu thụ tăng lên, nguồn cung than thế giới khan hiếm, doanh nghiệp trong nước không nhập được đã quay lại sử dụng than trong nước, khiến cho nhu cầu tăng rất cao. Thực tế này dẫn tới tình trạng khan hiếm than dù sản lượng sản xuất không giảm.

Sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch năm 2022 là 35 triệu tấn. Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng việc cung cấp phụ thuộc nhiều nhập khẩu. 3 tháng đầu năm, TKV mới nhập được 325.000 tấn, nên sản lượng cấp được trong quý I/2022 chỉ đạt khoảng 1,1 triệu tấn, giảm 2,4 triệu tấn so với kế hoạch.

Mặc dù có nhiều giải pháp như huy động tồn kho, pha trộn than trong nước, nhưng vẫn không bù đắp được lượng than bị thiếu. 

Bộ Công thương cũng đã yêu cầu TKV và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký (nhất là với các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu). 

Tin liên quan
Tin khác