Ngân hàng - Bảo hiểm
Việt Nam có thể “ngược chiều” lãi suất?
Hà Tâm - 11/03/2023 10:04
Làn sóng tăng lãi suất trên thế giới vẫn chưa có điểm dừng, cộng thêm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược, cho thấy những tín hiệu bất trắc của nền kinh tế toàn cầu.

Dù vậy, theo các chuyên gia, dư địa hạ lãi suất trong nước vẫn còn, tuy mức giảm sốc khó có thể xảy ra.

Nỗi ám ảnh lãi suất, lạm phát chưa dừng lại

Đầu tuần này, phát biểu trước cuộc điều trần của Ủy ban Ngân hàng, nhà ở và đô thị thuộc Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo, cần phải tăng lãi suất mạnh hơn để kiềm chế lạm phát. Sau tuyên bố này, USD tăng giá mạnh, trong khi thị trường vàng, chứng khoán lao dốc.

Giới đầu tư dự đoán, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong phiên họp chính sách dự kiến diễn ra ngày 21 - 22/3 tới. JPMorgan Chase dự báo, lãi suất của Fed sẽ lên đến 6% vào cuối năm nay, thay vì mức trên 5% như dự báo trước đó.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho hay, sở dĩ Mỹ và nhiều quốc gia chưa thể hạ nhiệt lãi suất là bởi lạm phát trên thế giới đang tăng trở lại. Tại một số quốc gia, lạm phát thậm chí còn chưa lập đỉnh; còn tại một số quốc gia lạm phát đã giảm, thì lại đang có dấu hiệu tăng trở lại hoặc hạ nhiệt chậm.

“Điều này cho thấy, lạm phát tiếp tục là vấn đề nan giải trên toàn cầu. Giải pháp mà các ngân hàng trung ương trên thế giới áp dụng thời gian qua không có nhiều tác dụng. Đây là lý do khiến mặt bằng lãi suất cao sẽ còn kéo dài, kỷ nguyên tiền đắt sẽ tiếp tục duy trì. Một khảo sát mới đây cho thấy, không định chế tài chính nào tin rằng, Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ hạ lãi suất năm nay. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu xảy ra, sẽ diễn ra vào năm sau”.

Không chỉ Mỹ, từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương có thêm 36 lượt tăng lãi suất. Đầu tháng 2/2023, Ngân hàng Trung ương Anh  tăng lãi suất lên 4%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Lạm phát vẫn căng thẳng là nguyên nhân khiến lãi suất trên thế giới chưa dừng lại. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, lạm phát lõi (không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu) của khu vực đồng tiền chung châu âu đã tăng lên mức kỷ lục 5,3% trong tháng 1/2023. Eurostat cũng nhấn mạnh, tốc độ lạm phát hiện nay đã vượt mức đỉnh, song áp lực giá cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức ở mức cao nhất trong 12 năm qua; lạm phát của Pháp cũng cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước… Kinh tế nhiều quốc gia châu Âu đã rơi vào suy thoái.

Trước tình hình này, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, các ngân hàng trung ương nên duy trì lộ trình thắt chặt cho đến khi giá cả được kiểm soát.

Việt Nam vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất

Diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu đang khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hết sức cảnh giác. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, còn diễn biến phức tạp. Trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Fed vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất, gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN.

Dù lãi suất trên thị trường đã có sự điều chỉnh, song để lãi suất cho vay hạ nhiệt nhanh hơn, ngân hàng Nhà nước nên xem xét giảm thêm cả lãi suất điều hành với mức giảm 0,5% và có thể giảm thêm cuối năm nay nếu điều kiện thuận lợi. Lãi suất điều hành giảm, thì lãi suất trên thị trường mới có thể giảm theo.

- PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Fed và nhiều quốc gia tăng lãi suất, song tốc độ tăng đã giảm, áp lực với tỷ giá và lãi suất trong nước vì vậy cũng giảm hơn rất nhiều so với năm ngoái. Năm 2022, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, giúp NHNN có thể chủ động hơn trong điều hành tỷ giá, từ đó tạo điều kiện hạ lãi suất. Cùng với đó, thanh khoản dồi dào và tỷ giá ổn định thời gian qua hoàn toàn cho phép lãi suất giảm thêm. “Theo tôi, lãi suất cho vay có thể giảm rõ rệt hơn bắt đầu từ quý II/2023”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Cùng chung nhận định lãi suất có thể giảm thêm, song TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất cho vay chỉ có thể giảm nhẹ trong năm nay. Dù vậy, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, lãi suất trong nước giảm nhẹ là hợp lý, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời đảm bảo khả năng kiểm soát lạm phát và lượng cung tiền cho nền kinh tế.

Theo số liệu của NHNN, hiện thanh khoản của hệ thống đang dư thừa 50.000 tỷ đồng so với mức yêu cầu tối thiểu.

Nghịch lý là, dù thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, song các doanh nghiệp vẫn cạn kiệt nguồn vốn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo còn khó khăn, dù Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã phần nào giảm áp lực đáo hạn trái phiếu. Nguồn tín dụng vẫn chưa thể khai thông khi sức khỏe doanh nghiệp yếu đi đáng kể, tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay cũng bị hao hụt nhiều (do cổ phiếu, bất động sản giảm giá mạnh).

Để tháo gỡ khó khăn thanh khoản hiện nay, các chuyên gia cho rằng, giải pháp tiên quyết vẫn là doanh nghiệp phải chấp nhận bán tài sản với chiết khấu hấp dẫn để tạo dòng tiền. Dĩ nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn pháp lý. Chỉ khi hai giải pháp này được thực thi, tín dụng mới có thể khai thông.

Tin liên quan
Tin khác