Ngày 17/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện đã có 824 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã được tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 do AstraZeneca.
Ngoài những phản ứng thông thường, chỉ ghi nhận thêm 6 trường hợp có triệu chứng khác gồm 1 ca huyết áp kẹp, 2 ca tiêu chảy độ trung bình và 3 ca phản ứng phản vệ độ II.
Đã có 20.695 cán bộ, nhân viên y tế được tiêm vắc xin AstraZeneca. |
Thông tin tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca cho tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế.
Trong số hơn 20.000 trường hợp được tiêm có 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có 5 người ở độ 2 của phản vệ và một trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khỏe.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết thêm, trường hợp phản vệ độ 3 là do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Bộ đã cử các chuyên gia tới hỗ trợ và chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới.
Liên quan đến thông tin về các trường hợp bị đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ đã liên tục đánh giá, theo dõi. Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm.
Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin Covid-19.
Xuất phát từ lợi ích của vắc xin và số ca phản ứng của Việt Nam rất thấp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin này và bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.
Để bảo đảm an toàn tiêm chủng Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 phải vừa tiêm, vừa theo dõi đánh giá một cách cẩn trọng và an toàn.
Đối với tiến độ mua và tiêm vắc xin Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện Nghị quyết 21 của Chính phủ, Bộ Y tế đã nộp hồ sơ thành công tới Chương trình COVAX Faclility và Chương trình cam kết sẽ cung cấp vắc xin và vật tư tiêm chủng miễn phí, khoảng 30 triệu liều.
Theo đó, từ nay đến tháng 5/2021, COVAX sẽ cấp khoảng 4,1 triệu liều vắc xin đợt đầu tiên cho Việt Nam, do AstraZenecca sản xuất. Bộ Y tế đang tích cực, khẩn trương làm việc với COVAX để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vắc xin cho Việt Nam.
Nguồn vắc xin của AstraZeneca được mua qua Công ty VNVC (khoảng 30 triệu liều), với lô đầu tiên 117.600 liều được sản xuất bởi SK Bioscience (Hàn Quốc) đã về Việt Nam ngày 24/2/2021.
Về các nguồn vắc xin khác, Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer và dự kiến nhà sản xuất này có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021 (ngày 17/3/2021, Bộ Y tế và Tổ công tác sẽ đàm phán phương án cụ thể). Ngoài ra, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vắc xin của Johnson &Johnson, Moderna, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)...
Về vắc xin sản xuất trong nước, đến nay đã có hai vắc xin đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, vắc xin Nano Covax do Công ty Nanogen phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/2/2021. Vắc xin Covivac do Ivac phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3/2021.
Với lo lắng của nhiều người về việc thời gian sản xuất vắc xin của Việt Nam khá nhanh liệu có bảo đảm chất lượng, theo TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, mỗi quy trình nghiên cứu và phát triển một vắc xin phải mất thời gian khoảng 7 đến 12 năm.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu hiện nay, với sự tham vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, quy trình nghiên cứu vaccine phòng bệnh Covid-19 ở nước ta được rút ngắn tối đa có thể về quy tắc hành chính, tuy nhiên tính khoa học, chuyên môn và kỹ thuật phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Về nguy cơ dịch Covid-19 tại Việt Nam thời gian tới theo người đứng đầu ngành Y tế, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng.
Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập do tình trạng nhập cảnh trái phép.
Đến nay, Việt Nam có 157 phòng có khả năng xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR, công suất xét nghiệm tối đa khoảng 62.593 mẫu/ngày. Số phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định là 101 phòng với công suất xét nghiệm tối đa khoảng 50.663 mẫu/ngày
Theo Bộ trưởng Y tế trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc xin nhập khẩu còn hạn chế và vắc xin trong nước dự kiến phải tới Quý IV năm 2021 Việt Nam mới có. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay theo chiến dịch 5K.
Hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 vừa được xác định là N.Đ.Q (SN 1982) và N.Đ.M.P (SN 2013), là chồng và con của ca bệnh N.T.T.T, cùng trú ở phố Nguyễn Thị Định, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Anh N.Đ.Q hiện là nhân viên Công ty Kuroda Kagaku, trụ sở tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, dương tính với SARS-CoV-2 sau 5 lần xét nghiệm.
Qua rà soát, lực lượng chức năng xác định có ít nhất 26 trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh này và đang triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch, khử khuẩn, cách ly, truy vết các đối tượng F1 và F2.
Tính đến nay, toàn thành phố Hải Dương ghi nhận 49 trường hợp mắc Covid-19, truy vết và cách ly tập trung gần 1.000 trường hợp; thực hiện lấy gần 62.000 mẫu xét nghiệm và thiết lập 16 vùng cách ly y tế với 569 hộ dân, 2.025 nhân khẩu.