Việt Nam vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA với giá trị nhập siêu năm 2019 lên tới 63 tỷ USD. |
Bộ Công Thương cho biết, kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, tới nay Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 13 FTA đã ký kết và 03 FTA đang đàm phán.
Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) là FTA đầu tiên Việt Nam tham gia, là cột mốc giúp Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng, và cũng là bước đột phá cho quá trình tham gia các hiệp định FTA sau này.
Ngoài các FTA thế hệ mới, Việt Nam đang thực hiện 11 FTA khác. Trong số các FTA này, AFTA (sau này là Hiệp định CEPT/ATIGA) có tỷ lệ xoá bỏ thuế quan cao nhất là 98% với lộ trình thực hiện là 19 năm (nếu tính cả mặt hàng xăng dầu, lộ trình này là 25 năm).
Trong khi đó, FTA ASEAN-Ấn Độ có tỷ lệ xoá bỏ thuế quan thấp nhất là 74% với lộ trình thực hiện là 14 năm. Các FTA còn lại có tỷ lệ xoá bỏ thuế quan trong khoảng 86-93% với lộ trình thực hiện từ 11-17 năm.
Cũng trong số 11 FTA này, Hiệp định CEPT/ATIGA được hoàn thành xoá bỏ thuế quan sớm nhất - vào năm 2018 (trừ mặt hàng xăng dầu đến 2024 thuế suất mới giảm xuống 0%) do đây là FTA được Việt Nam thực hiện đầu tiên (từ năm 1999).
Các FTA mà Việt Nam được hoàn thành xoá bỏ thuế quan muộn nhất là FTA Việt Nam-Chi Lê và FTA Việt Nam-Hàn Quốc (đều vào năm 2029). Các FTA còn lại phải hoàn thành xoá bỏ thuế quan trong khoảng thời gian từ năm 2020-2027.
Thông tin về kết quả thực hiện các FTA trong từng lĩnh vực, Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA đạt 123,11 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 tỷ USD.
Xét về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có Hiệp định FTA thì Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc đạt 29,2%/năm, Chi Lê 28,9%/năm và Trung Quốc 20,9%/năm.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác FTA của Việt Nam năm 2019 là 186 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD.
"Như vậy, về tổng thể nước ta vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA", Bộ Công Thương nhận định.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2019 đạt 47,55 tỷ USD, chiếm 37,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Năm 2019, ta đã cấp hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi (bao gồm theo FTA và GSP) với trị giá 61,19 tỷ USD.
Mức tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 37,2% phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua.
Con số 37,2% chỉ là tỷ lệ sử dụng trung bình của các mẫu C/O ưu đãi. Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O (với Chi Lê tỷ lệ sử dụng 67,72%), theo thị trường xuất khẩu (Hàn Quốc 49,78%, Nhật Bản 38,28%), theo mặt hàng xuất khẩu (da giày gần 91,52%, nhựa và các sản phẩm nhựa 71,66%, dệt may 66,85%, thủy sản 65,25%, cà phê và hạt tiêu lần lượt đạt 52,16% và 90,77%).