Năm 2023, Việt Nam chi 8,36 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu, trong đó nhập từ Hàn Quốc 3,2 tỷ USD. |
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 12/2023 tăng 10,3% về lượng và tăng 3,2% về kim ngạch so với tháng trước đó, đạt 670.000 tấn, trị giá 527 triệu USD.
Tính chung trong năm 2023, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt hơn 10 triệu tấn, trị giá 8,36 tỷ USD, tăng 13,2% về lượng và giảm 6,7% về kim ngạch so với năm 2022.
Năm qua, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc, chiếm hơn 38% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 3,9 triệu tấn, trị giá 3,21 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và giảm 6,08% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 là Singapore, chiếm hơn 21% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu trong năm 2023, đạt gần 2,2 triệu tấn, trị giá 1,81 tỷ USD, tăng 45,6% về lượng và tăng 26,4% về kim ngạch.
Tiếp đến là thị trường Malaysia, năm 2023 chiếm hơn 18-19% tỷ trọng trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 37,4% về lượng và tăng 21,8% về kim ngạch, đạt 1.95 triệu tấn, trị giá 1,57 tỷ USD.
Nhập khẩu xăng dầu từ Thái Lan chiếm hơn 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch trong năm 2023, đạt 1,1 triệu tấn, trị giá 858 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và giảm 25,9% về trị giá.
Nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Trung Quốc chiếm hơn 9-10% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, giảm 5,4% về lượng và giảm 15,7% về kim ngạch, đạt 960.000 tấn, trị giá 848,4 triệu USD.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), năm 2023, tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế thực hiện cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu m3/tấn.
Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023 và đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024. Theo đó, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 gần 28,42 triệu m3/tấn các loại (tăng 2,4 triệu tấn/m3 so với năm 2023).
Để lo đủ xăng dầu ở mức hơn 28 triệu tấn cho thị trường, kịch bản điều hành được Bộ Công thương đề xuất là thực hiện theo từng tháng và hàng quý, đồng thời kế hoạch này được điều chỉnh một cách linh hoạt. Trong tình huống bất thường, doanh nghiệp chủ động phản ánh đề xuất cơ chế chính sách hoặc các giải pháp tình thế với cơ quan quản lý nhà nước.