Điểm đánh giá của Việt Nam với lần lượt 12 cột trụ của WEF. |
Trong báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu vừa được WEF công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế năm nay, với 61,5 điểm trên thang 100. Thứ hạng năm ngoái là 77 trên 140, được 58,1 điểm. Mức tăng 10 bậc của Việt Nam là nhiều nhất và cũng là duy nhất trên thế giới.
Trong 12 trụ cột của WEF, Việt Nam được đánh giá cao nhất tại Sức khỏe, với 81 điểm, đứng thứ 71. Thấp nhất là Năng lực Sáng tạo, chỉ được 37 điểm, đứng thứ 76. Dù vậy, lĩnh vực này đã có cải thiện so với năm ngoái. Nhìn chung, gần như tất cả lĩnh vực của Việt Nam đều tăng điểm.
WEF xếp hạng các nền kinh tế thông qua 103 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin – viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo (Sự năng động trong kinh doanh, Khả năng đột phá). Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.
Gần đây, kinh tế Việt Nam cũng đón nhiều tin tích cực. Cuối tháng trước, Tổng cục Thống kê công bố GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,98%, cao nhất 9 năm qua. Tốc độ này được đánh giá là "kỳ tích" trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao, thương mại quốc tế phức tạp và tăng trưởng nhiều nước trong khu vực xuống thấp. Lạm phát 9 tháng cũng thấp nhất trong 3 năm qua.
Trong báo cáo của WEF năm nay, Mỹ đã mất ngôi nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới và nhường lại cho Singapore. Hai quốc gia này được chấm điểm lần lượt 84,8 và 83,7. Báo cáo hồi tháng 5 của Viện Quản lý phát triển (IMD) cũng đánh giá Singapore đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh.
Top 10 yếu là các đại diện châu Âu, gồm Hà Lan (4), Thụy Sĩ (5), Đức (7), Thụy Điển (8), Anh (9) và Đan Mạch (10). Còn lại là ba nền kinh tế châu Á Singapore (1), Hong Kong (3) và Nhật Bản (6). Đông Á – Thái Bình Dương vì vậy là khu vực cạnh tranh nhất thế giới, theo sau là châu Âu và Bắc Mỹ.
Báo cáo năm nay tập trung vào vấn đề tăng trưởng năng suất lao động trên toàn cầu liên tục ở mức thấp sau 10 năm khủng hoảng tài chính. WEF gọi đây là câu hỏi 10.000 tỷ USD – số tiền mà 4 ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã bơm ra giai đoạn 2008 - 2017. Quan điểm của tổ chức này là nới lỏng tiền tệ giúp kéo nền kinh tế toàn cầu khỏi suy thoái, nhưng không phải giải pháp cho mọi vấn đề.